MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cái khó” bó... kỳ vọng!

28-06-2013 - 12:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc ra đời Công ty Quản lý tài sản (VAMC) của các tổ chức tín dụng Việt Nam đang mở ra nhiều kỳ vọng giải quyết được “cục máu đông” nợ xấu tại hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia vẫn còn băn khoăn cho rằng, giữa bối cảnh khó khăn hiện nay “cái khó” sẽ bó... kỳ vọng.

    Vn và cơ chế

    Với khoản nợ xấu trên hệ thống ngân hàng Việt Nam khoảng trên 200 nghìn tỷ đồng, được coi là mảnh đất tiềm tàng và đầy dư địa để VAMC thực hiện sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, băn khoăn của các chuyên gia là hoàn toàn có cơ sở trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bởi đây là một định chế tài chính mới, dù được gửi gắm nhiều kỳ vọng nhưng việc mua bán nợ xấu là vấn đề rất phức tạp, không hề đơn giản và điều quan trọng vẫn là nguồn vốn.

    Lo ngại lớn nhất là nguồn vốn để VAMC hoạt động đã được lý giải là VAMC mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng đồng Việt Nam có thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0%, được sử dụng để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

    Tổ chức tín dụng đã bán nợ xấu hàng năm vẫn phải trích lập dự phòng tối thiểu bằng 20% giá trị mệnh giá trái phiếu. Khi hết thời hạn nếu nợ xấu không được VAMC xử lý thì tổ chức tín dụng phải mua lại khoản nợ xấu bằng chính trái phiếu đặc biệt. Trường hợp nợ xấu được xử lý, tổ chức tín dụng được nhận lại một phần khoản tiền thu được từ việc bán nợ và trả lại trái phiếu cho VAMC. Số trái phiếu đặc biệt này khi cần các tổ chức tín dụng có thể mang lên cầm cố tại NHNN để được tái cấp vốn.

    Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Thực chất có phải NHNN dùng nguồn tiền phát hành thông qua nghiệp vụ cho vay tái cấp vốn để mua lại nợ xấu? Mức cầm cố sẽ là bao nhiêu và lãi suất cho vay tái cấp vốn được áp dụng như thế nào với những trái phiếu có lãi suất 0%? Ngoài ra, do phụ thuộc vào hạn mức cho vay tái cấp vốn, kế hoạch cung ứng tiền khi hạn mức hết kế hoạch rồi thì NHNN có cho vay không? Và cho vay có ảnh hưởng đến lạm phát không?... là những băn khoăn đang đặt ra với VAMC.

    Theo phân tích của nhiều chuyên gia, những ngân hàng có nợ xấu cao sẽ nhận được nguồn tiền để tiếp tục tồn tại. Điều này có thể gây ra rủi ro cho nền kinh tế khi tiền được NHNN bơm cho các tổ chức tín dụng để trám lỗ hổng nợ xấu. Mặt khác, giá trị của trái phiếu đặc biệt này có lãi suất 0% thì có ý nghĩa hay không? Bởi về nguyên tắc đã là trái phiếu thì phải có lãi.

    Bên cạnh đó, nợ xấu của doanh nghiệp (DN) tuy đã sạch nhưng muốn vay vốn ngân hàng thì DN vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định như lập dự án, thuyết trình và đặc biệt là phải có tài sản đảm bảo. Không có tài sản đảm bảo thì không thể vay được. Như vậy, VAMC ra đời nhưng vẫn không giải quyết triệt để vấn đề khơi thông vốn cho DN.

    Cn công bng, minh bch

    Một trong những băn khoăn nữa cũng được đưa ra là VAMC được miễn cả hai loại thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng. Vấn đề đặt ra là các DN hoạt động tương tự có được miễn hay không? Nếu ưu ái cho VAMC thì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các DN nói chung và với các DN trong cùng lĩnh vực hoạt động xử lý nợ. Điều không chỉ cả cộng đồng DN mà cả với các cơ quan quản lý cần là sự bình đẳng, công bằng trong nghĩa vụ thuế với nhà nước.

    Ngoài ra, VAMC còn một số đặc quyền khác như: đề nghị tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho mình theo hình thức thỏa thuận nhưng nếu tổ chức tín dụng không bán thì sẽ bị NHNN áp dụng các biện pháp thanh tra, công ty không phải trích lập các khoản dự phòng cho các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, các khoản phải thu từ các tổ chức tín dụng; công ty được tổ chức bán đấu giá tài sản nhưng người đại diện theo pháp luật của công ty không nhất thiết phải là đấu giá viên theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản; công ty được hưởng một tỷ lệ trên số tiền thu hồi các khoản nợ xấu được công ty mua bằng trái phiếu đặc biệt; công ty không phải áp dụng các quy định về đầu tư ngoài ngành của DNNN; công ty hoạt động theo nguyên tắc không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng lại dược hưởng cơ chế lương, thưởng, phụ cấp như DNNN...

    Có một thực tế đã được các chuyên gia kinh tế khẳng định là càng thiếu các quy định bắt buộc bảo đảm an toàn thì nguy cơ rủi ro của Công ty này sẽ càng tăng. Càng nhiều ưu đãi, đặc thù từ các cơ chế, chính sách của Nhà nước thì hiệu quả kinh tế của Công ty càng không được bảo đảm, vì cơ chế bao cấp lại tái diễn, các nguyên tắc của kinh tế thị trường không được áp dụng đầy đủ.

    Cũng vì lý do đó, nguy cơ lạm dụng cơ chế để trục lợi sẽ không được kiểm soát, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ quá trình mua bán những khoản nợ có giá trị rất lớn thì rất có khả năng lợi ích từ việc mua bán khoản nợ này sẽ rơi vào một nhóm lợi ích chứ không vào Nhà nước.

    Một băn khoăn được các chuyên gia đặt ra là, với đặc thù của hoạt động mua bán nợ có tính rủi ro rất cao, thì tổ chức nào sẽ bảo hiểm cho hoạt động của VAMC? Nếu Công ty lỗ thì Nhà nước có tiếp tục cấp bổ sung vốn cho Công ty này hoạt động? Ai sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng về những khoản lỗ này? Đây cũng là những câu hỏi còn bỏ ngỏ…

    Bên cạnh đó, liệu hoạt động của VAMC có “dẫm chân” lên hoạt động của Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), trong khi cả hai DN này đều là DN đặc biệt của Nhà nước? Vấn đề này được ông Phạm Thanh Quang – Tổng giám đốc DATC khẳng định: “Không có chuyện dẫm chân lên nhau, hoạt động của hai DN có những đặc thù riêng. Mặt khác, hiện nay thực trạng nợ xấu quá lớn, một mình DATC không thể làm xuể”.

    Theo ThS. Nguyễn Mai Lê

    hangnt

    Tạp chí Tài chính & Đầu tư số 6 - 2013

    CÙNG CHUYÊN MỤC

    XEM
    Trở lên trên