MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bao nhiêu lợi nhuận ngân hàng là… “vay mượn”?

16-11-2013 - 07:28 AM | Tài chính - ngân hàng

Lợi nhuận ngân hàng một phần đang phải “tạm ứng tương lai”, dù phần lớn đang công bố giảm hoặc chỉ chớm lãi...

Hồi đầu năm, tại một cuộc họp thảo luận về nghị định cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), một người tham dự nói vui, đại ý: như vậy là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước của chúng ta đã đi cho vay, không phải cho vay bằng VND, bằng ngoại tệ, cũng không phải cho vay bằng vàng…

Một số thành viên trong ban soạn thảo nghị định hỏi lại: vậy thì cho vay cái gì?

Vị kia trả lời: cho vay thời gian!

“Bà đỡ” VAMC

Cách nói vui trên được giải thích, VAMC ra đời và thực hiện mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng, một khối nợ xấu lớn từng bước được đưa ra ngoại bảng và họ chỉ phải trích lập 20% mỗi năm, trong vòng 5 năm.

Khi nợ được đổi chủ sang VAMC, tổ chức tín dụng bớt đi một phần gánh nặng là chi phí trích lập dự phòng, lại có ngay trái phiếu đặc biệt để tái tạo vốn. Theo quy định, nợ xấu thuộc nhóm 3, 4 và 5, tương ứng với các mức phải trích lập dự phòng là 20%, 50% và 100%.

Cho đến nay, chưa có dữ liệu cụ thể phân nhóm số nợ VAMC đã mua cơ cấu gồm những nhóm nào, nhưng chắc chắn một phần lớn chi phí đáng lẽ các tổ chức tín dụng phải dùng để trích lập ngay theo đúng quy định hiện hành thì lại được giãn ra trong 5 năm. Những năm tới, họ tiếp tục dùng 20% lợi nhuận để trích lập dần dần cho đủ 100%. Nói “cho vay tương lai” là nằm ở đây, hay lợi nhuận ngân hàng hiện nay một phần “vay mượn” của tương lai.

Giả sử, một ngân hàng bán được cho VAMC 1.000 tỷ đồng nợ xấu, thuộc nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Theo quy định, ngân hàng phải trích lập dự phòng 100% cho khoản nợ này. Tuy nhiên, sau khi bán cho VAMC, họ đưa ra ngoại bảng và chỉ phải trích lập 20% trong năm nay, tức chỉ 200 tỷ đồng. Nếu phải trích lập cả 100%, chắc chắn lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Theo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 10/11/2013, VAMC đã nhận hồ sơ từ 20 tổ chức tín dụng đề nghị bán tổng cộng khoảng 38.000 tỷ đồng nợ xấu; trong đó công ty này đã mua lại trên 15.000 tỷ đồng từ 15 thành viên. Như vậy có thể hàng chục nghìn tỷ đồng đáng lẽ phải dùng trích lập dự phòng ngay, lại chỉ phải 20%, lợi nhuận bớt bị níu kéo lúc này, áp lực được gửi cho tương lai 4 năm sau nữa…

“Nhờ” Quyết định 780

Từ 1/10, VAMC mới bắt đầu mua nợ xấu. Theo đó, những tác động liên quan chưa thể hiện ở báo cáo tài chính quý 3/2013 mà các tổ chức tín dụng đang lần lượt công bố, mà sẽ tập trung từ quý 4.

Đang thể hiện và cũng khá trực tiếp là Quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước, cho phép cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm. Những doanh nghiệp khó khăn tạm thời, vẫn có triển vọng phục hồi sản xuất kinh doanh và trả nợ, được tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại nợ, trao thêm cơ hội. Lẽ ra, nợ của họ đã bị chuyển từ nhóm 2 sang nhóm 3, thậm chí nhóm 4 hoặc 5.

Việc không phải chuyển nhóm đồng nghĩa các tổ chức tín dụng không phải tăng thêm chi phí trích lập dự phòng, mà lẽ ra phải làm. Chênh lệch chi phí này giữa các nhóm là rất lớn; nhóm 2 chỉ là 5%, nhưng chuyển sang nhóm 3 đã là 20%.

Theo thông tin Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra mới đây, tổng số nợ các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ, trong đó khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại đã trở thành nợ xấu. Như vậy có thể hiểu là có khoảng 180.000 tỷ đồng lẽ ra đã trở thành nợ xấu, và đồng nghĩa lẽ ra các tổ chức tín dụng đã phải dùng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng để trích lập dự phòng.

Do không phải chuyển nhóm, không bị tăng mức trích lập, nên áp lực khoản chi phí đó cũng được gửi cho tương lai, kỳ vọng vào khả năng doanh nghiệp sau khi được cơ cấu lại nợ sẽ thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. Nếu không có Quyết định 780, một phần lớn nợ xấu đó phải trích lập đúng nhóm và đầy đủ, lợi nhuận ngân hàng chắc chắn bị chia sẻ đáng kể. Hay, các con số lợi nhuận 9 tháng đầu năm mà họ đang công bố cũng cần xem xét kỹ.

Trước những tác động trên, và một số vấn đề khác từng phát sinh trên thực tế, từ cuối năm 2011, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động ngăn chặn những hệ quả nếu có tình huống ngân hàng báo lãi thiếu chân thực.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị số 06, yêu cầu tổ chức tín dụng nào chưa thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ thì không được tăng lương, không được chi trả cổ tức. Điều này cũng để hạn chế tình huống báo lãi ảo rồi chia hết, khi có rủi ro hay lỗ phát sinh thì không còn nguồn để bù đắp.

Thực tế thời gian qua cũng đã có trường hợp thanh tra Ngân hàng Nhà nước phải xử lý, khi chia cổ tức vượt xa cả mức lợi nhuận có được sau khi tính toán lại.

Theo Minh Đức

hangnt

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên