ADB: Phải đánh giá lại những thông tin mà các NHTM báo cáo với NHNN
Các Ngân hàng thương mại bao giờ cũng có những động cơ là “thử xem” có thể đi bao xa trong khuôn khổ pháp lý tại nước mình.
Trong báo cáo của ADB, tổ chức này có đưa ra nhận định “cần phải đánh giá lại những thông tin mà các NHTM báo cáo với NHNN”. Ông Tomoyuki Kimura – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nói, việc quản lý tập trung với đầu mối là Ngân hàng trung ương là một quy trình bình thường, tất cả các nước trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam quản lý hệ thống ngân hàng theo mô hình này.
Về phía các Ngân hàng thương mại, bao giờ họ cũng có những động cơ là “thử xem” có thể đi bao xa trong khuôn khổ pháp lý tại nước mình và do động cơ của NHTM là tạo lợi nhuận nên có lúc họ đã đẩy giới hạn này đi quá xa. Với vai trò là người quản lý, Ngân hàng Trung ương không thể giả định rằng các NHTM luôn hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, nên phải luôn sử dụng các biện pháp kiểm tra, thanh tra các thông tin mà NHTM báo cáo lại để đảm bảo quy định của mình được thực hiện hiệu quả.
Năm ngoái, Thông tư 02 được xây dựng và ban hành bắt buộc các NHTM phải cung cấp và báo cáo thông tin nợ xấu lên Trung tâm thông tin dụng CIC đồng thời quy định lại các tiêu chuẩn phân loại nợ xấu. Ông Kimura cho biết trên thế giới, khi pháp luật cho phép tái cấu trúc khoản vay, thì đương nhiên các ngân hàng được tái cơ cấu lại các khoản nợ, thậm chí xếp một khoản nợ quá hạn vào nhóm nợ tốt nếu họ đánh giá người vay có đủ điều kiện trả nợ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các Ngân hàng thường lợi dụng điều này để tiến hành chuyển nhóm các khoản nợ mặc dù khoản nợ đó không có khả năng thu hồi. Vì vậy, NHTW phải kiểm tra được sổ sách của NHTM để đảm bảo họ làm theo quy định.
Trả lời câu hỏi về việc Thông tư 09 dời thời hạn thực hiện Thông tu 02 với độ trễ 6 tháng liệu có làm chậm lại quá trình xử lý nợ xấu, ông Dominic P.Mellor – chuyên gia kinh tế quốc gia, Cơ quan đại diện thường trú ADB tại Việt Nam cho rằng về mặt lý thuyết, càng trì hoãn thì rủi ro sẽ càng cao hơn nhưng thực tế thì không thể thay đổi mọi quy định tại Việt Nam trong 1 đêm. Việc thực hiện Thông tư 02 sẽ làm thay đổi cả hệ thống kế toán tài chính, quản lý rủi ro,... Mặc dù cần thiết nhưng để các chuẩn mực kế toán của Việt Nam tiệm cận tới chuẩn mực quốc tế thì phải có thời gian.
Ông Dominic cũng đánh giá rằng về mặt lý thuyết, các NHTM sẽ sử dụng dư địa còn lại của TT02 để lợi dụng giấu đi phần tín dụng rủi ro và nợ xấu. Nhưng thực tế hiện nay các NHTM cũng rất sợ nợ xấu, họ đang phải chịu áp lực nặng nề trong việc tăng trích lập dự phòng. Tình hình rất khác so với 3 năm trước đây.
“Tôi cho rằng trì hoãn TT02 sẽ chưa khiến cho mọi việc trở nên tiêu cực trong thời gian tới” – nhận định của ông Dominic.
Đánh giá về khả năng xử lý nợ xấu của VAMC, ông Kimura nhận định với số vốn nhỏ bé nhưng VAMC cũng đã mua được lượng nợ xấu lớn bởi vì cách thức mua nợ xấu của VAMC là bằng trái phiếu đặc biệt chứ không phải bằng tiền mặt.
Nhưng ai cũng đã biết, điều quan trọng hơn là họ sẽ làm gì với những món nợ xấu này. Nếu mất vốn trong quá trình xử lý nợ thì sẽ ảnh hưởng đến ngân sách.
“Tôi không biết mức độ ngân sách hỗ trợ cho việc mất vốn này là bao nhiêu. Tôi cho rằng việc cấp 24 triệu USD vốn cho VAMC là chưa đủ. Nhưng vấn đề không chỉ là năng lực tài chính mà còn là kỹ năng, chuyên môn và việc VAMC có khả năng đó hay không là một thách thức lớn khác.” – ông Kimura phát biểu.
Đánh giá về việc nâng trần room của NĐT nước ngoài trong NHTM là 30%, Ông Kimura nói: “Đó là một bước đi đúng hướng.”
Ông cho biết NĐT nước ngoài thấy triển vọng ở Việt Nam vẫn rất hấp dẫn và rất muốn tham gia đầu tư lâu dài. Về phía mình, các NHTM muốn thu hút NĐT chiến lược nhưng sẽ khó trở thành NĐT chiến lược nếu không nắm cổ phần kiểm soát.
Ông Kimura kết luận: “Tôi nghĩ là cần nới thêm room mặc dù hiện nay, do đang trong qúa trình tái cơ cấu các Ngân hàng trong nước nên có thể Chính phủ cho rằng chưa phải là thời điểm thích hợp”.
Hải Minh