Chi phí xử lý nợ xấu đè lên vai người gửi tiết kiệm
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM).
- 21-05-2015Huy động vốn của các ngân hàng tại TP.HCM giảm sút
- 21-05-2015Tỷ giá lại “phiêu”: Chuyên gia nói gì?
- 21-05-2015Nợ xấu của của Việt Nam: Các chuyên gia nói gì?
Tại hội thảo đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của VN do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng ngày 21-5, ông Nguyễn Tú Anh nói rằng chi phí xử lý nợ đang đè lên vai người gửi tiết kiệm, người vay tiền...
Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, theo nghiên cứu của CIEM mà ông Tú trình bày, hiện VN đang xử lý nợ xấu bằng cách “đẩy nợ xấu vào kho Công ty Quản lý Tài sản VAMC”. Khi VAMC mua nợ xấu, ông Tú Anh cho rằng các ngân hàng vẫn bị “bào mòn” bằng yêu cầu trích lập dự phòng tài chính.
Với cách xử lý này, ông Tú Anh cho rằng các chi phí xử lý nợ xấu sẽ đẩy lên vai người gửi tiền và người đi vay.
“Người gửi thì phải chịu lãi thấp, người vay tiền thì phải chịu lãi suất cho vay cao hơn” - ông Tú Anh cảnh báo. Ông cho rằng nếu không giải quyết rốt ráo, mà chỉ sử dụng công cụ bào mòn như trên thì người gửi tiền và vay tiền sẽ tiếp tục phải chịu cảnh này.
“Đây cũng là lý do khiến tăng trưởng tín dụng không tăng cao” - ông Tú Anh nói.
Có thời điểm thế giới đánh giá khả năng vỡ nợ của VN là 30%
Cũng liên quan tái cơ cấu ngân hàng, đánh giá về dự trữ ngoại hối, ông Nguyễn Tú Anh dẫn nghiên cứu cho biết cuối 2010, dự trữ ngoại hối của VN đã sụt nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 10 tỷ USD.
“Có thời điểm xác xuất vỡ nợ tích lũy của VN được đánh giá lên đến 30% trên thị trường thế giới” - ông Tú Anh nói.
Nhờ thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chống đô-la hóa, giảm thâm hụt cán cân thương mại... dự trữ ngoại hối đã được cải thiện liên tục giúp giảm được chi phí vay của VN trên thị trường thế giới.
Đánh giá về tái cơ cấu nông nghiệp, theo ông Tú Anh, VN đang chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn. Nhưng vấn đề phân phối đầu ra và đầu vào nông nghiệp thì lại chưa đụng đến.
“Nông dân bị lép vế”; “Mọi chi phí đều dồn về nông dân”, “rủi ro thì khâu phân phối không chịu mà dồn cho nông dân chịu” - ông Tú Anh nói.
Về Đề án tái cơ cấu ngành công thương, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng đây chẳng qua là cộng dồn các chương trình tái cơ cấu ngành công nghiệp và thương mại.
“Đề án tái cơ cấu ngành công thương đưa ra nhiều chỉ số chung chung, nên không đánh giá được tái cơ cấu có thành công không. Cũng khó đánh giá, giám sát họ có thực hiện không” - ông Tú Anh nói.