MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 tháng: Tạm thời cân đối nợ xấu

20-07-2015 - 14:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Tín dụng cải thiện tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của ngân hàng (NH). Nhưng nợ xấu chưa giảm khiến các khoản dự phòng rủi ro gia tăng, đã ăn mòn vào lợi nhuận NH. Vì thế, dù 6 tháng đầu năm nhiều NH đã hoàn thành hơn 50% chỉ tiêu cả năm, song các nhà băng cho biết vẫn rất khó khăn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Lợi nhuận bù trích dự phòng

Theo Vietcombank, nợ xấu của NH tính đến 30-6 chiếm 2,43%. Năm 2015, NH đặt mục tiêu khống chế tỷ lệ nợ xấu ở 2,3%. Tuy nhiên, do tổng dư nợ của Vietcombank lớn nên dù tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%, nhưng đòi hỏi dự phòng rủi ro không nhỏ. Theo đó, 6 tháng đầu năm nay NH dành một nửa lợi nhuận để trích lập dự phòng. Sau trích lập, Vietcombank còn lãi trước thuế 3.040 tỷ đồng; ROA và ROE lần lượt đạt 0,82% và 10,77%; tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt 11,18%.

Với việc đẩy mạnh xử lý nợ và bán nợ xấu cho VAMC, mục tiêu đưa nợ xấu về 3% cuối năm là có cơ sở.

Tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 9,1% là một trong những nguyên nhân giúp BIDV đạt hơn 3.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25% so với cùng kỳ. Tổng tài sản của NH tăng 14% so với đầu năm, đạt 730.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng 11,2%; nợ xấu chiếm tỷ lệ xấp xỉ 2%; đạt 3.016 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng, cho hay 6 tháng đầu năm NH đã trích dự phòng rủi ro lên đến 300 tỷ đồng cho những khoản nợ cũ và nợ xấu đã bán cho VAMC. Tỷ lệ nợ xấu OCB đến cuối tháng 6 được kiểm soát ở mức 2,7%. Trong 2 quý đầu năm, OCB bán 74 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Do phải trích dự phòng cao nên kết quả kinh doanh của OCB 6 tháng đầu năm chỉ đạt 70-80% chỉ tiêu.

Theo lãnh đạo các nhà băng, điều quan trọng trong tăng trưởng tín dụng hiện nay là phải kiểm soát được chất lượng khoản vay để giảm dự phòng mới kỳ vọng được lợi nhuận. Lãnh đạo SCB cho biết 6 tháng đầu năm nay hoàn thành 50% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra. Tính đến nay, tổng nợ xấu SCB đã bán cho VAMC lên đến 13.000 tỷ đồng nên đòi hỏi khoản trích dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu đặc biệt là con số không hề nhỏ.

Còn Phó Tổng giám đốc ABBank, ông Bùi Trung Kiên, cũng cho biết ABBank đạt 122,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 5 tháng đầu năm. Cụ thể, tổng tài sản ABBank đạt 63.344 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2014; dư nợ đạt 24.260 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2014; huy động 40.949 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Với kết quả kinh doanh đó, theo ông Kiên, hoạt động của ABBank đảm bảo an toàn và ổn định. Các tỷ lệ về an toàn, thanh khoản đều đảm bảo tốt, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 16,4% cao hơn nhiều so với mức an toàn tối thiểu 9% theo quy định. ABBank chú trọng đến công tác xử lý nợ. Theo đó, đến hết tháng 5 tỷ lệ nợ xấu của ABBank tiếp tục được kiểm soát tốt ở mức 3% xét trên tổng dư nợ; đồng thời, từ đầu năm tới nay, ABBank đã thu hồi được 258 tỷ đồng nợ xấu.

Kỳ vọng 6 tháng cuối năm

6 tháng đầu năm, NamABank báo lãi 188 tỷ đồng trước thuế, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước. Đến 30-6, tổng tài sản đạt hơn 33.473 tỷ đồng, dư nợ cho vay thị trường 1 đạt gần 19.200 tỷ đồng (tăng trưởng tỷ lệ tương đương 36%). Nợ xấu được kiểm soát tốt với nợ nhóm 2 chỉ chiếm 1,96% trên tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,31%.

Theo kế hoạch, 6 tháng cuối năm Nam ABank sẽ nâng tổng tài sản lên 40.000 tỷ đồng; huy động thị trường 1 trên 23.500 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt hơn 21.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế cả năm 360 tỷ đồng; duy trì nợ xấu dưới 3% theo yêu cầu của NHNN. Theo đại diện NamABank, khả năng tín dụng sẽ được cải thiện dần những tháng cuối năm là cơ hội để NH hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận.

Thực tế cho thấy, kết thúc 2 quý đầu năm 2015, với sự cải thiện của dư nợ tín dụng là điểm sáng tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các nhà băng. Vì thế, lãnh đạo nhiều NH cho biết lợi nhuận đạt được trong 2 quý đầu năm đúng với tiến độ, kế hoạch đưa ra và khả năng sẽ vượt chỉ tiêu của năm 2015. Theo đó, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt trên 6% so với cuối năm trước.

Dự kiến đến cuối năm 2015 tăng trưởng tín dụng sẽ hoàn thành chỉ tiêu tăng 13-15%. Tuy nhiên, đi kèm với tăng trưởng tín dụng là nợ xấu cũng tăng lên, đòi hỏi các NH phải trích dự phòng lớn, kể cả với những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC cũng phải trích 20%. Hiện nay, các NH đang tăng cường bán nợ xấu cho VAMC, đẩy mạnh xử lý nợ để khơi thông dòng chảy tín dụng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết tính đến cuối tháng 5-2015, các NH trên địa bàn đã bán thêm cho VAMC hơn 3.000 tỷ nợ xấu, giảm tổng số nợ xấu trên còn khoảng 52.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn còn ở mức cao, chiếm tới hơn 5% trong tổng mức dư nợ tín dụng. Theo kế hoạch của NHNN chi nhánh TPHCM, đến cuối tháng 9-2015 các NH phải xử lý được thêm 25.000 tỷ nợ xấu, trong đó tự xử lý hơn 3.000 tỷ đồng, bán nợ cho VAMC hơn 22.000 tỷ đồng.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, tính lũy kế từ khi thành lập và hoạt động đến nay VAMC đã mua được 147.263 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ 122.060 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2015, đến 30-6 phải xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu, trong đó chỉ tiêu các NH phải bán nợ xấu cho VAMC đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015.

Thống đốc Bình cho biết sau 3 năm (2012-2014) thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311.100 tỷ đồng, tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9-2012 NHNN báo cáo với Bộ Chính trị và Chính phủ khi xây dựng Đề án xử lý nợ xấu. Trong 2 tháng đầu năm 2015, số nợ xấu được xử lý 7.900 tỷ đồng.

 

Theo Bảo Lâm

Sài Gòn Đầu Tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên