MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại cảng Piraeus lớn nhất của Hy Lạp, Trung Quốc là ông chủ

02-11-2022 - 15:13 PM | Tài chính quốc tế

Tại cảng Piraeus lớn nhất của Hy Lạp, Trung Quốc là ông chủ

Kể từ năm 2016, công ty vận tải biển Trung Quốc Cosco đã trở thành cổ đông đa số của cảng Piraeus. Điều này có nghĩa là một thế lực nước ngoài đang nắm quyền kiểm soát cảng chính của Hy Lạp.

Theo hãng tin DW, tại Đức, một cuộc tranh luận sôi nổi đã nổ ra về việc công ty vận tải biển thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc Cosco mua cổ phần thiểu số trong một bến container tại cảng Hamburg.

Tuy nhiên, tại Hy Lạp, dường như không có mối bận tâm như vậy. Từ năm 2011, dưới áp lực của cả cuộc khủng hoảng nợ và Troika (Ủy ban Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế), chính phủ Hy Lạp đã bán gần như tất cả các cảng và sân bay quan trọng của quốc gia này cho các công ty nước ngoài.

Athens đã ký một hợp đồng với Cosco vào năm 2016, cho phép công ty Trung Quốc này nắm giữ 2/3 cổ phần tại cảng Piraeus.

Đến nay, chính phủ Hy Lạp vẫn tỏ ra hài lòng với hoạt động của Cosco tại cảng chính của Hy Lạp. "Đầu tư của Trung Quốc vào Piraeus có lợi cho cả hai nước", Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết vào tháng 2/2021, tại cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Trung Quốc với 17 nước Trung và Đông Âu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả khoản đầu tư của Cosco vào cảng Piraeus là một "dự án mẫu mực". Ông Tập - người đã tự mình kiểm tra cảng vào năm 2019 - coi Piraeus là "một trung tâm quan trọng cho mối liên kết nhanh chóng trên biển của Trung Quốc với châu Âu và kết nối giữa châu Á và châu Âu" .

Tại cảng Piraeus lớn nhất của Hy Lạp, Trung Quốc là ông chủ - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm cảng Piraeus vào tháng 11/2019. Ảnh: Xinhua

Theo hãng tin DW, người Trung Quốc đã thực sự hiện đại hóa Piraeus. Hiện tại, đây là cảng lớn nhất ở phía đông Địa Trung Hải và lớn thứ bảy ở châu Âu. Việc làm được đảm bảo và điều kiện lao động không tốt hơn hay tệ hơn bất kỳ nơi nào khác ở Hy Lạp.

Cosco hoạt động trong khuôn khổ luật lao động của Hy Lạp, và ít nhất về mặt lý thuyết, phải chịu sự kiểm tra của các cơ quan có liên quan - mặc dù những điều này hiếm khi diễn ra.

Tuy vậy, các tổ chức công đoàn ở Piraeus đã nhiều lần phàn nàn về điều kiện làm việc ở đây và đang thúc đẩy các biện pháp an toàn lao động tốt hơn sau khi một công nhân qua đời trong một vụ tai nạn trên một bến tàu container vào năm ngoái. Nhưng theo nhận định của hầu hết các nhà tuyển dụng lớn ở Hy Lạp, cơ quan thanh tra dường như không gây nhiều áp lực lên Cosco.

Điểm trung chuyển hàng hóa Trung Quốc

Kể từ khi Cosco mua lại Piraeus, các tàu của công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc này đưa hàng hóa đến cảng ngày càng nhiều và hiện nó đã trở thành một trong những trung tâm trung chuyển quan trọng nhất ở Địa Trung Hải.

Đây không phải là vấn đề đối với các cảng khác của Hy Lạp, vì chúng không cạnh tranh với Piraeus. Tuy nhiên, nó đã có tác động tiêu cực đến các trung tâm trung chuyển khác ở đông nam Địa Trung Hải, vốn đã trở nên ít quan trọng hơn và bị giảm doanh thu.

Costas Chlomoudis - giáo sư nghiên cứu hàng hải tại Đại học Piraeus – cho biết, mô hình tham gia của khu vực tư nhân vào các cảng khác ở châu Âu không liên quan gì đến mô hình ở Hy Lạp. Hầu hết các nước trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ giao bến tàu cho một công ty tư nhân trong một số năm nhất định, hoặc một số công ty chia sẻ một bến container.

Piraeus không phải là Hamburg

Nhưng ở Hy Lạp, tình hình hoàn toàn khác. Tại cảng Piraeus, phần lớn cổ phần tại cảng đã được bán cho Cosco: ban đầu là 51%, sau đó tăng lên 67%. Do đó, công ty vận tải biển Trung Quốc có thể quyết định tương lai của cảng. Cosco kiểm soát tất cả các cầu tàu và nhà ga.

Ông Chlomoudis nói: “Theo cách nó được thực hiện, việc bán cảng Piraeus cho Cosco là một sai lầm. Bởi vì, không giống như Hamburg, Piraeus hiện phụ thuộc trực tiếp vào một nước thứ ba, cụ thể là Trung Quốc.”

Cảng trọng điểm Alexandroupolis ở phía bắc Hy Lạp cũng sắp được tư nhân hóa. Tại đó, Mỹ đã sẵn sàng để mua. Cảng này đã là một điểm trung chuyển chính cho các chuyến hàng vũ khí của Mỹ.

Tại cảng Piraeus lớn nhất của Hy Lạp, Trung Quốc là ông chủ - Ảnh 2.

Mỹ chuẩn bị đầu tư vào cảng Alexandroupolis ở đông bắc Hy Lạp. Ảnh: Nicolas Economou

Giáo sư Chlomoudis chỉ trích gay gắt những kế hoạch tư nhân hóa này, vì các cơ sở hạ tầng thiết yếu có tầm quan trọng về địa chiến lược đối với EU cuối cùng lại nằm trong tay các nước thứ ba.

Theo ông Chlomoudis, cần có những quy tắc rõ ràng. Các điều kiện nhất định phải được đề cập trong các hợp đồng chuyển nhượng để đảm bảo an ninh quốc gia cũng như EU. Các hướng dẫn về cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng về địa chiến lược phải giống nhau ở khắp EU, phải được áp dụng cho các cảng Rotterdam, Hamburg và Piraeus.

Tư nhân hóa như một phương thuốc

Theo hãng tin DW, vào đầu thế kỷ này, châu Âu có một phương thuốc kỳ diệu để giải quyết các vấn đề kinh tế: tư nhân hóa cơ sở hạ tầng. Mọi thứ đều được rao bán: cảng, sân bay, nguồn cung cấp nước và năng lượng.

Điều này cũng đúng ở Hy Lạp, vốn “rất khát” đầu tư.

Người Trung Quốc là những người đầu tiên tỏ ra quan tâm đến các cảng Piraeus và Thessaloniki, nhưng vấp phải sự phản đối kịch liệt trong nội bộ Hy Lạp.

Mãi đến năm 2009, chính phủ bảo thủ của cựu Thủ tướng Kostas Karamanlis mới có thể cho Cosco thuê một phần bến container ở cảng Piraeus.

Sau đó, vào năm 2010, Athens rơi vào tình cảnh vỡ nợ. Một trong những điều kiện để giải cứu nền kinh tế Hy Lạp, được đưa ra bởi Troika, là việc bán tài sản công. Đây là cách Cosco giành được phần lớn cổ phần trong cảng Piraeus vì người Trung Quốc là những người duy nhất sẵn sàng đầu tư vào thời điểm đó.

Áp lực tư nhân hóa mọi thứ cũng dẫn đến việc công ty vận tải Fraport của Đức tiếp quản 14 sân bay của Hy Lạp, bao gồm cả Thessaloniki. Fraport hiện có thể quyết định sân bay nào nên được đầu tư và sân bay nào không nên, mà Nhà nước Hy Lạp không còn bất kỳ tiếng nói nào.

Theo Hữu Hiển

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên