Chân dung các ứng viên vào Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ mới
Sáng mai 15/12, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để bầu nhân sự cấp cao nhiệm kỳ 2015 – 2020, sau khi nhiệm kỳ cũ đã qua thời hạn 5 năm từ hồi tháng 4.
Còn nhớ tại Đại hội của nhà băng này hồi tháng 7, dù các nội dung chỉ về kết quả hoạt động 2014 và kế hoạch 2015, nhưng những thảo luận “nảy lửa” giữa cổ đông và lãnh đạo ngân hàng đã khiến cho đại hội phải kéo dài từ 8h30 sáng cho đến tận gần 17h chiều – một đại hội dài nhất trong số các đại hội cổ đông của doanh nghiệp từ trước tới nay.
Và đại hội bất thường lần này cũng được dự báo sẽ khó diễn ra chóng vánh, khi mà vấn đề lựa chọn nhân sự cấp cao của Eximbank được cho là có nhiều khó khăn trong suốt 8 tháng qua.
Trước thềm đại hội đúng 1 tuần, ngân hàng đã công bố kết quả kiểm phiếu với 8 ứng viên vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ này.
Ông Cao Xuân Ninh được nhóm cổ đông với tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết 11,287% đề cử (1 cổ đông tổ chức với tỷ lệ 8,235% và 5 cổ đông cá nhân có tỷ lệ 3,052%).
Chiếu theo danh sách cổ đông lớn của Eximbank thì cổ đông tổ chức nắm giữ 8,235% vốn của nhà băng này hiện nay không phải ai khác mà chính là Vietcombank. Như vậy, ông Cao Xuân Ninh là đại diện của Vietcombank và một nhóm cổ đông cá nhân, tổng cộng chiếm hơn 11,2% cổ phần có quyền biểu quyết.
Với cổ đông nhỏ lẻ thì cái tên Cao Xuân Ninh dường như mới mẻ. Nhưng chắc hẳn nhiều người cũng biết rằng ông Ninh hiện đang phụ trách văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại Tp. Hồ Chí Minh.
Trước khi về NHNN, ông Cao Xuân Ninh từng là cán bộ thanh toán ở Vietcombank, rồi giữ chức trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc tại một số đơn vị như Vietcombank Đà Lạt, Vũng tàu, Tiền Giang, đại diện của Vietcombank tại Hong Kong và gần đây nhất là Giám đốc Vietcombank chi nhánh Kỳ Đồng (TP.HCM).
Trong lần đề cử ứng cử vào HĐQT hồi tháng 3 (chuẩn bị cho ĐHCĐ dự kiến vào tháng 4) tên ông Ninh không có trong danh sách ứng cử.
Ông Naoki Nishizawa là đại diện đối tác chiến lược Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) tại Eximbank với tỷ lệ cổ phần 10,05%. Ông tham gia Hội đồng quản trị của Eximbank với chức vụ phó chủ tịch HĐQT từ năm 2011 tới nay.
Lưu ý rằng, SMBC hiện đang sở hữu 15% vốn của Eximbank, tuy nhiên ông Nishizawa chỉ tham gia ứng cử với phần vốn đại diện cho 10,05%, tức chưa đến 70% vốn mà đối tác này đang hiện diện ở Eximbank.
Trước đó, ông Naoki Nishizawa từng giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Khối ngân hàng doanh nghiệp Tokyo, SMBC, Tokyo, Nhật Bản; Phó Chủ tịch cấp cao và Phó Chủ tịch Điều hành Khối ngân hàng Nhật bản - Châu Á, Phó Chủ tịch Điều hành Khối Kế hoạch Ngân hàng Manufacturers Bank, Los Angeles, Hoa Kỳ; Phó Chủ tịch Điều hành SMBC, Tokyo, Nhật Bản.
Ông Yasuhiro Saitoh do 3 cổ đông tổ chức đề cử với tỷ lệ cổ phần 10,05%. Trước đó trong hồ sơ ứng cử công bố hồi tháng 3, vẫn nguyên tỷ lệ 10,05% nhưng ông Saitoh được 6 cổ đông tổ chức đề cử đại diện.
Ông Đặng Phước Dừa được nhóm cổ đông nắm tỷ lệ 10,322% đề cử (trong đó gồm 6 tổ chức nắm tỷ lệ 5,258% và 58 cá nhân nắm tỷ lệ 5,064%).
Ông Dừa sinh năm 1960, tham gia vào HĐQT của Eximbank từ năm 2014 khi ông được 15 cá nhân đề cử vào ĐHCĐ thường niên của ngân hàng này với phần vốn đại diện 10,57% số cổ phần có quyền biểu quyết. Song cái tên Đặng Phước Dừa dường như gắn liền với DongABank nhiều hơn, ông chia tay DongABank vào tháng 3/2014 – đúng thời điểm ngân hàng đang phải chống chọi với nhiều khó khăn và “bão dư luận” về việc phát hành thất bại 100 triệu cổ phiếu và phải hủy bỏ kế hoạch tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng. Hiện tại DongABank đang rơi vào diện kiểm soát đặc biệt.
Ông Ngô Thanh Tùng do 5 cổ đông tổ chức nắm tỷ lệ 9,127% và 2 cổ đông cá nhân nắm 1,067% cổ phần có quyền biểu quyết đề cử. Thông tin về ông Thanh Tùng vẫn khá mờ nhạt trên thị trường và ông cũng là cái tên xuất hiện mới trong lần đề cử ứng cử lần này. Hồi tháng 3 khi ngân hàng gửi thông tin tới cổ đông về danh sách ứng cử không có ông Tùng.
Ông Trần Ngô Phúc Vũ được nhóm cổ đông gồm 7 tổ chức nắm giữ 6,793% và 33 cá nhân nắm giữ 3,724% đề cử. Ông Vũ nguyên là Tổng giám đốc của Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank). Dù mới về Nam Á được 2 năm cho đến khi từ nhiệm để ứng cử vào Eximbank hồi tháng 3 năm nay (chuẩn bị cho đại hội vào tháng 4) song ông Vũ với vai trò là “thuyền trưởng” đã đưa con tàu Nam Á tiến lên mạnh mẽ. Bên cạnh hoạt động kinh doanh đi lên ấn tượng, thương hiệu và hệ thống mạng lưới của Nam A Bank cũng được mở rộng đáng kể. Năm 2014 ông Vũ được Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM trao danh hiệu Doanh nhân Tp.HCM tiêu biểu năm 2014, và sau đó được Trung tâm Văn hóa Doanh nhân VN trao giải thưởng Doanh nhân văn hóa xuất sắc thời kỳ đổi mới.
Trước đó, ông Vũ cũng có thời gian dài công tác tại Sacombank ở vị trí là Giám đốc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, một thời gian làm đặc phái viên của HĐQT Sacombank và là “hạt giống” cho chức vụ CEO của nhà băng hiện đứng số 1 hệ thống các ngân hàng cổ phần Việt Nam này.
Ông Trần Ngọc Tâm do nhóm cổ đông gồm 14 tổ chức nắm giữ 9,914% và 22 cá nhân nắm giữ 1,808% đề cử. Ông Tâm cũng xuất thân từ ngân hàng Nam Á trên ghế Phó Tổng giám đốc, từ nhiệm cùng thời điểm với ông Phúc Vũ để gia nhập Eximbank.
Ông Trần Ngọc Tâm là thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học UBIS Thụy Sỹ. Ông có hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, từng kinh qua nhiều vị trí trọng yếu tại một số tổ chức kinh tế có uy tín. Ông Tâm công tác tại Nam A Bank từ năm 2003 và lên làm Phó Tổng giám đốc của ngân hàng này kể từ tháng 2 năm 2008.
Dưới thời điều hành của ông Tâm và ông Vũ, Nam A Bank được Thống đốc NHNN trao tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc năm 2013, sau đó là Doanh nghiệp mạnh và phát triển bền vững năm 2014…
Cuối cùng trong danh sách 8 ứng cử viên vào HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ 2015 – 2020 là ông Phạm Hữu Phú. Ông được 3 cổ đông tổ chức nắm tỷ lệ 3,041% và 21 cá nhân nắm tỷ lệ 7,014% đề cử. Ông Phú công tác tại Eximbank trong thời gian dài, sau đó được "đặc phái" sang Sacombank với vai trò là đại diện vốn của Eximbank tại Sacombank và ông trở lại Eximbank trên cương vị thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc nhà băng này từ năm 2014.
Dẫu vậy, trong biên bản kiểm phiếu của Eximbank gửi tới cổ đông tuần qua có lưu ý, dù ông Phạm Hữu Phú được đề cử vào HĐQT nhưng ông xin rút khỏi danh sách. Trước đó, ông Phú cũng từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc của nhà băng này sau khi hết hạn được giao nhiệm vụ (thời hạn 1 năm).
Như vậy trong nhiệm kỳ mới của Eximbank sẽ có 7 ứng cử viên vào Hội đồng quản trị. Ông chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng đương nhiệm đã xin rút khỏi nhiệm kỳ mới tại đại hội của nhà băng này hồi tháng 7, bên cạnh việc thành viên kiêm Tổng giám đốc Phạm Hữu Phú cũng sẽ không tham gia điều hành, quản trị ngân hàng.
Trí Thức Trẻ