Tác động từ việc người dân ồ ạt rút tiền tại Ngân hàng SCB
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội nêu rõ việc rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là yếu tố làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43 /2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Áp lực mất giá của đồng Việt Nam rất lớn
Chính phủ khẳng định, việc ban hành và triển khai Nghị quyết số 43 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 .
Nghị quyết được ban hành tại kỳ họp bất thường với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo cho biết, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12% - mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; sang năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,05%, mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng là mức khá cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
Về lãi suất , Chính phủ cho rằng áp lực mất giá của đồng Việt Nam rất lớn trong năm 2022 khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất và đồng đô la tăng giá rất mạnh; vào thời điểm tháng 9 - 10/2022, đồng Việt Nam đã chịu áp lực mất giá lên đến 9-10%.
Việc rút tiền hàng loạt tại SCB là các yếu tố tổng hợp làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Trong bối cảnh đầy thách thức với sức ép lớn đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành với mức tăng 0,8-2%/năm trong tháng 9 và 10/2022 nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô , kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng .
“Việc tăng lãi suất là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước cũng như bối cảnh quốc tế khi nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế”, Chính phủ khẳng định.
Năm 2023, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo cao, từ tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm.
Về các chính sách tài khóa, đã miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, thuế suất thuế giá trị gia tăng và một số khoản thuế, phí, lệ phí khác trong phạm vi của chương trình trong năm 2022 là 61.000 tỷ đồng, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước.
Đề xuất kéo dài thời gian giải ngân vốn
Chính phủ kiến nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của chương trình. Cụ thể, trong số 272 dự án được giao kế hoạch vốn đầu tư của chương trình, hiện nay còn 107 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn được giao, trong đó có một số dự án được giao kế hoạch vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp.
Các dự án này khó có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm nay mặc dù đã được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân. Do đó, Chính phủ kiến nghị đoàn giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của chương trình đến hết năm 2025.
Số vốn đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết năm 2025 của từng dự án cụ thể sẽ được Chính phủ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 vào cuối năm nay.
Về việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, sự cần thiết, khả năng bảo đảm nguồn thu của ngân sách trung ương để tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ trong 06 tháng cuối năm để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Tiền phong