Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB xác nhận thông tin SCIC muốn mua 10% cổ phần của MB
Tại cuộc họp đại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của MB, Chủ tịch Hội đồng quản trị ông Lê Hữu Đức đã xác nhận thông tin SCIC đã đặt vấn đề muốn mua 10% cổ phần của ngân hàng Quân đội.
- 21-04-2015MB sẽ bán 10 – 15% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài
- 21-04-2015ĐHCĐ Ngân hàng MB: Đã nghiên cứu 2 ngân hàng để tính chuyện sáp nhập
- 01-04-2015Mỗi ngày SCIC sẽ phải bán được 1 doanh nghiệp
Gần đây có thông tin Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang thực hiện thủ tục để đầu tư chiến lược vào Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với tỷ lệ sở hữu cổ phần 10%, thông qua phát hành riêng lẻ.
Và sáng nay (ngày 21/4), tại cuộc họp đại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của MB, Chủ tịch Hội đồng quản trị ông Lê Hữu Đức đã xác nhận đây là thông tin chính xác.
“Hiện hai bên đã làm việc bước đầu với nhau. MB đã đưa ra các yêu cầu của mình để SCIC nắm được cụ thể tình hình” – Ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, tiêu chí để trở thành cổ đông chiến lược của MB là hỗ trợ ngân hàng tăng năng lực tài chính, đảm bảo an toàn cho ngân hàng, tăng cường mạng lưới, khách hàng và tăng giá trị gia tăng cho MB.
Theo kế hoạch tăng vốn của MB đã được các cổ đông thông qua thì trong năm nay ngân hàng này sẽ tăng vốn điều lệ từ gần 11.594 tỷ đồng lên 16.000 tỷ đồng (tăng thêm 4.406 tỷ).
Trong đó, MB sẽ chào bán 390.606.250 cổ phiếu cho đối tác chiến lược. Giá chào bán cho cổ đông chiến lược trong nước là giá thoả thuận có chiết khấu giảm, mức giảm tối đa 25% giá thị trường nhưng không thấp hơn mệnh giá.
Nếu cổ đông là đối tác nước ngoài thì giá chào bán là giá thoả thuận trên cơ sở giá thị trường cộng biên độ nhất định nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách cộng với biên độ nhất định.
Thời gian thực hiện từ quý II- quý IV/2015. Nếu không bán hết thì HĐQT dừng đợt chào bán hoặc chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp.
Về phía SCIC, lãnh đạo Tổng công ty này cũng đã từng khẳng định rằng, đầu tư vào ngân hàng là một trong những lĩnh vực SCIC quan tâm.
Ngoài chủ trương đầu tư vào MB, SCIC còn dự kiến mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty tại các ngân hàng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có tập đoàn, tổng công ty nào đặt vấn đề bán lại phần vốn đầu tư tại các ngân hàng cho SCIC.
Theo báo cáo Tổng kết hoạt động năm 2014 của SCIC, các chỉ tiêu kinh doanh của Tổng công ty đều vượt kế hoạch, đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2013, trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt gần 5.645 tỷ đồng, vượt 17% so với kế hoạch và tăng 11% so với năm 2013.
Lợi nhuận sau thuế đạt 5.194 tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch và tăng 14% so với năm 2013. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của SCIC năm 2014 đạt khoảng 19,7%, cao hơn so với kế hoạch đầu năm là 14,3%.
Từ năm 2006 đến nay, SCIC đã bán vốn thành công tại 724 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 657 doanh nghiệp), thu về 6.256 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trung bình gấp 2,2 lần so với giá trị sổ sách.
Tổng vốn đầu tư thực hiện đến 31/12/2014 là hơn 13.000 tỷ đồng. Các dự án trọng điểm như: dự án Tháp tài chính quốc tế, tham gia tái cơ cấu Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Trong thời gian tới SCIC tiếp tục nghiên cứu các dự án thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cảng biển…, các dự án hợp tác trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng như dự án hợp tác với bệnh viện Nhi TW, dự án nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư...
Khánh Nhi
Trí Thức Trẻ