MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 năm xét xử, 3/12 cán bộ Agribank Bà Rịa-Vũng Tàu được miễn truy cứu trách nhiệm

20-09-2015 - 07:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Vụ án kéo dài 4 năm gây nhiều ảnh hưởng và thiệt hại cho gia đình đã có phán quyết sau 4 ngày xét xử liên tục. Theo đó, 3/12 bị cáo - bị truy tố về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản - đã được HĐXX tuyên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lập khống 110 giấy xác nhận huy động vốn

Ngày 15.9, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiến hành tuyên án sơ thẩm 12 cán bộ Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị VKSND Tối cao truy tố các tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, tháng 8.2011, Nguyễn Ngọc Khải (nguyên quyền giám đốc chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã ký, ban hành các thông báo, công văn có nội dung chi hoa hồng mua giới, chi phí dịch vụ, mức chi phí chênh lệch tối thiểu giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động sai so với quy định.

Từ việc việc làm sai trái này, 11 nhân viên cấp dưới của ông Khải đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn, thực hiện các hành vi sử dụng họ tên, địa chỉ và giấy chứng minh nhân dân của người thân trong gia đình hoặc địa chỉ, chứng minh nhân dân của khách hàng từng có giao dịch tại Ngân hàng Agribank tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để lập khống 110 giấy xác nhận huy động vốn chứng từ mua giới chiếm đoạt số tiền hơn 3,4 tỉ đồng của ngân hàng.

Vì hành vi nêu trên, ông Khải bị truy tố về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Còn 11 nhân viên cấp dưới bao gồm một số trưởng phó phòng và nhân viên của ngân hàng bị truy tố về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Tháng 6.2015, tòa đã mở phiên xử nhưng lại tạm hoãn để giám định lại phía ngân hàng có hay không có thiệt hại. Tháng 7.2015, VKSND tối cao có văn bản trả lời việc giám định là không có cơ sở nên Viện giữ nguyên quan điểm như cáo trạng đã truy tố.

Vụ án không có thiệt hại

Trong quá trình xét xử, bản thân các bị cáo cho rằng họ không lạm dụng chức vụ quyền hạn, không gây thiệt hại cho ngân hàng nên việc VKSND Tối cao truy tố các bị cáo tội danh như trên là không đúng, các bị cáo không có tội. Các bị cáo chỉ thừa nhận hành vi sai trái khi đã ký thay người thân các giấy xác nhận, hợp đồng mua nhà cửa… để nhằm mục đích hưởng chênh lệch lãi suất theo sản phẩm mới của ngân hàng.

Tại phiên tòa, đại diện ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Agribank tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định không bị thiệt hại gì trong vụ án này.

Xem xét các tình tiết, chứng cớ có trong hồ sơ vụ án và thông qua phần tranh luận, HĐXX xét thấy việc ông Khải ký, ban hành các quyết định để dẫn tới sai phạm của cấp dưới là theo nghị quyết của tập thể chứ không phải cá nhân tự ý thực hiện. Sau khi phát hiện ra việc làm theo nghị quyết của tập thể là chưa đúng, ông Khải đã báo cáo vụ việc lên cấp trên để chấm dứt, đồng thời yêu cầu các nhân viên thu hồi lại các hợp đồng đã ban hành. Bản thân ông Khải cũng có nhiều đóng góp to lớn cho ngân hàng Agribank Bà Rịa-Vũng Tàu, gia đình có công với cách mạng. Vì vậy, việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho ông Khải là có cơ sở.

Cáo trạng truy tố các bị cáo khác về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản còn nêu chung chung, chưa cụ thể, chưa chứng minh được vượt quyền hay lạm quyền như thế nào. Các bị cáo thực hiện hành vi lập khống các giấy xác nhận huy động vốn chứng từ mua giới với mục đích hưởng chênh lệch lãi suất gửi vay chứ không phải chiếm đoạt tài sản như cáo trạng truy tố. Số tiền này các bị cáo vận động người thân giao nộp lại cho ngân hàng. Tuy nhiên hành vi lập khống các giấy tờ để hưởng chênh lệch lãi suất là có thật và đã xảy ra, vì vậy các bị cáo vẫn phải chịu một mức hình phạt nhất định.

Từ các tình tiết nêu trên, HĐXX quyết định tha miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo Nguyễn Ngọc Khải - nguyên quyền Giám đốc Agribank tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Hồ Văn Hoàng - Giám đốc Phòng giao dịch Long Sơn; Lê Hồng Nhung - Trưởng Phòng ngân quỹ Hội sở.

Còn lại các bị cáo gồm: Trần Thị Hoa - cán bộ Phòng tín dụng Hội Sở; Nguyễn Tâm Hồng Ánh - cán bộ tín dụng Hội sở; Nguyễn Thị Cẩm - Giám đốc Phòng giao dịch số 2, Tòng Ngọc Kim mỗi bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cũng với tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuân - Trưởng Phòng tín dụng; Phạm Thị Thanh Xuân - Phó Phòng kế toán ngân quỹ Hội sở Phạm Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Tường An - kế toán viên Hội sở; Ngô Thị Cẩm Tú - cán bộ Phòng giao dịch Hoà Long - Long Phước mỗi bị cáo 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Ngoài ra, HĐXX còn kiến nghị, trong trường hợp đại diện VKSND Tối cao hoặc các bị các kháng cáo xin tòa cấp cao tại TPHCM xét xử lại thì HĐXX kiến nghị tòa cấp cao nên xét xử theo hướng hủy án sơ thẩm, đình chỉ vụ án.

Theo LÊ NGÂN - MINH CHÂU

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên