Cầm vàng chẳng biết cất đâu
Dù 12 ngân hàng đã được cấp phép giữ hộ vàng nhưng đến nay nhiều nhà băng vẫn chưa triển khai lại dịch vụ này và người dân vẫn rất khó khăn trong việc tìm NH nhận giữ vàng.
- 06-08-201312 ngân hàng được giữ hộ vàng
Theo như thông báo phát đi từ NHNN thì người dân có nhu cầu giữ hộ vàng có thể gửi tại 12 NH được phép giữ hộ vàng, gồm 5 NHTM nhà nước là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, MHB và 7 NHTMCP bao gồm ABBank, VietCapital Bank, BaoVietBank, TienPhongBank, LienVietPostBank, ACB và MB.
Trong số 12 NH này chỉ có ACB là đơn vị vừa được cấp phép, còn lại đa phần các NH không phải xin cấp phép vì giấy phép kinh doanh đã có đăng ký nghiệp vụ “quản lý tiền mặt, tư vấn NH, tài chính; các dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn” theo quy định tại Luật các TCTD.
Tuy nhiên, đến nay các NHTM trên vẫn chưa triển khai lại dịch vụ này và người dân vẫn rất khó khăn trong việc tìm NH nhận giữ vàng. Theo phản ánh cũng như quá trình tìm hiểu thực tế, trong số 7 NH cổ phần được cho phép giữ hộ vàng, hiện nay chỉ có ba NH là Tiên Phong, Bưu điện Liên Việt, và Á Châu (ACB) có cung cấp dịch vụ này. Bốn NH đã được cho phép là An Bình, Bản Việt, Bảo Việt và Quân đội vẫn chưa nhận giữ hộ vàng cho khách hàng cá nhân. Còn tại các NHTM nhà nước thì VietinBank có triển khai dịch vụ giữ hộ vàng, nhưng chỉ ở trụ sở chính của các chi nhánh, tức khách hàng không thể gửi vàng tại các phòng giao dịch của NH này. Mức phí VietinBank đưa ra là 2.000 đồng/chỉ/tháng và mức tối thiểu là 30.000 đồng/tháng. Vietcombank cũng vẫn chưa triển khai dịch vụ này.
Các NHTMCP khác trước đây thực hiện huy động vàng nhiều như Đông Á, Eximbank, Sacombank, Việt Á… thì vẫn chưa được phép giữ hộ vàng cho khách hàng cá nhân. Các khách hàng trước đây gửi vàng tại các NH trên hiện nay vẫn tiếp tục được NH giữ hộ, tuy nhiên nếu đem thêm vàng mới vào để giữ thì không được.
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, mặc dù mức phí từ giữ hộ vàng không đáng kể, nhưng khách hàng đã đến NH gửi vàng tức tin tưởng NH thì cơ hội để họ có thể sử dụng thêm nhiều dịch vụ khác như tiết kiệm, chuyển tiền… là cao, đồng thời NH có thể mở rộng mạng lưới khách hàng của mình.
Trong khi đó, câu hỏi về vấn đề khi nào thì mới có phương án huy động vàng trong dân vẫn chưa có câu trả lời. Chỉ trong vòng 4 tháng tổ chức đấu thầu, NH Nhà nước (NHNN) đã bán ra thị trường hơn 50 tấn vàng. Tuy nhiên, thị trường đang như cái thùng không đáy, trong khi khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới vẫn tiếp tục níu giữở mức cao. Điều này đang càng làm cho người dân cảm thấy mất dần niềm tin với những lời hứa của người điều hành.
Vàng vẫn đang hút một lượng tiền rất lớn, thêm vào đó vẫn có khoảng 300-500 tấn vàng đang nằm trong dân từ trước tới nay, rõ ràng đồng tiền đang bị nằm chết, không chảy vào được sản xuất kinh doanh, không mang lại giá trị vật chất cho xã hội. Theo giới chuyên gia, NHNN nên nhanh chóng đưa ra đề án huy động vàng trong dân để chuyển lượng vốn vàng trong dân thành vốn phục vụ phát triển kinh tế.
Hiện đang có nhiều ý kiến về cách thức huy động vàng trong dân. Nhưng vấn đề quan trọng là NHNN cần phải sớm triển khai đề án này, bởi thời điểm này nền kinh tế đã rất cần vốn. Nếu huy động được lượng vốn này chúng ta không phải đi vay nợ nước ngoài, cũng như không để cho lượng vốn ngày càng “phình to” nằm chết một chỗ.
Theo Gia Miêu