MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BIDV: Cổ đông lo ngại về tỷ lệ hoán đổi 1:1 giữa BIDV và MHB

17-04-2015 - 10:47 AM | Tài chính - ngân hàng

Dự kiến quý 2, BIDV sẽ phát hành 269,2 triệu cp cho cổ đông với giá phát hành 10.000 đồng/cp. Với phương án sáp nhập, BIDV sẽ phát hành 336,9 triệu cp để hoán đổi với MHB tỷ lệ 1:1.

Sáng nay (ngày 17/4) Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID ) tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2015.

Báo cáo tại đại hội về tình hình kinh doanh năm 2014 ban điều hành BIDV cho biết: Tổng tài sản năm 2014 đạt 650.340 tỷ đồng (tăng 18,6%) so với năm trước. Huy động vốn đạt 602.301 tỷ đồng, trong đó 501.909 tỷ đồng là nguồn vốn huy động từ khu vực tổ chức và dân cư.

Dư nợ tín dụng tăng 18,9% so với năm trước; tỷ lệ nợ xấu là 2,03% tổng dư nợ. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.297 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2014; tỷ lệ chi trả cổ tức đạt khoảng 10,2%.

Năm 2015, BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng 16,5% về huy động vốn; dư nợ tín dụng tăng trưởng 16%; lợi nhuận trước thuế đạt 7.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,5% và chi trả cổ tức 9%.

Phần tài liệu, các tờ trình đại hội cổ đông đáng chú ý là BIDV xin ý kiến cổ đông để tành lập công ty tài chính tiêu dùng.

Theo lý giải của lãnh đạo ngân hàng với cổ đông thì việc thành lập công ty này sẽ giúp cho BIDV gia tăng thị phần bán lẻ.

“Mục tiêu đưa BIDV trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, hàng đầu Việt Nam. Thời gian gần đây, BIDV chú trọng phát triển ngân hàng bán lẻ và đây là một trong những mục tiêu chiến lược để phát triển bền vững” – Lãnh đạo BIDV giải thích với cổ đông.

Bên cạnh đó, việc tách phân khúc khách hàng rủi ro, trong đó phân khúc tín dụng khách hàng cá nhân thu nhập trung bình, nhu cầu vay tiêu dùng món nhỏ, chủ yếu không có tài sản đảm bảo, thủ tục vay đơn giản, thời gian xử lý nhanh, chấp nhận lãi xuất cao…

HĐQT đã đề xuất 3 phương án hình thành công ty tài chính tiêu dùng, bao gồm:

Phương án 1: Mua lại công ty tài chính đang hoạt động trên thị trường, thực hiện tái cấu trúc để chuyển đổi thành công ty tài chính tiêu dùng BIDV. Ban lãnh đạo BIDV ưu tiên phương án này.

Bởi lẽ sẽ rút ngắn được thời gian xin cấp phép. Đồng thời, tận dụng nền tảng và các nguồn lực hiện có của công ty tài chính.

Phương án 2: Chuyển đổi hoạt động công ty cho thuê tài chính hiện có của BIDV thành công ty tài chính tiêu dùng BIDV.

Ưu điểm của phương án này là phù hợp với kế hoạch tái cơ cấu hoạt động các đơn vị thành viên của BIDV. Và BIDV cũng chủ động kiểm soát ảnh hưởng của việc huyển đổi đến hoạt động ngân hàng…

Phương án 3: Thành lập công ty tài chính tiêu dùng BIDV. Phương án này sẽ dược thực hiện nếu trong trường hợp không thực hiện được 2 phương án nêu trên.

Tại thời điểm 10h20p. BIDV đã trình bày trước đại hội về kế hoạch tăng vốn điều lệ dự kiến trong năm 2015 thêm 6.061 tỷ đồng (nếu thành công vốn điều lệ của BIDV sẽ là 34.173 tỷ đồng). Số vốn tăng thêm này sẽ bao gồm: Phát hành cho cổ đông hiện hữu và tăng vốn từ sáp nhập. Cụ thể:

Phát hành cho cổ đông hiện hữu:

Số lượng dự kiến là 269,2 triệu cổ phần (tính theo mệnh giá sẽ tương đương là 2.692 tỷ đồng), chiếm 9,577% vốn điều lệ của năm 2014 (28.112 tỷ đồng).

Phát hành 3.369 tỷ đồng để sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB)

Dự kiến quý 2, BIDV sẽ phát hành 269,2 triệu cp cho cổ đông với giá phát hành 10.000 đồng/cp. Với phương án sáp nhập, BIDV sẽ phát hành 336,9 triệu cp để hoán đổi với MHB tỷ lệ 1:1.

BIDV dự kiến sẽ hoàn thành việc sáp nhập này trong tháng 5 năm nay.

Năm 2015 BIDV sẽ ưu tiên việc thực hiện sáp nhập và tăng vốn. Trong điều kiện thuận lợi sẽ phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên việc này có thể tiến hành từ từ.

Bầu Thành viên HĐQT và BKS

Theo tờ trình bầu bổ sung Thành viên HĐQT và Ban kiểm soát và miễn nhiệm một số thành viên nhiệm kỳ 2012 – 2017 mà BIDV đưa ra xin ý kiến cổ đông

Miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT của ông Hoàng Huy Hà kể từ ngày 01/06; bầu ông Ngô Văn Dũng thay thế, hiện ông Dũng đang là Giám đốc CN BIDV Hà Nội.

Miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Văn Hà và bầu ông Tô Ngọc Hưng thay thế (ông Hừng từng là Giám đốc Học viện Ngân hàng).

Bầu bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước, vào thành viên HĐQT.

Phía MHB sẽ có 4 người được bầu vào HĐQT gồm ông Huỳnh Nam Dũng, ông Nguyễn Phước Hòa, ông Nguyễn Văn Lộc, ông Đặng Xuân Sinh.

Trong đó, ông Dũng là Chủ tịch HĐQT MHB, ông Hòa là Tổng Giám đốc MHB kể từ tháng 8/2012 đến nay

Miễn nhiệm chức danh Trưởng Ban kiểm soát của ông Trần Văn Bé và bầu bổ sung bà Võ Bích Hà, Giám đốc Ban quản lý đầu tư BIDV vào Ban kiểm soát.

Hỏi đáp của cổ đông

Nhiều cổ đông băn khoăn về tỷ lệ hoán đổi 1:1 với MHB: Tỷ lệ này tính toán như thế nào, có thiệt hại cho BIDV không?

Ông Trần Bắc Hà chia sẻ, MHB và BIDV đều do Ngân hàng nhà nước sở hữu tỷ lệ lớn nên cổ đông lớn này không hề có ảnh hưởng. Với cổ đông nhỏ, trong ngắn hạn, sự lo ngại là đúng vì giá BIDV trên thị trường đang cao hơn đáng kể so với MHB.

Tuy nhiên, về dài hạn BIDV tận dụng được nhiều lợi thế khi sáp nhập MHB: mạng lưới, khác hàng mảng nông thôn…Với 44 chi nhánh của MHB, bình thường BIDV phải mất 7 năm để phát triển.

Đáng chú ý là, từ khi có tin sáp nhập MHB và BIDV, giá cổ phiếu cả hai ngân hàng đều tăng. Đây là điều tích cực trong một thương vụ sáp nhập tự nguyện giữa hai ngân hàng.

Thời điểm dự kiến hoàn tất việc sáp nhập với BIDV là khi nào?

Nếu được ĐHCĐ thông qua hôm nay, HĐQT sẽ thực hiện nhanh các thủ tục cần thiết, đúng quy định để hoàn tất vào ngày 25/5/2015.

Chủ trương thoái vốn của BIDV tại các liên doanh như thế nào?

Ông Hà cho biết, với liên doanh VID – Public, BIDV lãi khoảng 1.000 tỷ đồng từ chuyển nhượng toàn bộ vốn cho Public Bank Berhad.

Ngân hàng liên doanh Lào – Việt  đang hoạt động tốt và BIDV không có ý định thoái.

Phương án tại ngân hàng liên doanh Việt – Nga đang được báo cáo NHNN. Tuy nhiên để thực hiện các cam kết phát triển và duy trì quan hệ Việt – Nga, trong đó, BIDV được giao vao trò tổng thanh toán, ngân hàng này sẽ tiếp tục duy trì liên doanh trên.

BIDV có một khu đất rất có giá trị tại 117 Nguyễn Huệ, vì sao chưa có kế hoạch sử dụng?

Chủ tịch Trần Bắc Hà tiết lộ MHB, ngân hàng chuẩn bị sáp nhập với BIDV, còn có một khu đất đẹp hơn tại số 9 Võ Văn Tần, nhưng BIDV sẽ trả lại cho Nhà nước.

Về khu đất ở 117 Nguyễn Huệ, BIDV cũng dù đã nộp 400 tỷ tiền thuế sử dụng đất nhưng không có kế hoạch đầu tư vào đây.  Ngân hàng dự kiến sẽ hoán đổi khu đất này trong tương lai.

Thị phần của BIDV trong các mảng huy động vốn và cho vay năm 2014 như thế nào? Kế hoạch tăng trưởng tín dụng tập trung vào nhóm khách hàng nào?

Ngân hàng đạt 11,2% thị phần tín dụng trong toàn hệ thống và thị phần huy động vốn khoảng 17%.

Khách hàng sẽ tập trung vào 5 nhóm theo quy định của Chính phủ, ngoài ra cũng sẽ

Năm 2015, BIDV đẩy mạnh đến tín dụng nông nghiệp, cụ thể là chăn nuôi như bò thịt, bò sữa, heo thịt, heo giống … ứng dụng công nghệ cao. Việc sáp nhập MHB cũng nhắm đến đối tượng khách hàng nông thôn của BIDV.

Trong lĩnh vực y tế, BIDV sẽ đưa ra gói tín dụng 20.000 tỷ cho chương trình giảm tải bệnh viện, nâng cấp trang thiết bị y tế….

BIDV dự kiến bán nợ cho VAMC trong năm 2015 như thế nào?

Sau khi bán hơn 6.000 tỷ nợ xấu cho VAMC năm ngoái, BIDV có kế hoạch bán khoảng 8.000 tỷ trong năm 2015.

Khánh Linh

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên