BIDV: Đã bán xong 7.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, lợi nhuận 2015 có thể đạt 7.500 tỷ
Nợ xấu của BIDV hiện tăng 5.000 tỷ so với đầu năm, ở mức 2,7% trên tổng dư nợ do ngân hàng rà soát lại các nhóm nợ, cộng với nợ xấu từ MHB.
Ngày 9/8/2015, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) đã tổ chức buổi gặp mặt nhà các nhà đầu tư đại diện cho các quỹ đầu tư và các công ty chứng khoán nhằm cập nhật kết quả hoạt động kinh doanh, cũng như định hướng, kế hoạch chung của ngân hàng. Buổi gặp mặt do Phó TGĐ Trần Phương chủ trì cùng với đại diện của các Ban chuyên môn.
Đại diện phía ngân hàng cho biết, tính đến thời điểm này, tổng tài sản của BID đã tăng 11,5% so với đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 16,3%, tương đương mức tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó mảng bán lẻ chiếm 19% tổng tín dụng của ngân hàng, thị phần ở mảng này của BID đã có sự tăng trưởng mạnh 21% so với cùng kỳ, chiếm 12,7% thị phần bán lẻ toàn hệ thống ngân hàng.
Tổng huy động vốn của BID tăng 20,66% so với cùng kỳ, tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) ở mức 84%, thấp hơn mức 90% cho phép của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu của BID hiện ở mức 2,7%, tăng 5.000 tỷ so với đầu năm do ngân hàng đã thực hiện rà soát lại các nhóm nợ, cộng thêm việc sáp nhập các khoản nợ xấu từ ngân hàng MHB.
Trả lời các nhà đầu tư về khả năng tăng lãi suất, đại diện ngân hàng cho biết trong ngắn hạn lãi suất sẽ được giữ ổn định, tuy nhiên trong dài hạn thì điều này chưa thể khẳng định chắc chắn.
Một câu hỏi khác liên quan đến việc phá giá đồng Việt Nam so với USD trong thời gian vừa qua có ảnh hưởng gì đến tình hình hoạt động của ngân hàng hay không, đại diện ngân hàng cũng cho biết, tại thời điểm 30/6, BID ghi nhận 6.700 tỷ đồng ngoại tệ âm trạng thái, tuy nhiên BID đã đưa trạng thái ngoại tệ về mức 0 vào đầu tháng 8, vì vậy ngân hàng không bị ảnh hưởng gì bởi đợt phá giá vừa qua.
Hé lộ một chút về kết quả kinh doanh ước tính năm 2015, BID cho biết ngân hàng sẽ có thể đạt được mức lợi nhuận trước thuế 7.500 tỷ như kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua, và kỳ vọng tăng trưởng sẽ ở mức 20%/năm cho các năm tiếp theo. Hiện tại, BID đã bán 7.000 tỷ nợ xấu cho VAMC, dự kiến sẽ trích lập 8.000 tỷ dự phòng cho cả năm, trong đó có 4.000 tỷ dự phòng đã được trích lập trong quý 1. Đối với trái phiếu đặc biệt của VAMC, ngân hàng chỉ tiến hành trích lập dự phòng (20%) từ năm sau, vì vậy khoản này sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận của BID trong năm nay. Cuối năm, BID cũng kỳ vọng có một khoản 1.800 tỷ đồng đến từ việc thu nợ ngoại bảng.
Về việc tăng vốn, trong quý 4/2015, NHNN sẽ nộp 2.692 tỷ để tăng vốn cấp I cho BID, đồng thời BID cũng sẽ tiếp tục thực hiện tăng vốn cấp 2 bằng cách phát hành 3.500 tỷ đồng trái phiếu, cũng như việc phát hành thêm 30% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài.
Nói đến định hướng phát triển trong tương lai, đại diện ngân hàng cho biết khác với VCB hay CTG tập trung vào mảng doanh nghiệp, BID sẽ tập trung vào mảng bán lẻ với kỳ vọng mảng này sẽ chiếm 30 – 40% tổng dư nợ trong các năm 2016 – 2020. BID cũng cho biết thêm, ngân hàng sẽ không khuyến khích cho vay BĐS do lo ngại rủi ro lớn của mảng này, thay vào đó ngân hàng sẽ tập trung đẩy mạnh cho vay ở các mảng dệt may, da giầy, thủy sản, nông nghiệp phát triển nông thôn, FDI và SMEs.
Trí Thức Trẻ