MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa có bằng chứng để khẳng định các NH lớn tạo “sóng” ngoại tệ kiếm lời

26-03-2015 - 07:36 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều người đặt câu hỏi về việc có hay không trong đợt biến động tỷ giá những ngày gần đây đã có sự “tham gia” của một số ngân hàng, nhất là khi việc tỷ giá lại có biến động tăng mạnh ở những ngân hàng lớn và bình lặng ở những ngân hàng nhỏ?

Nội dung nổi bật

-Dư luận đặt câu hỏi: Đợt biến động tỷ giá những ngày gần đây có hay không sự “tham gia” của một số ngân hàng, nhất là khi việc tỷ giá lại có biến động tăng mạnh ở những ngân hàng lớn và bình lặng ở những ngân hàng nhỏ?

-Tỷ giá "nổi sóng" thời gian qua trong hệ thống ngân hàng là do yếu tố tâm lý trước sự biến động mạnh của đồng đô la Mỹ, căn cứ vào những biến số vĩ mô hiện nay NHNN khẳng định sẽ không nới biên độ tỷ giá lúc này

-Theo NHNN, nếu điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ hỗ trợ xuất khẩu nhưng mức độ không nhiều, trong khi nhập khẩu lại khó khăn

-Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Với mức dự trữ ngoại hối như hiện nay thì hoàn toàn có cơ sở điều hành ổn định như mục tiêu NHNN đề ra.


Tại cuộc họp báo của NHNN về tỷ giá diễn ra chiều 25/3/2015, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có hay không trong đợt biến động tỷ giá những ngày gần đây đã có sự “tham gia” của một số ngân hàng, nhất là khi việc tỷ giá lại có biến động tăng mạnh ở những ngân hàng lớn và bình lặng ở những ngân hàng nhỏ?

Bà nguyễn Thị Hồng – Phó thống đốc NHNN cho biết: Quan điểm của NHNN là nếu phát hiện những trường hợp cố tình “tung” thông tin không đúng sự thật để “tạo sóng” nhằm kiếm lợi thì sẽ xử lý nghiêm khắc.

“Có thể trên thực tế thị trường có tin đồn thật nhưng cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cũng như các vụ chức năng của NHNN chưa phát hiện được sai phạm nào”.

Cũng theo bà Hồng, nếu nhìn diễn biến giá ngoại tệ ở các ngân hàng thì phải nhìn cả một giai đoạn. Có thể lúc khách hàng có nhu cầu nhiều ngân hàng không đủ đáp ứng hay có lúc ngân hàng dư thừa ngoại tệ nhưng khách hàng không có nhu cầu mua. Xét các yếu tố như tiền đồng và lãi suất thời gian qua tại các ngân hàng thì không có là vấn đề gì lớn.

“Việc tỷ giá biến động mạnh ở các ngân hàng lớn và không có biến động ở ngân hàng nhỏ có thể là do việc kinh doanh trên thị trường ngoại hối không phải tất cả các ngân hàng đều kinh doanh vì mỗi ngân hàng có một lợi thế riêng và các ngân hàng hoàn toàn có thể mua bán với nhau trên thị trường liên ngân hàng” – Phó Thống đốc nói.

Phó Thống đốc Hồng khẳng định, việc thanh tra giám sát được NHNN tiến hành thường xuyên không chỉ đối với lĩnh vực tỷ giá mà tất cả các lĩnh vực khác, một khi phát hiện sai phạm thì NHNN đều có xử lý nghiêm khắc, đúng pháp luật.

Tỷ giá biến động do tâm lý

Lý giải về biến động tỷ giá thời gian qua, bà Hồng cho rằng: Tỷ giá "nổi sóng" thời gian qua trong hệ thống ngân hàng là do yếu tố tâm lý trước sự biến động mạnh của đồng đô la Mỹ.

Bà Hồng tiếp tục nêu diễn biến của đồng USD so với một số đồng tiền khác trên thế giới, giá USD chỉ tăng mạnh so với các đồng tiền chủ chốt như đồng Euro, đồng bảng Anh, đồng đô Canada… Nhưng nếu so USD với các đồng tiền trong khu vực châu Á lại tăng không nhiều, như NDT hầu như không đổi so với USD, HKD giảm 0,03% so với USD; WON giảm 0,09% so với USD… Do đó, khi đánh giá tác động ảnh hưởng khi USD tăng giá với các đồng tiền khác thì phải cẩn trọng, kỹ lưỡng.

Cũng theo bà Hồng, tỷ trọng thương mại của Việt Nam với các nước có đồng tiền mất giá mạnh không lớn, trong khi tỷ trọng thương mại của Việt Nam với các nước có đồng tiền mất giá ít so với USD lại cao.

“Hiện tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và ASEAN chiếm tới 50%, thị trường Mỹ cũng chiếm khoảng 20%...”

Ở góc độ các chỉ số vĩ mô, theo Phó Thống đốc: Các yếu tố biến động về kinh tế không quá lớn, dù nhập siêu 3 tháng năm nay đạt 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, đánh giá cung cầu thị trường thì phải nhìn tổng thể, nhập siêu được tài trợ bởi nguồn vốn: kiều hối, FDI, FII…. trong khi cán cân thanh toán vẫn thặng dư 2,8 tỷ USD.

Tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu nhưng ở mức độ không nhiều

Trước ý kiến cho rằng nên điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, bà Hồng nêu quan điểm, hiện cơ cấu nhập khẩu thì hiện 90% là nhập nguyên vật liệu, chỉ 10% là hàng tiêu dùng. Khi điều chỉnh tăng tỷ giá thì chi phí sản xuất của doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tăng lên, nhất là khi cầu trong nước đang tăng trở lại. Chưa kể trong cơ cấu hàng xuất khẩu có nhiều mặt hàng như dệt may, giày dép… thì đầu vào cũng từ nguồn hàng nhập khẩu.

"Nếu điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ hỗ trợ xuất khẩu nhưng mức độ không nhiều, trong khi nhập khẩu lại khó khăn. Do đó, NHNN cũng phải rất cân nhắc yếu tố này. Ở thời điểm hiện nay lo ngại đồng VND lên giá so với các đồng tiền không phải là đáng lo ngại" - bà Hồng nói.

Dự trữ ngoại hối “thừa sức” để NHNN khẳng định tiếp tục ổn định tỷ giá

Cũng theo Phó Thống đốc, tỷ giá vào cuối năm 2014 và vài ngày đầu năm 2015 có biến động tăng, ngay sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá 1% vào ngày 7/1/2015 thì tỷ giá ổn định, thị trường ngoại hối hoạt động thông suốt, giao dịch sôi động. Đặc biệt NHNN đã quay trở lại mua được (khoảng 2,3 tỷ USD) để tăng dự trữ ngoại hối.

“Tuy nhiên, từ ngày 9/3/2015 tỷ giá ngoại hối trên thị trường biến động tăng, nhưng có ngày tăng – giảm và nhìn chung mặt bằng tỷ giá vẫn còn rất xa so với trần 21.673 đồng/USD của NHNN”.

Trả lời câu hỏi: Đến thời điểm này NHNN có tiếp tục khẳng định điều hành ổn định tỷ giá không (tức là giữ đúng cam kết chỉ phá giá 2% trong năm 2015)? Phát ngôn viên của NHNN bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Với mức dự trữ ngoại hối như hiện nay thì hoàn toàn có cơ sở điều hành ổn định như mục tiêu NHNN đề ra.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn có nên điều chỉnh tỷ giá VND/USD ở thời điểm này hay không?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên