MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt và Chỉ thị đưa nợ xấu dưới 3%: Nên mừng hay lo?

13-03-2015 - 10:12 AM | Tài chính - ngân hàng

Nợ xấu đã được chuyển khá lớn về VAMC nhưng tiến độ xử lý còn khá khiêm tốn so với tổng giá trị phát hành của trái phiếu đặc biệt. Với tốc độ và khả năng xử lý nợ xấu của VAMC theo bối cảnh hiện nay, nếu không cải thiện thì hệ thống ngân hàng đang đẩy khủng hoảng vào tương lai.

TS. Châu Đình Linh
TS. Châu Đình Linh
Giảng viên trường Đại học Ngân hàng TPHCM
52 bài viết
  • Đối với đầu tư chứng khoán nói chung và để có hiệu quả, các nhà đầu tư phải phân tích rất khoa học về môi trường đầu tư, rủi ro có thể xảy ra trong thời gian đầu tư. Tóm lại, đầu tư chứng khoán là hành vi có cân nhắc cao và sự am hiểu.
  • Hiện đang có những điểm sáng có thể giúp tăng trưởng tín dụng, khi khả năng hấp thụ vốn sẽ dần tốt hơn từ nay tới cuối năm

Nội dung nổi bật

- Theo quyết định của NHNN, VAMC sẽ phát hành 80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt trong năm 2015 - một trong những động thái hướng tới mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3%

- 80.000 tỷ đồng này sẽ thể hiện chính sách mở rộng tiền tệ một cách gián tiếp thông qua hoạt động tái cấp vốn

- Mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% là tốt. Nhưng với tốc độ và khả năng xử lý nợ xấu của VAMC theo bối cảnh hiện nay, nếu không cải thiện thì hệ thống ngân hàng đang đẩy khủng hoảng vào tương lai.

- Nợ xấu phải được giải quyết triệt để từ gốc, đòi hỏi sự nỗ lực từ NHNN, VAMC và quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng...


80.000 tỷ đồng sẽ là mệnh giá của các đợt phát hành trái phiếu đặc biệt do VAMC trong năm 2015 để xử lý nợ xấu ngành ngân hàng. Quyết định này từ NHNN được cho là đáp ứng tốt 3 mục tiêu: (i) góp phần đưa nợ xấu trên bảng cân đối kế toán ngân hàng về dưới 3%; (ii) đáp ứng thanh khoản cho các ngân hàng bán nợ xấu từ hoạt động tái cấp vốn từ NHNN; (iii) chủ động trong chính sách tiền tệ, cụ thể là gián tiếp bơm tiền ra ngoài lưu thông với mục tiêu giảm thêm lãi suất trên thị trường.

Và hơn hết, quyết định trên nhằm thực thi chỉ thị 02/CT – NHNN yêu cầu các ngân hàng phải đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, đảm bảo đến ngày 30/6/2015 xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015; nợ xấu bán cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015, nhằm mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra, 80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt và quyết tâm đưa nợ xấu dưới 3%, là tín hiệu đáng mừng cho sự ổn định hệ thống tài chính Việt Nam, hay xen kẽ đó có điều gì cần phải lo lắng?

Những tín hiệu đáng mừng

Thứ nhất, chính sách tiền tệ của NHNN mấy năm gần đây luôn chủ động trước những biến động có thể xảy ra sắp tới. Chính sách tiền tệ được thực thi nhất quán và chủ động. Cụ thể, đối với tiến trình xử lý nợ xấu, đến tháng 4 thì thông tư 02 và thông tư 09 sẽ có hiệu lực. Hiệu lực của thông tư cũng có nghĩa tỷ lệ nợ xấu sau khi phân loại lại sẽ tiếp tục gia tăng nhanh. Vì vậy, con số 80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt là quyết sách nhằm trấn an rằng: “chẳng đáng lo ngại đâu nhé!”.

Thứ hai, nợ xấu là vấn đề ảnh hưởng lớn đến ổn định tài chính Việt Nam. Và nhận thức này đã được quán triệt mạnh mẽ từ cơ quan hoạch định chính sách đến các chủ thể hoạt động kinh doanh. Sự thành lập của VAMC và các quyết sách liên quan đến nợ xấu, trong đó Chị thị 02/CT – NHNN yêu cầu đưa nợ xấu toàn ngành ngân hàng xuống dưới 3% là những minh chứng hùng hồn nhất.

Thứ ba, 80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt sẽ là con số lớn thể hiện chính sách mở rộng tiền tệ một cách gián tiếp thông qua hoạt động tái cấp vốn. Điều này cũng có ý nghĩa: (i) cung tiền được mở rộng thông qua hoạt động tái cấp vốn từ trái phiếu đặc biệt để và điều này góp phần làm giảm thêm lãi suất thị trường, hỗ trợ hoạt động tín dụng cho các chủ thể kinh tế; (ii) giúp cải thiện thanh khoản hệ thống ngân hàng vì khơi thông nguồn vốn bị “kẹt” ở nợ xấu.

Thứ tư, nợ xấu và hậu quả của nó đã thành một bài học kinh điển cho hệ thống tài chính Việt Nam. Rõ ràng, các ngân hàng không thể không nhận thức được cái giá phải trả cho hoạt động tín dụng “dễ dãi”. Và từ đó, ý thức nâng cao năng lực quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ; phát triển hệ thống quản trị rủi ro, các chiến lược kinh doanh, chính sách, quy trình, thủ tục cấp tín dụng theo hướng lành mạnh, thận trọng… được đưa lên trong danh mục ưu tiên của hoạt động tái cơ cấu.

Những điều cần phải lo

Nếu tán dương một chính sách nào đó thì mặt khuyết điểm luôn là góc nhìn quan trọng hơn những ưu điểm của nó. Do đó, quyết định lần này, cũng như các chính sách khác liên quan đến nợ xấu có những điều cần phải lo như sau:

Thứ nhất, nợ xấu toàn ngành phải dưới 3% trong năm nay chỉ mới là hoạt động “làm đẹp” bảng cân đối kế toán. Về thực chất, nợ xấu chỉ được tạm thời chuyển sang cho VAMC và đổi lại một tài sản có tính thanh khoản (chỉ được NHNN công nhận) là trái phiếu đặc biệt. Vì vậy, nợ xấu vẫn chưa thể giải quyết nhiều trong năm 2015 và phụ thuộc vào tiến độ xử lý nợ xấu của VAMC.

Thứ hai, nợ xấu đã được chuyển khá lớn về VAMC, nhưng tiến độ xử lý còn khá khiêm tốn so với tổng giá trị phát hành của trái phiếu đặc biệt. Theo thông tin chính thức từ VAMC, thông tin về mua, bán nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm như sau:

 

Như vậy, một câu hỏi được đặt ra : “bao lâu nữa VAMC sẽ xử lý xong nợ xấu?”, nếu không nói tốc độ xử lý nợ xấu của VAMC vẫn còn đang rất loay hoay. Bởi đến cuối năm 2014, VAMC chỉ mới giải quyết được 4,97% nợ xấu. Và năm 2015, một năm bận rộn với nhiều công việc mới trong khi việc cũ giải quyết chưa xong.

Thứ ba, với tốc độ và khả năng xử lý nợ xấu của VAMC theo bối cảnh hiện nay, nếu không cải thiện thì hệ thống ngân hàng đang đẩy khủng hoảng vào tương lai. Bởi nợ xấu vẫn còn đó, dư nợ từ trái phiếu đặc biệt khi vay tại NHNN vẫn phải trả (gia tăng chi phí tài chính) và rốt cuộc ngân hàng phải dùng trích lập dự phòng của chính mình. Tuy nhiên, ngân hàng có tạo ra lợi nhuận và huy động từ phần vón góp cổ đông để bù vào con số trích lập dự phòng khổng lồ thời gian tới?

Nợ xấu phải được giải quyết triệt để từ gốc. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực từ NHNN, VAMC và quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Và gánh nặng có vẻ lớn hơn đối với VAMC trong quá trình giải quyết hoàn toàn nợ xấu. Do đó, các chính sách sắp tới cần phải lưu ý những vấn đề sau:

(i) Quan tâm hơn hoạt động xử lý nợ xấu VAMC thông qua hoàn thiện chức năng của VAMC; (ii) thúc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Theo thống kê của VAMC, hoạt động xử lý tài sản đảm bảo có giá trị thấp nhất trong 3 chỉ tiêu (gồm bán nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo và các hình thức xử lý tài sản bảo đảm khác). Nên cần có các quyết sách để gỡ vướng và thúc đẩy hoạt động này. Ngoài ra, mở rộng pháp lý để gia tăng hoạt động xử lý thông qua hình thức “xử lý tài sản bảo đảm khác” (có giá trị xử lý lớn nhất);

(iii) Nâng cao vai trò của hoạt động mua nợ theo giá thị trường và giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động mua nợ bằng phát hành trái phiếu đặc biệt; (iv) đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và sự hoàn thiện trong các quy trình quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, năng lực quản trị, điều hành (v) tiến đến hình thành thị trường mua bán nợ Việt Nam…

NCS. Châu Đình Linh

CTV Hàng hóa

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên