Cẩn trọng với tỷ giá
Sự tăng giá của USD trên thị trường quốctế và cả trên thị trường giao dịch “tựdo” của VN khiến nhiều DN lo ngại việc phá giá hay không phá giá đồng VN, đềucó thể tác động đến hoạt động kinh doanh của họ.
- 24-03-2015Tỷ giá biến động, khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn nhà điều hành chính sách
- 23-03-2015Tỷ giá cứu con nợ
- 19-03-2015Hiện tại có nên điều chỉnh tỷ giá?
- 18-03-2015Biến động tỷ giá USD và Euro, DN xuất nhập khẩu lo lắng
Trên thị trường quốc tế, ngược chiều với đà tăng phi mã của USD liên tục suốt 8 tháng, nhiều đồng ngoại tệ mạnh và có liên quan đến các thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN, cũng đã có mức sụt giảm đáng kể.
Cuộc đua trái chiều
Cụ thể, theo Morgan Stanley, kể từ đầu tháng 3/2015, đồng USD đã tăng 3,8% so với một giỏ những đồng tiền chủ chốt, với mức tăng 2 tuần mạnh nhất kể từ tháng 5/2010. Và mặc dù trong một vài ngày gần đây, đồng USD có dấu hiệu chững lại, nhưng đà tăng dự phóng vẫn được kì vọng chưa thể lập tức đổi chiều.
Việc đồng USD có còn tiếp tục nhảy múa trên bàn tiệc tăng giá nữa hay không, và EUR hay JPY liệu có tiếp tục đà mất giá… đang trở thành đề tài nghiên cứu đầy thách thức, với những dự báo cho kết quả thậm chí trái ngược nhau, của những tổ chức tài chính hàng đầu thế giới.
Trong khi các đồng tiền ngoại tệ mạnh “điên cuồng” chuyển động trên thị trường quốc tế thì ở VN, đồng USD trên thị trường tự do tuy có nổi sóng, nhưng sóng cũng chỉ dừng ở mức… “lăn tăn”. Có thể nói ở VN, sức nóng của đồng USD dường như đang được ghìm giữ bởi một tảng băng lạnh, và tảng băng đó có thể cản được sức nóng hun táp của đồng USD, để giữ cho đồng nội tệ đang neo vào USD có thể được “thả nổi” ở một biên độ hẹp hay không, cũng trở thành câu hỏi khó.
Tảng băng được ví von đó chính là ý chí của nhà điều hành tiền tệ - NHNN. Phát biểu của tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2015 diễn ra sáng ngày 24/12/2014 tại Hà Nội, Thống đốc NHNN cho biết: “Năm 2015, sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu giữ ổn định tỷ giá USD/VND, tương tự như định hướng đã đưa ra ba năm qua. Một trong những mục tiêu trong năm tới, NHNN sẽ giữ ổn định thị trường ngoại hối và mức điều chỉnh không quá 2%. Việc điều hành ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, bảo đảm giá trị đồng VN, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp quản lý thị trường vàng theo đó tiếp tục là một trong tám nhiệm vụ và lĩnh vực trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2015”.
Trên thực tế việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN trong hai năm gần đây, với ý chí giữ yên tỷ giá được đánh giá rất cao. Do đó, dự báo tương lai của hầu hết các chuyên gia, mặc dù khá quan ngại về khả năng độ căng của dây neo này càng căng hơn nếu đồng USD trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, vẫn là NHNN có thể đủ lực để giữ cam kết thả nổi tỷ giá trong biên độ còn lại của năm, khoảng 1%.
DN: Lợi và hại
Ông Trần Chu - chủ DN tư nhân xuất khẩu cà phê cho biết, không chỉ cà phê mà nói chung, các DN xuất khẩu nông sản, giày dép, dệt may, thủy sản… của VN hiện nay đa phần đều sử dụng thanh toán bằng đồng USD. Do đó, nếu phá giá với biên độ lớn, đồng USD có thể trở nên khan hiếm và DN sẽ bị tăng chi phí vốn khi vay đồng USD.
“Những DN xuất khẩu thẳng vào các thị trường Châu Mỹ La Tinh, có nguồn thu bằng chính đồng USD về lý thuyết thường sẽ có lợi khi phá giá VND. Thực tế chưa hẳn vì đổi lại nguồn nhập hàng, nguyên liệu, thậm chí ngay cả nguyên liệu thô nội địa cũng sẽ điều chỉnh giá tăng. Riêng với các thị trường, rất ít DN sử dụng đồng EUR hay thậm chí JPY, trừ phi đối tác yêu cầu và DN có quan hệ thanh toán thương mại hai chiều cả xuất và nhập. Những DN sử dụng thanh toán bằng đồng EUR hay JPY, lại sẽ càng phải cẩn trọng bởi sự chuyển động/thay đổi của các đồng tiền này là khó lường. Tôi được biết có DN trên sàn niêm yết vay vốn bằng đồng JPY, lãi hàng trăm tỷ đồng khi đồng tiền này xuống giá nhưng không biết mức độ lãi đó có đủ bù đắp thời gian lỗ khi đồng JPY tăng cao trước đây. Nhìn chung theo tôi sử dụng bảo hiểm tỷ giá khi vay tín dụng ngoại tệ ở các NH trở thành yêu cầu không thể thiếu của DN xuất khẩu, đặc biệt cho các hạng mục tín dụng trung và dài hạn”, ông Chu nói.
Đồng quan điểm, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP HCM (SLA) cũng cho rằng đối với ngành Dệt may, Da giày, thị trường EU chiếm tới 1/3 lượng hàng nhập khẩu của DN thuộc SLA. Do đó, các DN bán vào thị trường EU có thể chịu thiệt về tỷ giá nếu được thanh toán bằng đồng EUR và phải đổi sang USD. “Xuất khẩu vào EU của các DN SLA đang chững lại. Nếu DN chấp nhận đàm phán lại giá bán hiện nay, trong tương lai khi đồng EUR lên giá trở lại, việc đàm phán nâng giá sẽ khó khăn và nếu không thực hiện được, DN cũng thiệt hại”, ông Kiệt khẳng định.
Ở chiều nhập khẩu, theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM cho rằng lợi của các DN nhập hàng từ thị trường EU, hay Nhật Bản, có thể sẽ được một phần do hàng hóa giảm giá. Song DN vẫn phải mua USD để thanh toán cho các DN bán hàng, nếu không đàm phán thanh toán được bằng đồng bản tệ của nước nhập hàng. Như vậy lợi ích cũng chỉ cục bộ do lượng hàng nhập từ EU về VN hiện không lớn. Ngoài ra, có một điều thấy rõ là ở lĩnh vực du lịch - mũi nhọn công nghiệp không khói ở VN, với sự sụt giảm của đồng EUR, dự báo lượng khách du lịch vào VN sẽ giảm đi đáng kể.
Cần lưu ý rằng phá giá tiền đồng đối với một nền kinh tế có tỉ lệ nội địa hóa thấp như VN, và xuất khẩu dựa trên nền tảng ít giá trị sản xuất thặng dư khi tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu còn chiếm cơ số lớn, thì cái lợi chưa hẳn đã chỉ nghiêng về bề mặt rằng chính sách “đồng tiền yếu” sẽ thúc đẩy tăng xuất khẩu của cả nước. Có lẽ, các nhà điều hành cũng đã có những “bài tập” lượng hóa đầy đủ cái lợi, cái thiệt của từng ngành, nghề, của từng lĩnh vực kinh tế và toàn thị trường khi đứng trước những áp lực/thách thức về điều chỉnh và thả nổi tỷ giá.
Nền tảng từ cơ cấu nền kinh tế
Đầu tháng 3/2015, Morgan Stanley hay JP Morgan Chase đều nâng dự báo về việc giảm giá của đồng Euro và đồng nội tệ tại các thị trường mới nổi, bao gồm Nhân dân tệ của Trung Quốc và Lira của Thổ Nhĩ Kỳ, do sự tăng trưởng vượt dự đoán của thị trường lao động Mỹ và chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, đồng nghĩa dự báo đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá từ đây đến cuối năm thì nhiều nhà nghiên cứu quốc tế lại dự báo đồng EUR có thể sẽ trở lại mạnh mẽ hơn trong quý IV.
HSBC, trong bản nghiên cứu và dự báo của mình mới đây cũng cho rằng mặc dù cuộc đua (giữa đồng USD và EUR) vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc nhưng những yếu tố nền tảng cho thấy thị trường đã hạ nhiệt ở bên ngoài nước Mỹ và đang đánh giá chưa đúng mức những tác động có thể có của việc tăng trưởng nội địa (ở Mỹ) bị chậm lại.
Mọi dự báo của tổ chức kinh tế hàng đầu nhìn chung, đều dựa trên các tương quan của các đồng ngoại tệ và cơ sở của các nền kinh tế, trong đó, các quyết định của FED tới đây có thể sẽ là chìa khóa phá giải những ẩn số điều chỉnh của đồng USD, trong tương quan với các đồng ngoại tệ mạnh khác cũng như vàng, dầu và hàng hóa cơ bản.
Trong khi đó, FED dù đánh giá cao sự cải thiện của thị trường lao động và kinh tế, cũng như thừa nhận trong dài hạn, nền kinh tế Mỹ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá dầu lao dốc và các nền kinh tế lớn trên thế giới tăng chậm sẽ đẩy USD tăng giá, gây tác động tiêu cực đến xuất khẩu và lạm phát, nhưng vẫn quyết giữ nguyên chính sách lãi suất hiện tại. Điều đó có thể sẽ làm đồng USD trong trước mắt giảm bớt lực hút đối với giới đầu tư cũng như tác động đến dự định nới lỏng các biện pháp chính sách tiền tệ để hạn chế sự mất giá của bản tệ do USD tăng giá liên tục của nhiều NHTW. Trong bối cảnh này, sự nới lỏng tiền tệ một cách linh hoạt của NHNN VN cũng không thể thiếu yếu tố cẩn trọng. Ở một mức độ nào, hiện thả nổi tỷ giá vẫn khó thoát rào biên độ và cần đặt trên nền tảng thực tại của cơ cấu nền kinh tế.
>>> Nếu tỷ giá nới thêm 1%, nợ nước ngoài sẽ tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng
Theo Lê Mỹ