MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cấu trúc doanh nghiệp và những ví dụ điển hình trên sàn chứng khoán

04-07-2017 - 07:27 AM | Doanh nghiệp

Một số doanh nghiệp đã và đang thực hiện tái cấu trúc được giới đầu tư dành nhiều sự quan tâm có thể kể tới như Hoàng anh Gia lai (HAG), Tập đoàn PAN (PAN), CTCP Đầu tư và Sản xuất Thông nhất (GTN)…

Tái cấu trúc doanh nghiệp là cụm từ phổ biến mà chúng ta thường nghe trong những năm gần đây. Vậy tái cấu trúc là gì và tại sao lại phải tái cấu trúc doanh nghiệp thiết nghĩ là một khái niệm hết sức quan trọng mà đại đa số nhà đầu tư muốn hiểu rõ. Trong bài này, người viết sẽ cố gắng làm rõ nội hàm của khái niệm tái cấu trúc cũng như đưa ra những dẫn chứng để bạn đọc có thể dễ dàng hiểu, nắm bắt một cách chính xác nhất.

Tái cơ cấu (tái cấu trúc) hiểu theo nghĩa chung nhất là việc xem xét và cấu trúc lại một phần, một số phần hay toàn bộ một tổ chức, đơn vị nào đó. Ở nghĩa lớn hơn có thể là tái cấu trúc nền kinh tế, hẹp hơn và là phạm vi chúng ta quan tâm: Tái cấu trúc doanh nghiệp.

Tái cấu trúc doanh nghiệp là gì?

Vậy tái cấu trúc doanh nghiệp là gì? Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản: Tái cấu trúc là quá trình làm mới doanh nghiệp một cách toàn diện, từ thay đổi chiến lược kinh doanh, tổ chức lại bộ máy đến văn hóa doanh nghiệp nhằm mục đích nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng tính cạnh tranh nhằm phát triển hơn nữa.

Tái cấu trúc là một công việc khó do tâm lý tự nhiên là luôn chống lại sự thay đổi từ lãnh đạo cho tới các thành viên khác trong tổ chức. Vì vậy, tái cấu trúc thường chỉ được thực hiện khi đà phát triển của doanh nghiệp bị chặn lại hoặc ở trường hợp xấu hơn là bắt buộc phải làm để tồn tại tránh bị phá sản. Có nhiều trường hợp tái cấu trúc trong hoàn cảnh bắt buộc như vậy đã giúp doanh nghiệp chuyển mình nhưng đa phần các doanh nghiệp gặp phải rất nhiều khó khăn thậm chí rơi vào thất bại.

Để tái cấu trúc thành công, doanh nghiệp phải chủ động thực hiện từ sớm, khi đó doanh nghiệp có thể đề ra kế hoạch và lộ trình rõ ràng, chính xác, không bị áp lực trong tình huống nguy khốn khiến việc triển khai bị chệch hướng, mất kiểm soát.

Những trường hợp tái cấu trúc điển hình trên sàn chứng khoán

Có thể lấy ví dụ về quá trình tái cấu trúc của một số doanh nghiệp đã và đang thực hiện trong lĩnh vực đang được tập trung chú ý hiện nay là nông nghiệp như Hoàng anh Gia lai (HAG), Tập đoàn PAN (PAN) và CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống nhất (GTN).

Ở trường hợp đầu tiên là ví dụ điển hình của tái cấu trúc bắt buộc. HAG sau thời gian đầu tư dàn trải nhiều sản phẩm như ngô, mía đường, dầu cọ, cao su với quy mô lớn nhưng giá sản phẩm biến động tiêu cực không như kế hoạch khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính.

Áp lực trả nợ đến hạn lớn khiến doanh nghiệp đã có lúc rơi vào tình trạng nguy hiểm. HAG bắt buộc phải tiến hành tái cơ cấu để tồn tại. Mảng mía đường bị bán trong khi ngô, dầu cọ bị thu hẹp do không đem lại hiệu quả. Để cân đối tài chính, HAG đã phải liên tục xoay tua các sản phẩm có thể đem lại dòng tiền ngắn hạn như mía đường năm 2013-2014, bò thịt năm 2015-2016 và hiện nay các loại hoa quả ngắn ngày như chanh leo, chuối, thanh long… đang được kỳ vọng đem lại doanh thu chính của tập đoàn. Dù việc tái cấu trúc đang có những kết quả bước đầu nhưng HAG luôn trong tình trạng căng thẳng và chặng đường tiếp theo vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Tập đoàn PAN (PAN) có những bước đi thuận lợi hơn do có sự chủ động từ khâu hoạch định chiến lược. Trước đây, PAN là một công ty chuyên thực hiện kinh doanh ngành nghề vệ sinh công nghiệp. Với tham vọng tăng trưởng cao và mở rộng quy mô hoạt động, PAN đã thay đổi hướng đi, tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm đóng gói có thương hiệu.

Thông qua việc đầu tư, mua lại các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, PAN đã hoàn thiện chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, củng cố vị thế trong ngành đem lại tăng trưởng lợi nhuận đều đặn hàng năm.

Một doanh nghiệp khác cũng có sự thành công sau khi chủ động tái cơ cấu là CTCP Đầu tư và Sản xuất Thông nhất (GTN). Ngay từ định hướng, GTN đã xác định sẽ tao ra một chuỗi kinh doanh nhóm hàng thực phẩm, đồ uống bắt đầu từ sản xuất cho tới phân phối tới người tiêu dùng nên các bước đi của doanh nghiệp luôn theo đúng lộ trình kế hoạch.

Trước tiên, GTN thoái vốn khỏi các công ty không liên quan đến chiến lược mới dù các công ty vẫn có lợi nhuận như công ty gạch, khoáng sản. Đồng thời, công ty tiến hành thâu tóm các công ty trong ngành nông nghiệp là Tổng công ty Chè việt Nam (Vinatea, sở hữu 95%), Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, sở hữu 65%), CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (sở hữu 51% thông qua Vilico), Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods, sở hữu 35%).

Bản thân Vinatea và Vilico đều đang sở hữu những đối tác và mạng lưới phân phối rộng nhưng chưa khai thác hết tiềm năng nên sau khi thay đổi cùng GTN đã có những chuyển biến tích cực. Công ty mẹ chủ động trong quá trình thực hiện chiến lược mua lại cổ phần chi phối tại các Công ty mục tiêu cũng như khả năng hỗ trợ về tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên trong toàn nhóm công ty.

Tái cấu trúc là hoạt động mà doanh nghiệp nào cũng sẽ phải đối mặt nhưng nếu có sự chủ động chuẩn bị thì lộ trình thực hiện sẽ có được sự thuận lợi, đi theo đúng kế hoạch, nâng cáo giá trị doanh nghiệp. Ngược lại, trong tình thế phải xoay sở do áp lực cũng như không có sự chuẩn bị đầy đủ, công việc sẽ rất nặng nề và chưa chắc đi theo hướng mong muốn của doanh nghiệp.

Thanh Kong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên