MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tác động quan trọng khi sửa quy định rút bảo hiểm xã hội một lần

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi vừa được Chính phủ hoàn thiện chính thức trình Quốc hội để cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp khai mạc cuối tháng 10 này. Bản dự thảo này đã hoàn thiện về 2 phương án sửa quy định về nhận bảo hiểm xã hội một lần, cũng như đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, tâm lý người lao động cho từng phương án.

Thừa uỷ quyền của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa chính thức trình Quốc hội hồ sơ Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Trọng tâm sửa đổi luật lần này liên quan tới quy định về BHXH một lần .

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ năm 2016 tới nay đã có khoảng 4,85 triệu lượt người rút BHXH một lần , với 99% người nhận dưới diện nghỉ việc sau 12 tháng không đóng BHXH tiếp. Bình quân mỗi năm có gần 700.000 người hưởng BHXH một lần, năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2022 tăng 1,7 lần so với năm 2016).

Tác động quan trọng khi sửa quy định rút bảo hiểm xã hội một lần - Ảnh 1.

Mục tiêu sửa quy định về BHXH một lần để giữ chân người lao động ở lại hệ thống an sinh, ổn định tài chính lúc tuổi già.

Các nguyên nhân chính của thực trạng trên chủ yếu do người lao động gặp khó khăn tài chính để chăm lo cuộc sống gia đình khi nghỉ việc, hiệu quả truyền thông, niềm tin của người lao động; quy định đóng tối thiểu 20 năm mới có lương hưu là quá dài; thiếu sự hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm tự nguyện (BHTN); điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng, mức hưởng cao…

Để tăng sức hút cho BHXH, giảm nhận một lần, dự luật mới bổ sung 1 số chính sách mới, như: Giảm năm đóng BHXH tối thiểu để có lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; bảo lưu thời gian đóng BHXH để nhận trợ cấp hưu trí nếu không đủ điều kiện nhận lương, được ngân sách đóng bảo hiểm y tế; hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính khi mất việc.

Rút gọn 2 phương án BHXH một lần

Về quy định hưởng BHXH một lần, dự luật đưa ra 2 phương án xin ý kiến Quốc hội (điểm đ khoản 1 Điều 77 dự thảo luật).

Phương án 1: Người tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực không được nhận BHXH một lần sau 12 tháng nghỉ việc, trừ một số trường hợp luật định (ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo…).

Phương án 2: Sau 12 tháng nghỉ việc không đóng tiếp BHXH, có thời gian đóng chưa đủ 20 năm, được hưởng BHXH một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH sau này.

Bộ LĐ-TB&XH phân tích, với phương án 1 sẽ chia thành 2 nhóm, nhóm tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực và nhóm tham gia khi luật có hiệu lực (dự kiến năm 2025). Trong đó, nhóm tham gia trước khi luật hiệu lực vẫn được nhận BHXH một lần sau 12 tháng nghỉ việc, tức bảo lưu quy định hiện hành cho nhóm này. Trường hợp không nhận chế độ này, người lao động vẫn được hưởng quyền lợi giảm năm đóng BHXH để có lương hưu, trợ cấp hưu trí nếu không đủ điều kiện nhận lương, quyền lợi vay tín dụng khi mất việc. Trường hợp người lao động đã nhận BHXH một lần không được nhận các quyền lợi bổ sung trên.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, ưu điểm của phương án 1 là khắc phục từng bước tình trạng hưởng BHXH một lần của thời gian. Trong những năm đầu, số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều, nhưng giảm dần từng năm, từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh. Do đó, quy định này giúp có thêm nhiều người được hưởng tối đa quyền lợi khi nghỉ hưu. Phương án này không ảnh hưởng tới những người lao động đang tham gia BHXH, sẽ ít khả năng gặp phản ứng.

Tuy nhiên, do vẫn áp dụng chế độ BHXH một lần với hơn 17,5 triệu người đang tham gia BHXH, nên số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều. Có thể tạo sự so sánh giữa những người tham gia BHXH trước và sau khi luật có hiệu lực về chế độ BHXH một lần.

Tác động quan trọng khi sửa quy định rút bảo hiểm xã hội một lần - Ảnh 2.

Sửa quy định về BHXH một lần có thể dẫn tới tình trạng người hưởng chế độ này để "chạy luật".

Phương án 2 có hài hoà quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài, dù số người nhận BHXH một lần không giảm, nhưng người đã tham gia BHXH sẽ cơ bản vẫn ở lại hệ thống (trừ một số trường hợp ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo). Do còn một nửa thời gian tham gia BHXH được bảo lưu, người lao động có nhiều cơ hội hơn đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp hưu trí.

Do đó, phương án 2 vừa đáp ứng nhu cầu nhận BHXH một lần của người lao động trong thời điểm hiện tại, tránh gây phản ứng xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong dài hạn.

Tuy nhiên, phương án 2 có nhược điểm là chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần, đặc biệt khi còn trẻ. Người lao động không được rút hết tiền đã đóng BHXH, nên có cảm giác giảm quyền lợi. Cũng có thể gia tăng tình trạng người lao động rút BHXH một lần trước khi luật có hiệu lực (hưởng “chạy luật”). Khi người lao động đã lựa chọn nhận BHXH một lần thì không được nhận các quyền lợi bổ sung (có lương hưu với 15 năm đóng BHXH, vay tín dụng khi nghỉ việc…).

Thêm lựa chọn lúc về già

Về tác động lên ngân sách nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá với giải pháp hạn chế nhận BHXH một lần, gia tăng người lao động có lương hưu, sẽ giúp giảm chi ngân sách cho trợ cấp hưu trí, bảo hiểm y tế. Với Quỹ BHXH, sẽ giảm được số tiền phải chi trả ban đầu khi người lao động hưởng BHXH một lần, góp phần tăng trưởng quỹ đảm bảo cân đối trong dài hạn, tăng bao phủ BHXH.

Với cả 2 giải pháp trên, người lao động vẫn ở lại hệ thống BHXH (nếu cho rút 1/2 số thời gian đóng BHXH, tham gia sau khi luật có hiệu lực), còn cơ hội để được giải quyết hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu trên số thời gian còn bảo lưu, hoặc đóng bổ sung để đủ điều kiện có lương hưu. Do còn thời gian đóng BHXH bảo lưu, người lao động nếu không đủ điều kiện nhận lương hưu, vẫn có cơ hội nhận trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn tuổi quy định trên cơ sở hơn,

Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, với phương án 2 như trên, sẽ đảm bảo dù người lao động rút BHXH một lần vẫn luôn có “thời gian đóng BHXH” được bảo lưu, làm tiền đề, cơ sở để lựa chọn giải pháp, giải quyết quyền lợi cho người lao động khi tới tuổi nghỉ hưu.

Về mặt xã hội, cơ quan soạn thảo luật nhận định, về cơ bản, người lao động đã tính hưởng BHXH một lần sẽ chỉ quan tâm đến lợi ích trong ngắn hạn, nên phương án 2 rất dễ chưa nhận được sự đồng thuận lớn, hoàn toàn từ người lao động.

Với phương án 1, có lộ trình rất dài, cho phép người lao động tham gia BHXH trước được nhận BHXH một lần trên toàn bộ quá trình đóng, chỉ người tham gia BHXH từ khi luật có hiệu lực về sau mới không còn được nhận BHXH một lần.

Dự kiến, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp khai mạc cuối tháng 10 này; Quốc hội sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp đầu năm 2024; các điều luật sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2025.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên