Chi nhánh Ngân hàng phát triển ngụy biện
Phiên tòa sơ thẩm, TAND TP.Thanh Hóa tuyên buộc Chi nhánh VDB Thanh Hóa phải bồi thường trên 26,3 tỉ đồng cho Cty Tây Đô. Thế nhưng, Chi nhánh VDB Thanh Hóa lại thoái thác trách nhiệm.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa (Chi nhánh VDB Thanh Hóa) dừng giải ngân cho Cty Tây Đô trái quy định của pháp luật gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế. Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP.Thanh Hóa tuyên buộc Chi nhánh VDB Thanh Hóa phải bồi thường trên 26,3 tỉ đồng cho Cty Tây Đô. Thế nhưng, Chi nhánh VDB Thanh Hóa lại thoái thác trách nhiệm.
Vi phạm hợp đồng
Căn cứ bản hợp đồng số 130 ký ngày 26.12.2009 giữa Chi nhánh VDB Thanh Hóa và Cty Tây Đô thì tổng vốn đầu tư Trường THCS Tây Đô được nâng lên mức 206,606 tỉ đồng; trong đó phía NH phải giải ngân cho Cty Tây Đô vay 144 tỉ đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp (DN) là 62,606 tỉ đồng (tỉ lệ vốn NH là 70%, Cty 30%).
Nhưng đến ngày 9.2.2010, Chi nhánh VDB Thanh Hóa mới giải ngân được 77,422 tỉ đồng tương đương 53% vốn đối ứng thì bất ngờ dừng rót vốn vay khiến dự án bị đình đốn, đẩy DN vào bờ vực phá sản.
Tại bản án sơ thẩm số 04/2013 của TAND TP.Thanh Hóa đã tuyên Chi nhánh VDB Thanh Hóa đã vi phạm khoản 2, điều 5 hợp đồng tín dụng số 130/2009. Trong đơn kháng cáo, Chi nhánh VDB Thanh Hóa cho rằng Cty Tây Đô không làm đề nghị giải ngân nên không có cơ sở để NH “bơm tiền”.
Luật sư bảo vệ quyền lợi Cty Tây Đô cho rằng lập luận ấy là không có căn cứ, ngụy biện cho hành vi sai trái của mình. Cụ thể, tại khoản 2, điều 22 “Quy chế cho vay vốn tín dụng đầu tư của NHPT VN” nêu: “Tổng giám đốc VDB hướng dẫn chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục giải ngân”.
Như vậy nếu Cty Tây Đô không làm hồ sơ đề nghị thì tại sao phía Chi nhánh VDB Thanh Hóa không hướng dẫn, nhắc nhở DN để rồi vì cái thủ tục hành chính tối thiểu đó đáng nhẽ chỉ làm trong vài giờ lại bị ngừng trệ suốt hơn 3 năm qua?
Đồng thời, trong hàng chục công văn, biên bản họp giữa hai bên, phía Chi nhánh VDB Thanh Hóa lại không một lần đề cập đến vấn đề này?
Cty Tây Đô luôn đảm bảo tiến độ
Phía Chi nhánh VDB Thanh Hóa còn đưa ra lý do “tiến độ thi công chậm, khối lượng không đảm bảo” là không đúng. Bởi thực tế, tại phiên tòa sơ thẩm, khối lượng thi công đạt 139,997 tỉ đồng đã được nguyên đơn và bị đơn thừa nhận. Số liệu này có chữ ký, con dấu xác nhận của lãnh đạo hai bên nên có giá trị về mặt pháp lý.
Với khối lượng thi công có giá trị lên tới gần 140 tỉ đồng thì phần vốn của Cty Tây Đô bỏ ra đã là 62,555 tỉ đồng (tương ứng 44,68%), do đó đúng ra phía Chi nhánh VDB Thanh Hóa phải giải ngân hết số tiền 144 tỉ đồng chứ không phải chỉ dừng lại ở con số 77,442 tỉ đồng rồi “đóng băng”.
Và nếu đặt ra giả thiết chấp nhận khối lượng của Chi nhánh VDB Thanh Hóa đưa ra là 116,607 tỉ đồng thì khối lượng đối ứng của Cty Tây Đô cũng đã là 33,6% vượt so với quy định cam kết trong hợp đồng số 130/2009 là 3,6%.
Chi nhánh VDB Thanh Hóa cho rằng phải trừ 5% khối lượng chờ quyết toán là không đúng, bởi vì NH có quyền giữ lại 5% nhưng đây vẫn là khối lượng của Cty Tây Đô. Thậm chí nếu cả 5% thì khối lượng của Cty Tây Đô vẫn là 31%, cao hơn tỉ lệ đối ứng 30%.
Như vậy, việc Chi nhánh VDB Thanh Hóa nêu lý do Cty Tây Đô không đủ khối lượng đề dừng giải ngân là không có căn cứ.
Từ những bằng chứng rõ ràng trên, luật sư Phạm Văn Cương - người bảo vệ quyền lợi cho Cty Tây Đô - cho rằng: Tính đến ngày 22.10.2013 Chi nhánh VDB Thanh Hóa phải bồi thường số tiền cho Cty Tây Đô là 29,7 tỉ đồng (lấy tròn số); phạt Chi nhánh VDB Thanh Hóa vi phạm hợp đồng 33,278 triệu đồng; bác yêu cầu và Cty Tây Đô không chấp nhận trả số tiền lãi 31,757 tỉ đồng mà Chi nhánh VDB Thanh Hóa đòi không có căn cứ. Chi nhánh VDB Thanh Hóa phải tiếp tục giải ngân số tiền còn lại tại hợp đồng số 130/2009 là 66,5 tỉ đồng.
Theo Anh Tuấn