Chính sách tỷ giá linh hoạt sẽ tốt hơn cho nền kinh tế
Theo nhiều chuyên gia, chế độ tỷ giá cố định có thể dẫn tới “đô la hóa” nền kinh tế, suy giảm niềm tin người dân vào giá trị của đồng nội tệ.
- 12-01-2016Ông Andy Ho: Tôi ủng hộ chính sách tỷ giá mới
- 01-01-2016Có gì mới trong chính sách tỷ giá sắp tới?
- 01-01-2016Ngân hàng, doanh nghiệp nói gì về chính sách tỷ giá mới?
- 31-12-2015Ngân hàng thương mại sẵn sàng đón nhận chính sách tỷ giá theo thị trường
Tại hội thảo về “Kinh tế Việt Nam 2015: cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập mới” vừa diễn ra sáng 13/1, tại Hà Nội, tham luận của nhóm chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (TS. Bạch Ngọc Thắng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng, PGS.TS. Lê Quang Cảnh) đặt vấn đề: Tỷ giá có thực sự giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới?
Tỷ giá cố định có thể gây suy giảm niềm tin vào đồng nội tệ
Các chuyên gia cho rằng, không thể phủ nhận nhiều tác động tích cực trên lý thuyết của chế độ neo tỷ giá cố định (có điều chỉnh) vào USD mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện hơn 20 năm qua. Nổi bật trong đó là giúp ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát lạm phát, và tạo thuận lợi cho các giao dịch với nước ngoài.
Tuy nhiên, chế độ tỷ giá cố định có thể dẫn tới hiện tượng đô la hóa trong nền kinh tế, suy giảm niềm tin của người dân vào giá trị của đồng nội tệ, và làm giảm hiệu lực của chính sách tiền tệ. Hơn nữa, những lần điều chỉnh tỷ giá của NHNN thường là không tiên liệu được, gây xáo trộn các hoạt động kinh tế, khiến doanh nghiệp và người dân rất khó có thể đưa ra được kế hoạch kinh doanh ổn định trong trung hạn.
Chứng minh cho đánh giá này, nhóm chuyên gia phân tích tỷ giá hữu hiệu thực (REER) của Việt Nam và các đối tác thương mại. Số liệu từ năm 1992 đến 2015 cho thấy, chỉ số REER từ năm 2007 tới 2015 gia tăng phản ánh hàng hóa Việt Nam đắt hơn một cách tương đối so với hàng hóa thế giới, do đó có tác động làm suy giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Sự gia tăng mạnh của REER trong giai đoạn 2007-2015 bị chi phối bởi mặt bằng lạm phát trong nước cao hơn so với các đối tác thương mại, khi xu hướng gia tăng của REER khá phù hợp với sự gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong cùng giai đoạn.
Ở chiều ngược lại, NEER (tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa) có xu hướng suy giảm trong giai đoạn 2007-2015, phù hợp với xu hướng mất giá của VND so với USD. Tuy nhiên, kể từ năm 2014 việc đồng USD lên giá so với một loạt các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới do kỳ vọng về bình thường hóa lãi suất của Fed đã khiến cho NEER của Việt Nam gián tiếp tăng trở lại.
Nói chung, theo nhóm chuyên gia này, phân tích về tỷ giá hữu hiệu thực cho thấy, việc giảm giá của VND so với USD dường như chưa đủ mạnh trong giai đoạn 2007 – 2015. Chính điều này làm cho tỷ giá này ngày càng gia tăng mạnh theo thời gian, ảnh hưởng đáng kế đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Chính sách tỷ giá cần thay đổi như thế nào?
Theo nhóm nghiên cứu, cơ chế điều hành tỷ giá của NHNN trong suốt 20 năm vừa qua, đặc biệt là giai đoạn gần đây 2007- 2015, không giúp ích nhiều trong việc gia tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, xu hướng tỷ giá hữu hiệu thực lại bám khá sát Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm vừa qua.
Việc thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá của Việt Nam trong năm 2016, theo nhóm nghiên cứu là, cần được đặt trong hai bối cảnh mới là Nhân dân tệ đã chính thức trở thành đồng tiền dự trữ của IMF và Fed đã chính thức đưa ra lộ trình bình thường hóa (tăng) lãi suất trong giai đoạn 2016-2018.
Các tác giả cho rằng, cơ chế điều hành tỷ giá mới cần có sự linh hoạt nhất định để tránh gây xáo trộn trong kỳ vọng của thị trường, và cần thiết bởi Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Theo đó, cơ chế điều hành tỷ giá mới cần hướng đến sự linh hoạt của tỷ giá, để tỷ giá có vai trò lớn hơn trong việc xác lập cân bằng trên thị trường ngoại hối và cán cân thanh toán. Đặc biệt, cơ chế tỷ giá linh hoạt cũng sẽ giúp triệt tiêu tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, giúp Ngân hàng trung ương có thể độc lập thực thi chính sách tiền tệ nhằm đạt được các mục tiêu quan trọng liên quan đến tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong trung và dài hạn.
Về giải pháp cụ thể, nhóm nghiên cứu đề xuất: Giảm dần việc neo vào USD trong điều hành tỷ giá mà có thể đưa ra một tham chiếu như tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa với một rổ tiền tệ bao gồm các đồng tiền chủ chốt. Tỷ giá này sẽ làm cơ sở cho các cặp tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng. Trước mắt NHNN vẫn cần duy trì biên độ giao động của tỷ giá trong ngày, nhưng cho phép biên độ dần được nới rộng hơn.
Đặc biệt, tỷ giá đóng cửa của ngày hôm trước có thể làm tham chiếu cho tỷ giá mở cửa của ngày hôm sau trên thị trường liên ngân hàng. Tức là tỷ giá có thể thay đổi theo ngày nhưng sẽ vẫn bị “trói” biên độ giao dịch trong ngày. “Nếu NHNN không đưa ra được một cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn thì mục tiêu chống đô la hóa sẽ không đạt được”- nhóm chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, việc thực thi cơ chế tỷ giá mới, theo các chuyên gia này, cần một số điều kiện nhất định: Thứ nhất, NHNN cần duy trì một khối lượng dự trữ ngoại hối đủ lớn để can thiệp khi có những biến động lớn trên thị trường. Thứ hai, cần tăng cường công tác dự báo và kiên định trong việc theo đuổi những mục tiêu dài hạn về lạm phát và tăng trưởng.
Trong đó, điều kiện thứ hai sẽ tạo ra những nền tảng quan trọng cho việc tạo dựng một chính sách tỷ giá mới, hiện đại trong tương lai. Bởi những thay đổi trong chính sách kinh tế vĩ mô cần dựa trên những dự báo tốt để điều chỉnh các kỳ vọng và động cơ trên thị trường, hướng đến việc đạt được những mục tiêu trong dài hạn, thay vì các mục tiêu ngắn hạn và chạy theo những diễn biến trong quá khứ.
VOV