MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ADB: Nguồn vốn gián tiếp bỏ qua Việt Nam vì TTCK chưa đủ sức hấp dẫn

24-03-2015 - 11:54 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo ADB, NHNN sẽ không nới lỏng quá mạnh chính sách trong thời gian tới vì lãi suất đang đủ sức hút đối với các nhà đầu tư đồng thời NHNN cũng không còn quá nhiều dư địa để nới lỏng thêm nữa.

Tóm tắt:

- Việt Nam đang cạnh tranh với các quốc gia khác để thu hút đầu tư và tỷ giá là một trong những yếu tố tuy nhiên đây không phải là yếu tố quyết định

- NHNN sẽ không nới lỏng quá mạnh chính sách trong thời gian tới vì lãi suất đang đủ sức hút đối với các nhà đầu tư đồng thời NHNN cũng không còn quá nhiều dư địa để nới lỏng thêm nữa

- Các nguồn vốn đổ vào Việt Nam hiện nay chủ yếu là nguồn vốn trực tiếp do đây là những nguồn vốn dài hạn nên tác động sẽ ít hơn

- ADB lưu ý hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Các ngân hàng thiếu vốn, thiếu minh bạch tài chính sẽ vẫn rủi ro cao trước các cú sốc.


Sáng nay (ngày 24/3), Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB đã tổ chức họp báo ra mắt Báo cáo triển vọng châu Á 2015.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trong bối cảnh đồng đô la Mỹ đang có xu hướng mạnh lên, ADB đánh giá như thế nào về khả năng nới lỏng tỷ giá của NHNN trong thời gian tới, Ông  Dominic Mellor – Chuyên gia kinh tế quốc gia ngân hàng ADB cơ quan thường trú tại Việt Nam cho biết: Trước việc đồng đô la Mỹ tăng giá như hiện nay, Việt Nam phải cân nhắc tính cạnh tranh của mình. Bởi lẽ, hiện nay Việt Nam đang cạnh tranh với các quốc gia khác để thu hút đầu tư và tỷ giá là một trong những yếu tố tuy nhiên đây không phải là yếu tố quyết định.

“Việt Nam được các nhà đầu tư lựa chọn vì nguồn nhân lực và môi trường chính trị ổn định” – Ông  Dominic Mellor nói.

Cũng theo ông Dominic Mellor, NHNN khẳng định trong năm nay sẽ điều chỉnh tỷ giá tối đa là 2% và vào hồi tháng 1/2015 đã điều chỉnh 1%. Hiện lãi suất của Việt Nam đang được đánh giá là thực dương, nếu cuối năm lạm phát như dự báo là 2,5% thì lãi suất vẫn được coi là thực dương chính điều đó đã tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Không trả lời thẳng câu hỏi về khả năng tiếp tục phá giá tiền đồng thêm 1% của NHNN trong thời gian tới mà đại diện ADB đã nói rằng: NHNN sẽ không nới lỏng quá mạnh chính sách trong thời gian tới vì lãi suất đang đủ sức hút đối với các nhà đầu tư đồng thời NHNN cũng không còn quá nhiều dư địa để nới lỏng thêm nữa.

(Xem thêm: Đồng USD có thực sự mạnh?)

Bên cạnh đó, khi đánh giá về tác động của đồng đô la Mỹ tăng giá đến kinh tế Việt Nam, Chuyên gia kinh tế quốc gia ngân hàng ADB cơ quan thường trú tại Việt Nam khẳng định: “Không nghi ngờ gì nữa, nhất là những khoản đầu tư ngắn hạn đã đổ mạnh vào Châu Á. Tuy nhiên, những nguồn vốn gián tiếp này đã bỏ qua Việt Nam vì trên thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì thế họ đã chọn các nước khác. Song các nguồn vốn đổ vào Việt Nam hiện nay chủ yếu là nguồn vốn trực tiếp do đây là những nguồn vốn dài hạn nên tác động sẽ ít hơn”.

Báo cáo triển vọng châu Á 2015 phần đánh giá về tình hình kinh tế của Việt Nam, ADB dự báo rằng, năm 2015 Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong bối cảnh lạm phát thấp.

“Tiến trình lành mạnh hóa khu vực ngân hàng đang từng bước đạt được những tiến bộ thông qua việc khuyến khích sáp nhập và nhà nước mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Và nhiều doanh nghiệp nhà nước sẽ được cổ phần hóa” – Báo cáo nêu.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng lưu ý rằng: Hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Các ngân hàng thiếu vốn, thiếu minh bạch tài chính sẽ vẫn rủi ro cao trước các cú sốc. Việc tìm kiếm đủ nhà đầu tư tham gia vào các đợt bán cổ phần của doanh nghiệp nhà nước bị cản trở bởi cấu trúc sở hữu phức tạp và thông tin tài chính không rõ ràng.

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên