CEO GP.Bank: “Trong tái cơ cấu, NHNN có những phương án dự phòng là bình thường”
Nói về thông tin NHNN có thể mua lại GP.Bank như VNCB, ông Phạm Quyết Thắng, TGĐ của ngân hàng cho biết ở góc độ cơ quan quản lý, việc NHNN phải có những phương án dự phòng khác là chuyện bình thường nhằm đảm bảo an toàn của cả hệ thống trong việc tái cơ cấu các NHTM.
- 28-02-2015OceanBank và GPBank sẽ là trường hợp tiếp theo được quốc hữu hóa như VNCB?
- 05-02-2015Ông Cao Sĩ Kiêm: Để xảy ra tình trạng như VNCB thì NHNN cũng có một phần trách nhiệm
- 04-02-2015Luật sư nói gì về quyền lợi cổ đông trong vụ NHNN mua lại toàn bộ cổ phần VNCB giá 0 đồng?
Tuần trước, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh đã trả lời báo chí rằng cơ quan này đã có kế hoạch xử lý cụ thể với các trường hợp ngân hàng yếu kém như Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank), Ngân hàng Đại dương (OceanBank). Theo đó, GPBank có thể sẽ được quốc hữu hóa giống trường hợp Ngân hàng Xây dựng VNCB (mua lại với giá 0 đồng).
Sau thông tin này, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Ngân hàng GP.Bank, ông Phạm Quyết Thắng – Tổng giám đốc ngân hàng cho biết hiện nay GP.Bank đang tái cơ cấu theo đúng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
PV: Thưa ông, GP.Bank là 1 trong 9 ngân hàng phải tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN từ 2012, vậy đến nay lộ trình tái cơ cấu của ngân hàng đã đi đến đâu?
Ông Phạm Quyết Thắng: Mục tiêu của tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại là để các ngân hàng thương mại lớn mạnh hơn, hoạt động an toàn hơn, có khả năng chống chọi tốt hơn với những rủi ro của thị trường và phục vụ khách hàng ngày càng được tốt hơn. Đây là chủ trương rất lớn và rất đúng đắn của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Trong thời gian qua, GP.Bank đã quyết liệt thực hiện việc tái cơ cấu ngân hàng theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Những khó khăn chung xuất phát từ khủng hoảng kinh tế đã dần được khắc phục và giải quyết, GP.Bank đang hoạt động ổn định, phát triển và ngày càng được khách hàng tin tưởng.
Thời gian vừa qua ngoài nhiều đối tác nước ngoài, trong nước đến tìm hiểu và họ đã nhận thấy GPBank là ngân hàng ổn định, có những nền tảng cơ bản rất tốt nên đã quyết định đầu tư. GP.Bank đã lựa chọn được một số đối tác trong nước có tiềm lực kinh tế, có khả năng và kinh nghiệm quản lý, điều hành. Với quyết tâm của các bên dưới sự chỉ đạo của NHNN, tôi tin tưởng mọi công việc sẽ hoàn tất trong thời gian tới.
Gần đây xuất hiện thông tin GP.Bank có thể sẽ được NHNN mua lại giá 0 đồng/cổ phiếu như VNCB, điều đó có phải là sự thực?
Về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, GP.Bank nghiêm chỉnh chấp hành tuyệt đối và nỗ lực hết mình để công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thành công.
Tôi cho rằng, ở góc độ cơ quan quản lý, việc NHNN phải có những phương án dự phòng khác là chuyện bình thường nhằm đảm bảo an toàn của cả hệ thống trong việc tái cơ cấu các NHTM, cá nhân tôi cũng như ban lãnh đạo ngân hàng luôn đánh giá cao sự hỗ trợ, giúp đỡ của NHNN. Về phía GP.Bank, như tôi cũng đã trao đổi bên trên, ngân hàng đã lựa chọn được những cổ đông mới, đủ năng lực tài chính cũng như năng lực quản trị để câu chuyện tái cơ cấu của GP.Bank thành công.
Còn những tin đồn về việc sáp nhập, mua lại với UOB (thất bại) hay một ngân hàng cổ phần trong nước khác (LienVietPostBank) thì sao thưa ông?
Thị trường vẫn ví von một thương vụ mua bán, hợp nhất, sáp nhập cũng giống như một cuộc hôn nhân. Vì thế cả hai bên cần tìm hiểu kỹ để chuẩn bị cho mình tâm thế vững vàng, những kỹ năng cần thiết trước khi bước vào cuộc sống gia đình, xác định sống chung phải biết hoà hợp… Người ta cũng thường nói bất kỳ một mối quan hệ nào đó tồn tại thì chắc chắn đó là duyên, nhưng ở bên nhau được hay không thì còn chờ ở phận nên việc không đi đến ký kết được với các đối tác này của GP.Bank được hiểu như dù đã “có duyên” nhưng chưa “có phận”. Với UOB, chúng tôi đã có thời gian tìm hiểu khá kỹ càng tuy nhiên do lợi ích quốc gia và của GP.Bank chưa được đối tác đánh giá hợp lý nên thương vụ chưa thành công.
Việc GP.Bank thực hiện tái cơ cấu thì quyền lợi của cổ đông và khách hàng như thế nào?
Chủ trương tái cơ cấu các ngân hàng của Đảng và Chính phủ là để các ngân hàng mạnh lên và phục vụ khách hàng được tốt hơn nên việc tái cơ cấu GP.Bank sẽ không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các khác hàng mà trái lại chúng tôi sẽ có điều kiện phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Hiện thanh khoản của cả hệ thống nói chung và của riêng GP.Bank đều rất tốt, ngoài ra 100% các khoản tiền gửi tiết kiệm của khác hàng đều đã được ngân hàng mua bảo hiểm tiền gửi nên khách hàng hoàn toàn có quyền yên tâm với tài sản của mình.
Vậy kế hoạch trước mắt và trung dài hạn của GPBank là gì thưa ông?
GP.Bank tiếp tục tập trung thực hiện tái cơ cấu theo sự chỉ đạo và hướng dẫn sát sao của NHNN, bên cạnh đó chúng tôi vẫn hoạt động theo định hướng ngân hàng bán lẻ, cung cấp các dịch vụ đa năng, tiện ích phục vụ khách hàng.
Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!
Tùng Lâm (thực hiện)