MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình Dương, Đồng Nai: Đảm bảo mọi chi trả và rút tiền

16-05-2014 - 16:55 PM | Tài chính - ngân hàng

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết, công tác tiếp quỹ cho các máy ATM vẫn đáp ứng đủ nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết, công tác tiếp quỹ cho các máy ATM vẫn đáp ứng đủ nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng, không để tình trạng thiếu tiền ở các máy ATM phục vụ giao dịch gửi và rút tiền của người dân.

Trong 3 ngày qua, nhiều nhà máy, xí nghiệp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nằm trong các khu chế xuất, khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương bị một số người biểu tình quá khích đập phá, đốt cháy. Phóng viên TBNH có mặt tại hiện trường để ghi nhanh về thiệt hại từ những hành vi có tính manh động này đối với các TCTD trên địa bàn các tỉnh trên.

Trao đổi với phóng viên TBNH chiều 15/5, ông Bùi Văn Nu, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương cho hay, theo thống kê sơ bộ của các TCTD trên địa bàn, trong vòng 3 ngày qua đã có hơn 20 máy ATM của các ngân hàng bị đối tượng quá khích đập phá. Hầu hết các máy ATM này được đặt bên trong khuôn viên của các công ty có chủ DN mang quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan…

Báo cáo của các TCTD trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho biết thêm, tình trạng phổ biến của các máy ATM bị đập phá là vỡ cửa kính, khung kính màn hình máy, hư hỏng hệ thống điều hòa nhiệt độ, đèn chiếu sáng và bảng hiệu. Tuy nhiên, không có máy nào bị hư hỏng nặng hoặc có dấu hiệu cố gắng phá hủy để lấy tiền bên trong.

Tại Đồng Nai, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh cho hay, trong hai ngày 13 - 14/5 có 24 máy ATM của các TCTD bị đập phá, hư hỏng không hoạt động được. Tất cả các máy ATM này được các TCTD đặt trong trụ sở của 23 công ty có vốn đầu tư của Trung Quốc và Đài Loan, phục vụ việc rút tiền lương của công nhân trong công ty và nội bộ khu công nghiệp.

Ông Tuấn cho hay, ngoài việc các máy ATM bị đập phá như trên thì tài sản cơ sở vật chất của các TCTD trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không bị ảnh hưởng gì.

Chiều 15/5, ông Trịnh Ngọc Khánh, Tổng giám đốc Agribank, vừa trở về sau khi làm việc với hệ thống Agribank khu vực Đông Nam bộ cho biết, có 2-3 trạm máy ATM của ngân hàng này trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương bị đập phá. Thiệt hại trực tiếp không đáng kể bởi các máy ATM chỉ bị vỡ cửa kính bên ngoài. Tuy nhiên, do tâm lý hoang mang nên trong vòng 3 ngày vừa qua, lượng tiền khách hàng rút ra thông qua thẻ ATM hoặc sổ tiết kiệm có biến động khác thường.

“Trong 4 chi nhánh ở Bình Dương, có chi nhánh người dân rút ra 3-4 tỷ đồng”, ông Khánh nói và cho biết thêm: chi nhánh Agribank Sóng Thần có khoảng 10 khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài có quan hệ tín dụng với Agribank với dư nợ khoảng 300 tỷ đồng. Hiện các doanh nghiệp này đã bị đập phá, hư hại nặng về cơ sở vật chất, nên tạm thời đóng cửa, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của chi nhánh Agribank này.

Theo ông Bùi Văn Nu, NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương đã làm việc với UBND tỉnh để có những can thiệp giúp đỡ các doanh nghiệp bị đập phá phục hồi sản xuất. Các TCTD dán thông báo tại các điểm giao dịch ATM đã bị đập phá để hướng dẫn người dân chuyển sang rút tiền ở các máy ATM khác. Song song đó, NHNN tỉnh cũng chỉ đạo các ngân hàng nhanh chóng thống kê lượng dư nợ tín dụng với các doanh nghiệp bị thiệt hại trong các ngày qua. Từ thống kê này sẽ có kiến nghị với chính quyền địa phương phối hợp với chủ DN là nhà đầu tư nước ngoài giải quyết phù hợp.

Trong khi đó, mặc dù lượng tiền mặt được người dân rút ra trong thời điểm 2-3 ngày qua tại địa bàn tỉnh Đồng Nai tương đối lớn, nhưng các TCTD duy trì hoạt động ngân hàng một cách bình thường. Ông Trần Quốc Tuấn cho biết, công tác tiếp quỹ cho các máy ATM vẫn đáp ứng đủ nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng, không để tình trạng thiếu tiền ở các máy ATM phục vụ giao dịch gửi và rút tiền của người dân.

Ông Bùi Văn Nu: “Hầu hết các công ty trả lương từ cuối tháng đến khoảng ngày 5 tháng sau. Ngay sau khi trả lương thì phần lớn công nhân đã tranh thủ rút tiền. Vì thế, sức ép rút tiền mặt của công nhân từ các máy ATM không lớn. Còn việc người dân hoang mang, rút tiền để mua vàng và mua USD là do tâm lý. Sau khi chính quyền ổn định tình hình trở lại, các ngân hàng chủ động giải thích, tuyên truyền cho khách hàng hiểu và an tâm đối với tiền gửi tại ngân hàng thì mọi việc sẽ không có nhiều xáo trộn”.

Theo Thạch Bình

trangntm

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên