MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiều 27/5: Luật sư cho rằng mức án đề nghị với bị cáo là quá nặng

27-05-2014 - 17:10 PM | Tài chính - ngân hàng

"Nếu ông Kiên bị truy tố tội kinh doanh trái phép thì về sau, CQĐT có thể khởi tố bất kỳ ai tham gia đầu tư chứng khoán trên thị trường và bất kỳ DN nào đã đầu tư góp vốn vào DN khác".

Luật sư Trần Đình Tuấn (VP Luật sư Trung Hòa Nhân Chính) bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh:

Thay mặt thân chủ, luật sư xin gửi lời cảm ơn với ông Nguyễn Đức Kiên. Tại tòa và trong các văn bản gửi cơ quan chức năng, ông Kiên đều xin giảm trách nhiệm cho ông Thanh.

(LS tóm tắt lại lời khai của ông Thanh về hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu HPG của ACBI và CTCP Thép Hòa Phát).

Như vậy, ông Thanh ký hợp đồng chuyển nhượng khi đã có công văn thay thế số cổ phiếu này bằng cổ phiếu Ngân hàng Eximbank - EIB, có văn bản và nghị quyết của HĐQT về việc chuyển nhượng. Việc ông Thanh ký ủy nhiệm chi 264 tỷ là do cô Yến đã đưa cho đủ chứng từ thủ tục của ông Kiên về thanh toán.

Theo điều tra thực tế, đến ngày 7/9, trước khi bị khởi tố và bắt giam 10 ngày, ông Thanh mới biết 264 mình đã ký là để chi cho các hoạt động trên nhưng Hòa Phát chưa nhận được cổ phiếu theo hợp đồng chuyển nhượng. Tôi nhận thấy CQĐT, VKS truy tố ông Thanh việc biết rõ cổ phần đang bị thế chấp nhưng vẫn làm theo ông Kiên nên phạm tội đồng phạm là không khách quan.

Thứ nhất, Trần Ngọc Thanh là giám đốc chi nhánh của công ty quản lý nợ ACB tại Hà Nội, làm giám đốc kiêm nhiệm ở ACBI. Những chữ ký của Thanh là nhiệm vụ của một giám đốc kiêm nhiệm với mức lương 5 triệu/tháng. Việc số cổ phần của ACBI chuyển nhượng cho Hòa Phát đã bị thế chấp ở ACB đã được Hòa Phát biết, thông qua việc phó giám đốc Mai Văn Hà ký xác nhận phong tỏa. Ông Thanh không biết được số cổ phiếu này khi rút ra sẽ được bán cho ai. Việc làm hoàn toàn do chỉ đạo của chủ tịch, mọi thủ tục quy trình đều theo đúng quy định của pháp luật.

Cáo trạng ghi Biên bản họp HĐQT của ACBI là biên bản khống là không chính xác. Biên bản này tuân thủ đúng quy định tại điều 103 Luật Doanh nghiệp.

Mặt khác, Trần Ngọc Thanh tin tưởng rằng sau khi gửi các văn bản đến ACB, ACBS, cùng hệ thống nên thủ tục sẽ đơn giản và với tầm ảnh hưởng của ông Kiên thì số cổ phiếu sẽ được giải tỏa. Trong việc đàm phán hợp đồng, rõ ràng không có sự giao tiếp bàn bạc thống nhất giữa 2 đại diện pháp luật là ông Thanh và ông Kiều Chí Công.

Việc ký hợp đồng 0105 cho người mua là Công ty TNHH MTV Thép Hòa phát, khi HĐQT đã chủ trương thì giám đốc Thanh phải ký hợp đồng. Mọi hồ sơ giấy tờ đều rõ ràng hợp lệ. Mọi thông tin đến người mua đều không do Thanh trao đổi.

Tóm lại, những việc này không xuất phát từ hành vi ý chí của Trần Ngọc Thanh. ACBI, ACBS, ACB, Thép Hòa Phát gắn bó như người một nhà và ông Thanh không nghi ngờ gì cả. Ông Thanh cũng không được hưởng lợi từ hành vi này. Thanh cũng tích cực khai báo thành khẩn, đúng bản chất hành vi của sự việc, không quanh co chối tội để làm sáng tỏ bản chất vụ án.

Luật sư Tuấn kể thêm những tình tiết giảm nhẹ: ông Thanh được tặng nhiều huy chương, bằng khen và danh hiệu cao quý của Nhà nước. Hiện ông Thanh đang có mẹ già ốm nằm liệt giường, gia đình khó khăn, phải đi thuê nhà, ở nhờ. Bản thân ông Thanh mắc bệnh hiểm nghèo như viêm khớp, thiểu năng tuần hoàn máu…


hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên