MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa tìm được tiếng nói chung

31-10-2015 - 14:19 PM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù Ban soạn thảo đã đưa ra 2 phương án về lãi suất trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), nhưng đến nay vẫn chưa có sự thống nhất, chưa tìm được tiếng nói chung.

Thêm sự lựa chọn cho đại biểu

Vấn đề áp lãi suất vay trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang khá nóng cả trong và ngoài Hội trường Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII. Khác với lần thảo luận ở Kỳ họp thứ 9, Dự thảo Luật chỉ đưa ra một phương án về lãi suất cho vay là: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản (LSCB) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, trừ trường hợp Luật Các tổ chức tín dụng có quy định khác”.

Tại kỳ họp này, UBTVQH bổ sung phương án để các đại biểu thảo luận cho ý kiến. Như vậy, Dự thảo mới nhất của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã thêm sự lựa chọn cho các đại biểu.

Là người chọn phương án 1, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, cần phải quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật. Việc xác định một tỷ lệ cụ thể, tối đa là 20%/năm và phụ thuộc vào khoản tiền vay sẽ bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, dễ áp dụng, các bên tham gia giao dịch dân sự có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay. Thông qua đó, việc cho vay nặng lãi cũng dễ dàng xác định hơn.

Cũng lựa chọn phương án 1, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) nêu lý do vì sao không chọn phương án 2. Theo ĐB Lâm, vì theo thông lệ, lãi suất cơ bản chỉ là mức lãi suất chung với mục đích để điều hành chính sách tiền tệ, không mang tính thị trường. Lãi suất này không được chia thành các lãi suất khác nhau để áp dụng cho các thời hạn khác nhau, chủ thể tham gia giao dịch khó có thể biết trước mức lãi suất cơ bản do NHNN công bố có phù hợp với loại vay ứng hay không. “Do đó, sử dụng lãi suất cơ bản để điều chỉnh các quan hệ dân sự không phù hợp sẽ gây khó khăn cho chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự.

Một trong số ít đại biểu chọn phương án 2, đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An) đề nghị Ban soạn thảo làm rõ và cân nhắc đối với quy định lãi suất theo thỏa thuận không quá 200% theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định là dựa trên cơ sở nguyên tắc nào.

Áp dụng cho vay dân sự, ngừa tín dụng đen

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN - ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, khá nhiều đại biểu đặt câu hỏi: Tại sao lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản (phương án 2) mà không để 150% như trong Bộ luật Dân sự hiện hành? Câu hỏi này đến nay chưa có lời giải thỏa đáng. Theo ĐB Cao Sỹ Kiêm, mặc dù hiện nay số đông đại biểu đồng ý với phương án 1 trong Dự thảo Luật nhưng bản thân ông chưa chọn phương án nào bởi “hướng tới tự do hóa lãi suất thì không nên quy định mức trần”.

Đặc biệt, qua các lần thảo luận và chia sẻ quan điểm mới đây về Điều 467, Dự thảo Bộ luật Dân sự, các đại biểu đều nhấn mạnh, quy định về lãi suất này không áp dụng cho vay giữa tổ chức tín dụng (TCTD) với khách hàng.

ĐB Cao Sỹ Kiêm, Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) và Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, Dự thảo Luật này chỉ áp dụng với cho vay dân sự, khống chế việc cho vay nặng lãi trong dân sự. Còn cho vay giữa các TCTD và khách hàng được thực hiện theo Luật các Tổ chức tín dụng và Luật NHNN Việt Nam. Đại biểu Trương Minh Hoàng chia sẻ, đi vào các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn mới thấy, tín dụng đen, cho vay nặng lãi vẫn diễn ra. Khi cần tiền người dân chấp nhận mức lãi suất cho vay cao, tính ra có thể tới 30%/năm. Họ chấp nhận vay nhưng không hợp đồng, thậm chí hợp đồng miệng, ghi sổ và hẹn ngày trả, chẳng nói lãi bao nhiêu. Luật này chủ yếu áp dụng với cho vay dân sự, đề phòng tín dụng đen, cho vay ở ngoài mà trả lãi suất cắt cổ.

 

 

Khoản 3, Điều 467 của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) về lãi suất đưa ra 2 phương án: Phương án 1: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”

Phương án 2: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

 

Theo Đức Kiên

Đại biểu nhân dân

Trở lên trên