Báo động tội phạm thẻ
Hàng loạt vụ sử dụng thông tin tài khoản và thẻ tín dụng để đánh cắp tiền của các chủ thẻ tại nhiều ngân hàng (NH) bị phát hiện gần đây...
- 21-07-2014Ngân hàng tốn tiền tỷ để phòng ngừa tội phạm thẻ
- 07-09-2013Công an nói về thủ đoạn của tội phạm ăn cắp thông tin thẻ tín dụng
- 27-07-2012NHNN cảnh báo thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng thẻ tín dụng
Hàng trăm vụ sử dụng thẻ tín dụng để chiếm đoạt tài sản đã được cơ quan công an phát hiện trong thời gian qua.
Hàng loạt vụ sử dụng thông tin tài khoản và thẻ tín dụng để đánh cắp tiền của các chủ thẻ tại nhiều ngân hàng (NH) bị phát hiện gần đây là hồi chuông cảnh báo đối với các NH cũng như chủ thẻ trong việc đối phó với loại tội phạm công nghệ này.
Sử dụng các loại thẻ giả, nhiều đối tượng nước ngoài vào VN và móc nối với các điểm chấp nhận thẻ để xài các tài khoản được đánh cắp, sau đó ăn chia phần trăm. Do thiếu hiểu biết và cả lòng tham, nhiều người đã vô tình tiếp tay cho các tội phạm thẻ.
Ăn vài trăm ngàn, “cà” thẻ hơn 1,5 tỉ đồng
Đầu tháng 7-2015, Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Khánh Hòa đã bắt khẩn cấp nghi can Yang Qing (43 tuổi, quốc tịch Mỹ) về hành vi sử dụng thông tin tài khoản, thẻ NH để chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, hóa đơn dùng cơm chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng Yang Qing đã cấu kết với nhà hàng cà 42 lần bằng các thẻ tín dụng giả để thanh toán 1,554 tỉ đồng. Với số tiền này, chủ nhà hàng được hưởng “hoa hồng” hơn 700 triệu đồng.
Tại cơ quan công an, Yang Qing khai nhận được một đối tượng người nước ngoài móc nối và chỉ cho phương thức dùng thẻ thanh toán quốc tế giả để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tiền của các chủ thẻ.
Cũng trong tháng 7 vừa qua, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Hà Nội đã bắt giữ Zeng Xiao Tian (quốc tịch Trung Quốc, trú tại Hà Nội) và Đinh Văn Chính (Phú Xuyên, Hà Nội) - giám đốc Công ty TNHH Ninh Cát - cũng về hành vi sử dụng thông tin tài khoản và thẻ NH để chiếm đoạt tài sản. Hai nghi phạm này cùng một số cá nhân khác đã thành lập bốn công ty để rút tiền bằng các thẻ tín dụng, chiếm đoạt hàng tỉ đồng của các chủ thẻ từ nhiều NH của VN.
Cụ thể, các nghi phạm đã sử dụng pháp nhân của bốn công ty giao dịch 333 lần tại NH Đại Dương (OceanBank) với số tiền hơn 1,1 tỉ đồng. Toàn bộ số thẻ giao dịch này do nước ngoài phát hành.
Trước đó, vào tháng 6-2015, PC50 Hà Nội đã bắt giữ sáu người Trung Quốc, thuộc hai nhóm khác nhau, nhập cảnh vào VN với mục đích sử dụng các thẻ tín dụng giả để rút tiền từ các thiết bị thanh toán thẻ (POS).
Nhóm thứ nhất gồm Sun Wei Hong (40 tuổi) và He Dong Ping (39 tuổi), đến VN vào tháng 5-2015, mang theo một số thẻ NH giả. Thông qua một số người VN, nhóm này đã mượn thiết bị POS rút tiền nhiều lần với số tiền 430 triệu đồng.
Nhóm thứ hai gồm Liu Dong Jin (34 tuổi), Lin Feng Hui (31 tuổi), Le Peng Fei (51 tuổi) và Li Qing Guo (43 tuổi) - giám đốc Công ty TNHH Quốc Dương VN (Hà Đông, Hà Nội) - đã quẹt thẻ thành công 19 lần, thu được hơn 102 triệu đồng.
Đây chỉ là một số vụ mới nhất trong hàng trăm vụ sử dụng thẻ tín dụng để chiếm đoạt tài sản đã được cơ quan công an phát hiện trong thời gian qua. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), từ năm 2010-2015, cơ quan này đã phát hiện, điều tra và chỉ đạo lực lượng địa phương điều tra gần 1.400 vụ việc liên quan đến công nghệ cao. Kết quả đã điều tra làm rõ và chuyển cơ quan điều tra các cấp khởi tố 266 vụ án, 978 bị can.
“Vừa ăn cướp vừa la làng”
Các NH cho biết tội phạm thẻ có rất nhiều chiêu thức để đánh cắp tiền trong tài khoản của các chủ thẻ. Báo cáo của Hội Thẻ VN mới đây cho biết có tình trạng một nhóm chủ thẻ mở nhiều tài khoản tại nhiều NH khác nhau, đưa thẻ cho một cá nhân khác để rút tiền tại ATM, sau đó... khiếu nại rằng không thực hiện giao dịch.
Khi cùng nhận được thông tin giống nhau về việc các chủ thẻ này bị mất tiền trong tài khoản, các NH lo ngại ảnh hưởng uy tín của mình nên hoàn trả tiền cho chủ thẻ. Các đối tượng lợi dụng tâm lý này để tiếp tục ăn cắp tiền trong tài khoản của chủ thẻ với thủ đoạn “vừa ăn cướp vừa la làng”.
Đặc biệt, nhiều cửa hàng nhỏ, doanh số rất thấp nhưng bất ngờ phát sinh doanh số hàng trăm triệu đồng. Do nghi ngờ, NH kiểm tra thì được NH nước ngoài xác nhận là thẻ giả.
“Tội phạm thẻ có nhiều cách để đưa “con mồi” vào tròng. Thông thường, chúng sử dụng chiêu cần cà thẻ nhưng quên mật mã, nếu được cho cà thẻ sẽ chia phần trăm. Nhiều người bị đánh vào lòng tham nên đã vô tình tiếp tay cho tội phạm” - trưởng phòng dịch vụ thẻ một NH nói.
Cũng theo vị này, nhiều trường hợp kẻ gian đề nghị cửa hàng kê giá lên và sẽ chia phần chênh lệch cho chủ cửa hàng. Do thiếu hiểu biết hoặc lòng tham, nhiều cửa hàng đã dính bẫy. Tuy nhiên, vị này khẳng định có nhiều trường hợp điểm chấp nhận thẻ cấu kết với tội phạm để đánh cắp tiền của các chủ thẻ chứ không phải bị lừa hoặc vô tình tiếp tay.
Phó tổng giám đốc phụ trách khối bán lẻ một NH lớn tại TP.HCM cho rằng hiện tượng này một phần có nguyên nhân từ việc chạy đua mở rộng điểm chấp nhận thẻ trong thời gian qua của các NH. Có những điểm chấp nhận thẻ làm ăn chụp giật, mở ra chỉ làm một phi vụ sau đó biến mất.
Theo vị này, có trường hợp kinh doanh văn phòng phẩm nhưng cà thẻ ban đêm liên tục, NH nhận thấy dấu hiệu bất thường nên không thanh toán tiền và rút máy về.
Theo vị này, để ứng phó với hình thức tội phạm thẻ, gần đây các NH thường “treo” các giao dịch lại để xác minh chứ không thanh toán ngay cho những trường hợp có dấu hiệu đáng ngờ. Có NH trước đây giao chỉ tiêu theo số lượng máy POS lắp đặt được nhưng nay đặt chỉ tiêu căn cứ trên doanh số thanh toán nhằm tránh chuyện chạy đua đi lắp máy ở những điểm không an toàn, doanh số nhỏ trong khi rủi ro quá lớn. Nhiều NH cũng quản lý, cấp phép tập trung thay vì phân tán như trước.
Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tội phạm đánh cắp thông tin tài khoản, thẻ ngân hàng để chiếm đoạt tiền của chủ thẻ - Ảnh: T.T.D.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng“
Sau hàng loạt vụ sử dụng thẻ tín dụng để chiếm đoạt tiền bị phát hiện, mới đây NH Nhà nước đã phát đi văn bản yêu cầu các NH phải tăng cường biện pháp phòng chống tội phạm thẻ. Đặc biệt, khi ký kết hợp đồng với đơn vị chấp nhận thẻ, các NH phải kiểm tra kỹ thông tin và năng lực của đơn vị chấp nhận thẻ, bổ sung các điều kiện ràng buộc, xây dựng hạn mức thanh toán trong ngày phù hợp với mức độ tin cậy và loại hình kinh doanh của từng đơn vị chấp nhận thẻ.
NH Nhà nước cũng yêu cầu các NH phải tăng cường kiểm tra và giám sát, kịp thời phát hiện các giao dịch đáng ngờ. Khi phát hiện, cần chủ động phối hợp cơ quan công an để xác minh và có biện pháp phòng chống kịp thời.
Với Hội thẻ, NH Nhà nước yêu cầu xây dựng cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa các thành viên đối với những đơn vị chấp nhận thẻ, kể cả trao đổi tên chủ cửa hàng, doanh nghiệp và những người liên quan đã có hành vi vi phạm trong hoạt động chấp nhận thẻ.
Chuyên gia thẻ Trần Quang Thoại cho rằng nếu NH quản lý chặt, kẻ gian khó lọt được. Nếu theo dõi kỹ, NH có thể chặn ngay những trường hợp nghi ngờ như tần suất liên tục, giờ giấc bất thường. “Giải pháp tốt nhất là NH phải đánh giá ngay từ khi ký hợp đồng, xem đơn vị có hoạt động kinh doanh thật không, rồi theo dõi các giao dịch xem có đúng với quy mô của đơn vị” - ông Thoại nói.
Chuyên gia NH Huỳnh Trung Minh cho rằng bản thân các chủ thẻ cũng cần cẩn trọng, nên đến quầy theo dõi cà thẻ và trực tiếp ký hóa đơn khi thanh toán bằng thẻ, thay vì đưa thẻ cho nhân viên tự đi cà.
Ngoài ra, cần đăng ký dịch vụ bảo mật với NH. Khi mua hàng trên mạng chỉ chọn các trang web đảm bảo, uy tín để giao dịch. Trường hợp được yêu cầu cung cấp những thông tin mật, chủ thẻ phải liên hệ với NH phát hành thẻ để kiểm tra.
Giám đốc một NH cũng cho rằng dấu hiệu dễ nhận biết nhất với những trường hợp đánh cắp tiền bằng thẻ tín dụng là thời gian cà thẻ và số tiền cà thẻ bất thường, không phù hợp với loại hình kinh doanh.
“Chẳng hạn nhà hàng, quán ăn hóa đơn nhiều nhất cũng chỉ khoảng vài triệu đồng nhưng lại cà thẻ liên tục, số tiền lên đến vài chục hoặc hàng trăm triệu, hoặc cà vào lúc nửa đêm khi quán đã đóng cửa. Có trường hợp đã lâu không cà thẻ bất ngờ một ngày nào đó cà liên tục với số tiền lớn” - vị này nói.
Giao dịch qua mạng có địa chỉ IP tại VN bị từ chối
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an, tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông (mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số) để chiếm đoạt tài sản đang diễn biến rất phức tạp.
Đặc biệt, nhiều đối tượng cả trong và ngoài nước xâm nhập bất hợp pháp vào các website bán hàng, thanh toán trực tuyến để trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, sau đó đặt mua hàng hóa trực tuyến có giá trị cao (iPhone, iPad, laptop, máy ảnh...) chuyển về VN tiêu thụ, gây thiệt hại cho các chủ thẻ. Tình trạng này diễn ra nghiêm trọng đến mức nhiều nước không chấp nhận giao dịch qua mạng Internet có địa chỉ IP xuất phát từ VN.
Điển hình trong việc sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng người nước ngoài để mua hàng như Dương Văn Bách và đồng phạm đặt mua gần 500 vé máy bay các loại, chiếm đoạt hàng tỉ đồng; vụ Nguyễn Đình Thuần và đồng phạm mua hàng hóa đắt tiền chuyển về VN tiêu thụ với hơn 600 vận đơn, trị giá hàng chục triệu USD.
Nhiều tội phạm thẻ là người Trung Quốc
Theo C50, nhiều đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và một số quốc gia châu Phi) nhập cảnh vào VN sử dụng thiết bị công nghệ cao để làm giả thẻ, sau đó móc nối một số đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) tiến hành giao dịch khống để rút tiền mặt, chiếm hưởng trái phép hàng trăm tỉ đồng.
Thời gian qua, C50 đã phát hiện và xử lý hàng loạt vụ như vụ chiếm đoạt gần 17 tỉ đồng của một NH, vụ án Đinh Văn Long cùng đồng bọn làm thẻ tín dụng giả mua hàng hóa với số tiền ước tính hàng tỉ đồng tại Hà Nội, vụ bốn đối tượng người Trung Quốc móc nối với ba đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ ở Hải Phòng thanh toán khống và chiếm đoạt hơn 5 tỉ đồng, vụ các đối tượng người Trung Quốc rút khống qua cổng POS chiếm đoạt hơn 10 tỉ đồng tại Hà Nội...