Các NHTM nhà nước phải duy trì 2% số tiền gửi tại Ngân hàng CSXH
Số dư nguồn vốn huy động bao gồm tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, các hình thức nhận tiền gửi khác của cá nhân, tổ chức (trừ TCTD).
Ngày 19/11/2013, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã ban hành thông tư số 23/2013 quy định việc các TCTD phải duy trì số tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội và thay thế Thông tư 04/2013 ngày 24/2/2013 của Thống đốc hướng dẫn các TCTD nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH. Thông tư 23/2013 có hiệu lực từ ngày 2/1/2014.
Theo đó, hàng năm, các TCTD Nhà nước bao gồm các NHTMNN và các NHTMCP do Nhà nước sở hữu 50% vốn điều lệ (hiện có Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, MHB) phải duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng VND tại thời điểm 31/12 năm trước, theo quy định tại khoản 2 điều 8 của Nghị định 78/2002 ngày 4/10/2012 của Chính phủ về tín dụng với người nghèo và đối tượng chính sách.
Số dư nguồn vốn huy động bao gồm tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, các hình thức nhận tiền gửi khác của cá nhân, tổ chức (trừ TCTD).
Lãi suất tiền gửi của các TCTD nói trên sẽ bằng lãi suất bằng VND bình quân chung của các TCTD nhà nước tại thời điểm 31/12 năm trước và chi phí huy động vốn bình quân (tối đa là 1,35%/năm).
Trường hợp lãi suất huy động vốn của các TCTD nhà nước có sự biến động lớn so với lãi suất tại thời điểm thông báo trước đó, NHNN xem xét điều chỉnh mức lãi suất huy động vốn bằng VND bình quân chung trên cơ sở đề nghị của TCTD đó hoặc NHCSXH và thông báo cho các bên liên quan xác định lãi suất tiền gửi trong thời gian còn lại của năm.
Thông tư cũng quy định các nội dung về quy trình, thủ tục gửi tiền tại NHCSXH, việc các TCTD nhà nước gửi biểu số dư nguồn vốn huy động và lãi suất huy động đối với từng kỳ hạn bằng VND để làm cơ sở tính toán và thông báo mức lãi suất huy động vốn bằng VND bình quân chung của các TCTD nhà nước.
Thành Hưng