Bảo hiểm nông nghiệp sẽ “hồi sinh”
Theo dự thảo, hộ nông dân nghèo, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp được nhà nước hỗ trợ 90%-100% phí bảo hiểm khi mua bảo hiểm nông nghiệp.
Trợ sức cho nông dân
Theo dự thảo, hộ nông dân nghèo, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp được nhà nước hỗ trợ 90%-100% phí bảo hiểm khi mua bảo hiểm nông nghiệp. Như vậy, nông dân nghèo chỉ đóng 10% phí bảo hiểm, thậm chí còn không phải đóng phí này. Hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo cũng được hỗ trợ 60%-70% phí bảo hiểm. Doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hiệp hội, trang trại, hộ gia đình tổ chức sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 50% phí bảo hiểm.
Việc thí điểm này chỉ áp dụng đối với cây lúa ở Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; trâu bò cày, trâu bò thịt, heo thịt, gia cầm thịt tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội; cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau. Khi gặp rủi ro mà lúa, gia súc, gia cầm, thủy sản chết, mất mùa thì người dân sẽ được bảo hiểm chi trả. Rủi ro gồm có “bão, lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá... và dịch bệnh như dịch cúm đối với gia cầm; dịch tai xanh đối với heo; bệnh lở mồm, long móng đối với gia súc; bệnh thủy sản đối với tôm, cá tra; dịch rầy nâu, vàng lùn, xoắn lá đối với cây lúa”.
DN, hợp tác xã, hiệp hội, trang trại, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các điều kiện mà chương trình thí điểm đặt ra thì mới được tham gia và được hỗ trợ. Trong đó có điều kiện về ao nuôi, đầm nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch đã được địa phương phê duyệt; quy trình nuôi cũng phải đáp ứng theo tiêu chuẩn ngành; không dùng thuốc, hóa sinh bị cấm sử dụng…
Khó xác định mức phí, thiệt hại
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết một số khó khăn của DN kinh doanh loại bảo hiểm này.
Ngoài ra, vấn đề phí bảo hiểm cũng chưa thể tính được. Với bảo hiểm xe máy chẳng hạn, đã có số liệu thống kê có bao nhiêu xe trên cả nước, tỉ lệ tai nạn giao thông hằng năm là bao nhiêu, có bao nhiêu xe hư hỏng… Từ các thống kê này có thể tính ra mức phí bảo hiểm. Tuy nhiên, rất khó tính phí bảo hiểm nông nghiệp. Nếu phí thấp nông dân mới tham gia mua bảo hiểm nhưng DN sợ phá sản, tính phí cao thì nông dân lại không muốn mua.
Do đó, theo ông Lộc, nếu thực hiện được đề án thí điểm hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp mua bảo hiểm thì có thể lấy số đông người mua bù cho số ít thiệt hại thì DN mới có thể kinh doanh được.
Cần tìm được đơn vị nước ngoài nhận tái bảo hiểm
Một nguồn tin cho biết điểm quan trọng để có thể triển khai chương trình này là phải tìm được công ty bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm. Việt Nam là một trong 10 nước có nguy cơ bị ảnh hưởng cao bởi biến đổi khí hậu, do đó phí bảo hiểm thấp thì không DN nào muốn nhận tái bảo hiểm cho chúng ta. Nếu trả phí tái bảo hiểm cao dẫn đến phải thu phí từ nông dân cao thì cũng sẽ khó thực hiện chương trình.
Theo Quỳnh Như
Pháp luật TP.HCM