Chưa điều chỉnh tỷ giá, cần giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp
Đồng tình với việc chưa điều chỉnh tỷ giá VND/USD trong thời điểm này, nhưng chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất cho vay cần giảm thêm để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
- 25-03-2015Bí đầu ra, ngân hàng đua giảm lãi suất huy động
- 24-03-2015Không phá giá nhưng hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp?
- 19-03-2015Cơ hội thương thảo lãi suất
-
Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra thông điệp không tăng tỷ giá vào thời gian này, PV HNMO đã có cuộc trao đổi với TS, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.
-Sau một thời gian khá dài "im hơi lặng tiếng" dù tỷ giá biến động mạnh, cuối ngày hôm qua, NHHN đã đưa ra thông điệp không điều chỉnh tỷ giá, ý kiến của ông về thông điệp này, thưa ông?
-Từ mấy hôm trước cho đến nay, tôi vẫn giữ quan điểm chưa cần điều chỉnh tỷ giá VND/USD. Nguyên nhân là, mặc dù tăng tỷ giá có thể hỗ trợ xuất khẩu nhưng những doanh nghiệp nhập khẩu phải đổi một lượng tiền đồng lớn hơn để thanh toán hàng nhập khẩu, mà hàng nhập khẩu phục vụ xuất khẩu và chủ yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước. Nếu hàng nhập khẩu tăng giá do điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đó là làm tăng lạm phát, làm chao đảo niềm tin của người dân và doanh nghiệp (DN) vào VND. Đặc biệt, khi tỷ giá tăng, DN sẽ gặp khó khăn trong kế hoạch tài chính cho những tháng tới vì họ không lường được biến động về tỷ giá.
Vì thế, giữ tỷ giá như hiện tại sẽ hỗ trợ lòng tin của dân chúng và DN vào VND, đồng thời hạn chế tăng giá hàng nhập khẩu, dĩ nhiên nó không có lợi cho xuất khẩu nhưng chi phí mình phải trả nếu tăng giá sẽ quá cao so với bù trừ cho cái lợi khi hỗ trợ xuất khẩu qua tăng tỷ giá.
Cũng phải nói thêm rằng, hơn 20 nước trên thế giới đã giảm giá nội tệ của họ so với USD để hỗ trợ xuất khẩu, kể cả quốc gia lớn như Nhật Bản đã tìm cách giảm tỷ giá đối với với USD để hỗ trợ xuất khẩu. Hơn nữa, hiện tại giá trị USD đang tăng, mà lãi suất USD tại Mỹ có thể tăng, nếu lãi suất tăng, chắc chắn giá trị USD lại tăng lên nữa, nếu giá USD tăng lên nữa mà Việt Nam vẫn neo tỷ giá như hiện nay sẽ bị thiệt hại vì sẽ tăng tính đầu cơ USD, nhiều người sẽ găm giữ USD, như thế sẽ đẩy cầu USD tăng, đẩy tỷ giá lên. Vì thế, tôi cho rằng, thời điểm này chưa điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD là hợp lý. Tuy nhiên, NHNN cần quan sát thị trường chặt chẽ để ứng phó kịp thời, hiệu quả nếu có biến động mạnh trên thị trường quốc tế.
- Không điều chỉnh tỷ giá thời điểm này, DN xuất khẩu sẽ chịu áp lực bởi các nước trong khu vực có xu hướng hạ giá tiền nội tệ trong bối cảnh USD tăng giá mạnh, vậy biện pháp để hỗ trợ DN xuất khẩu là gì thưa ông?
- Chắc chắn chúng ta phải tính đến các biện pháp hỗ trợ DN xuất khẩu nhưng cũng cần lưu ý là tỷ trọng mà Việt Nam trao đổi mậu dịch với các quốc gia, với các đồng nội tệ khác ngoài USD thấp hơn là tỷ trọng với USD, chủ yếu tất cả hoạt động mậu dịch là bằng đồng USD, vì thế, quan tâm đến các đồng nội tệ khác nhưng đồng tiền cần quan tâm nhất là USD.
Với các đồng tiền khác, mặc dù tỷ trọng giao dịch của chúng ta không lớn nhưng đồng nội tệ của nhiều quốc gia khác xuống giá so với USD, nên đối với các mậu dịch mà định nghĩa trên đồng nội tệ nước đó thì giá trị VND tăng giá. Nếu VND tăng giá sẽ bất lợi cho xuất khẩu, làm hàng hóa Việt Nam không cạnh tranh được với các quốc gia mà mình buôn bán dựa trên đồng nội tệ của họ.
Các DN xuất khẩu sang các quốc gia mà có đồng nội tệ mất giá so với USD thì bản thân DN phải có biện pháp như giảm chi phi sản xuất để giảm giá thành bán ra. Ngoài ra, việc giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp là rất quan trọng. Làm sao lãi suất cho vay có thể giảm thiểu để DN giảm chi phí đầu, từ đó tăng tính cạnh tranh hàng hóa.
-Vậy theo ông, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu nên ở mức bao nhiêu?
Với DN, lãi suất cho vay càng thấp càng tốt. Còn theo tôi, lãi suất cho vay xuống còn 9%/năm là được. Để giảm lãi suất cho vay thì NHNN cần giảm trần lãi suất huy động VND xuống còn 4,5% từ mức 5,5%/năm như hiện nay vì dư địa giảm lãi suất vẫn còn, lạm phát đang được kiểm soát tốt. Theo dự báo, lạm phát năm nay là khoảng 4%, nếu trần lãi suất xuống 4,5%/năm thì người gửi tiền vẫn thực dương. Lãi suất huy động dưới 6 tháng giảm thì lãi suất ở kỳ hạn cao hơn cũng giảm theo. Khi lãi suất huy động giảm sẽ tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp.
-Thưa ông, thông điệp mà NHNN đưa ra hôm qua là NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đề ra từ đầu năm. Theo ông, liệu có thực hiện được khi mà đầu năm cơ quan quản lý này đã điều chỉnh tăng 1%, dư địa chỉ còn 1%?
Theo tôi, chúng ta không nên “neo” cứng ở mức 2% mà nên linh hoạt trong điều chỉnh. Tỷ giá biến động không quá 2% là mục tiêu cần đạt đến, nhưng nếu do biến động trên thị trường thế giới tác động quá mạnh đến tỷ giá, đòi hỏi điều chỉnh nhiều hơn thì NHNN cũng nên xem xét, vì từ giờ đến cuối năm còn rất dài trong khi trên thế giới có nhiều biến động như tình hình kinh tế Mỹ, lãi suất ở Mỹ có thể tăng, biến động về chính trị, quân sự… Điều này cho thấy, năm 2015 chúng ta sẽ phải có những phương án, kế hoạch để đối phó với tình huống khác nhau.
-Sau khi đã tính toán đến tác động lạm phát, xuất nhập khẩu, tăng trưởng…quyết sách như thế nào về tỷ giá sẽ có lợi chung cho nền kinh tế, thưa ông?
Trước mắt, chúng ta tiếp tục duy trì tỷ giá như hiện nay. Trong 4 tuần tới, chúng ta theo dõi xem biến động tỷ giá trên thị trường thế giới giới, nếu chỉ số ngoai tệ cho USD tăng lên quá mạnh thì việc điều chỉnh tỷ giá là cần thiết, vì không điều chỉnh không những bất lợi cho xuất khẩu mà sẽ tạo “đất” cho đầu cơ USD. Vì thế, NHNN nên quan sát và theo dõi chặt chẽ trong vòng 4 tuần tới xem tỷ giá trên thế giới biến động như thế nào.
-Xin cảm ơn ông!
Thăm dò ý kiến
Theo bạn NHNN có giảm tiếp trần lãi suất huy động hay không?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Theo Thanh Hương