Bị dồn vào đường cùng vì vay ngân hàng
Tai họa bất ngờ ập xuống gia đình chị Vũ Thị Lan (ở xóm 10A Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Câu chuyện bắt đầu năm 2010, khi gia đình chị cần tiền để xây nhà.
Ngày 27-4-2010, Bằng yêu cầu chị Lan đến phòng công chứng làm thủ tục thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng. Một văn bản có nội dung chị Lan vay số tiền 400 triệu đồng với điều kiện thế chấp sổ đỏ được thảo ra.
Đọc lướt qua, chị Lan hoàn toàn tin tưởng và ký vào một tập giấy tờ theo hướng dẫn của “cán bộ” mà không hề đọc nội dung viết gì. Gần một tuần sau, bà Thuận gọi chị Lan đến chi nhánh ngân hàng tại quận Cầu Giấy để giao một bản hợp đồng tín dụng số 1254/10/CG ngày 31-5-2010, nội dung bên cho vay là MSB chi nhánh Cầu Giấy do ông Nguyễn Đình Hưng - Phó giám đốc chi nhánh - là người đại diện cho chị Lan (là bên vay) được vay số tiền 400 triệu đồng trong thời hạn 60 tháng, lãi suất 17%/năm theo phương thức thả nổi; bên vay thế chấp tài sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Vũ Thị Lan với tổng trị giá tài sản đảm bảo 3,06 tỷ đồng. Hợp đồng do ông Nguyễn Đình Hưng ký tên, đóng dấu.
Sau đó, bà Thuận đưa cho chị Lan 350 triệu đồng kèm lời giải thích trong vòng sáu tháng nếu chị Lan nộp tiền lãi đều đặn, ngân hàng sẽ cho vay nốt 50 triệu đồng còn lại.
Cuối năm 2012, sau khi trả được một phần trong khoản vay 400 triệu, chị Lan đề nghị được thanh toán số dư nợ 195 triệu đồng còn lại của khoản vay 400 triệu đồng để lấy sổ đỏ về. Lần này, chị Lan được một nhân viên ngân hàng chỉ lên trụ sở của Ngân hàng MSB tại 88 Láng Hạ, Hà Nội làm thủ tục.
Hai bản hợp đồng cùng số, cùng ngày phát hành do Phó giám đốc Nguyễn Đình Hưng ký nhưng lại thể hiện số tiền vay hoàn toàn khác nhau
Chị Lan thật sự sốc khi nghe nhân viên ngân hàng thông báo số dư nợ của chị hiện là 1,8 tỷ đồng. Đương nhiên chị không công nhận con số này nhưng nhân viên ngân hàng đã chứng minh họ đúng khi đưa ra một hợp đồng tín dụng do ông Nguyễn Đình Hưng - Phó giám đốc chi nhánh MSB Cầu Giấy - ký tên, đóng dấu, có cùng số và ngày phát hành như bản hợp đồng tín dụng vay 400 triệu đồng mà chị Lan giữ, chỉ có điều số tiền cho vay là 2 tỷ đồng. Kèm theo là các giấy tờ khác như khế ước nhận nợ, giấy lĩnh tiền mặt 2 tỷ đồng, bảng kê loại tiền... đều có chữ ký của chị Lan.
Chữ ký thật, con dấu thật nên chị Lan chẳng có lý gì để đôi co với ngân hàng, đành quay trở lại chi nhánh Cầu Giấy. Tại đây, các nhân viên cho biết hồ sơ vay tiền đã chuyển lên trụ sở 88 Láng Hạ, do đó chi nhánh không có trách nhiệm giải quyết.
Ít nhất còn bốn người khác ở huyện Đan Phượng, Hà Nội cả năm nay lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Đó là ông Đỗ Tráng Thêm, Phạm Văn Hùng, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Hữu Phượng. Những người này cũng mắc phải cái bẫy của ông Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc MSB chi nhánh Cầu Giấy, tương tự như chị Lan. Ông Hưng cùng lúc ký hai bản hợp đồng cùng số, cùng ngày nhưng số tiền vay khác nhau. Trung bình mỗi hộ dân chỉ vay và được nhận dưới 200 triệu đồng nhưng hợp đồng tín dụng lại ghi khoản vay cao gấp 3 - 4 lần.
Anh Nguyễn Đức Sơn (ở cụm 2 Tân Hội, Đan Phượng, con rể ông Đỗ Tráng Thêm) kể: “Do cần tiền kinh doanh, tháng 5-2010 tôi xin bố mẹ vợ cho mượn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng. Nhờ sự môi giới của Đỗ Thị Minh Hằng - một cò tín dụng có tiếng nên tôi đã tiếp cận được cán bộ ngân hàng và được hứa cho vay 200 triệu đồng.
Theo hướng dẫn của Hằng, ngày 13-5-2010 bố mẹ vợ tôi đến Văn phòng công chứng Hà Nội ký hồ sơ, giấy tờ, thủ tục vay tiền. Cũng như trường hợp của chị Lan, bố vợ tôi được yêu cầu ký vào một loạt giấy tờ. Vốn thật thà lại chưa va vấp với ngân hàng bao giờ nên ông cụ chỉ đọc lướt trang đầu tiên ghi số tiền vay 200 triệu đồng, còn những trang sau ông chưa kịp đọc thì nhân viên ngân hàng nói thời gian có hạn nên ông ký luôn cả đống giấy tờ.
Vài ngày sau, tôi được Hằng gọi ra một quán cà phê trên đường Hoàng Quốc Việt đưa 165 triệu đồng. Hằng giải thích ngân hàng giữ lại 35 triệu đồng là số tiền thu lãi trong sáu tháng đầu. Sau sáu tháng, Hằng trực tiếp đến nhà tôi thu tiền lãi. Sau mấy tháng không thấy Hằng đến, tôi tìm hiểu thì được biết đối tượng này bỏ đi đâu không ai biết và có rất nhiều người đi tìm như tôi”.
Từ đó, anh Sơn không nộp tiền lãi vay vì không biết mình vay tiền ở đâu, mọi việc trước đó chỉ thông qua Hằng. Đến tháng 11-2013, anh Nguyễn Song Toàn, cán bộ MSB đến tìm gặp ông Đỗ Tráng Thêm thông báo thu hồi nợ. Ông Thêm và vợ chồng anh Sơn hết sức choáng váng khi nghe phải trả số tiền trên 1 tỷ đồng, trong đó tiền vay gốc trong hợp đồng tín dụng do ông Nguyễn Đình Hưng - Phó giám đốc MSB chi nhánh Cầu Giấy - ký là 800 triệu đồng.
Theo những lá đơn tố cáo của người dân, ông Nguyễn Đình Hưng - Phó giám đốc MSB chi nhánh Cầu Giấy - đã cùng lúc ký trên hai hợp đồng tín dụng có cùng số, cùng ngày nhưng khác nhau với số tiền lên đến gần 8 tỷ đồng cả gốc và lãi. Khi các nạn nhân đến chi nhánh MSB Cầu Giấy xin gặp ông Hưng thì được thông báo ông này đã chuyển công tác đi nơi khác, còn ngân hàng vẫn khẳng định chỉ biết thu nợ theo hợp đồng lưu giữ.
Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại MSB - chi nhánh Cầu Giấy. Quá trình điều tra đã xác định Đỗ Huy Khánh, nguyên cán bộ tín dụng MSB chi nhánh Cầu Giấy, bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoài Đức bắt giam ngày 27-3-2014.
Theo lời khai của Khánh, năm 2010 anh ta được Đỗ Thị Minh Hằng (trú Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội) đưa hồ sơ của các khách hàng: Phạm Văn Hùng, Nguyễn Hữu Phượng, Nguyễn Văn Hồng, Đỗ Tráng Thêm có nhu cầu vay vốn với số tiền từ 150 đến 200 triệu đồng và thế chấp bằng đất ở. Sau khi có hồ sơ của khách hàng, Khánh báo cáo với Nguyễn Đình Hưng và hậu quả đã xảy ra.
Công tác điều tra chưa biết kéo dài đến bao giờ nhưng những người bị ông Hưng cho “ăn quả đắng” đã phải sống trong sợ hãi cả năm nay. Sổ đỏ nằm trong ngân hàng và họ đang ôm cục nợ vượt quá khả năng chi trả.
>>> Đề nghị ngân hàng bỏ quy định thu phí duy trì tài khoản
Theo Minh Phương