Có phải chúng ta làm luật để “trói” ngân hàng?
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nêu lên thực tế hiện nay trong dân, đó là cho vay theo ngày, theo tháng nặng lãi mà không trị được. "Thế chúng ta làm luật như vậy là để trị ngân hàng, trói ngân hàng à?", ông Lịch đặt câu hỏi.
-
Trên tổng thể, thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn và cần những quyết sách nhanh, mạnh để ổn định thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp
-
Thương hiệu Việt, hàng Việt muốn đứng vững được trên thị trường thế giới trước hết phải đứng được trong niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam.
“Chúng ta phải hiểu là các ngân hàng làm sao có thể cho vay nặng lãi được, tất cả đều phải minh bạch, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Vậy thì tại sao lại ra một điều luật trái với quy luật thị trường để trói buộc các ngân hàng? Mục tiêu chúng ta hướng tới là trị nhóm cho vay nặng lãi trong dân chúng, vậy thì ta phải tìm cách nào để giải quyết chỗ này trong luật hình sự”, đại biểu Lịch nhấn mạnh.
Chiều ngày 25/6, theo lịch làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Dân sự sửa đổi.
Cho vay vượt 500% vẫn chưa bị điều chỉnh
Góp ý vào Luật Dân sự sửa đổi, đại biểu Lịch nêu lên thực tế, đó là hành vi cho vay nặng lãi nhan nhản trong thực tế đời sống. “Người ta cho vay ngày, cho vay đêm, cho vay ở các chợ… thì chúng ta có áp dụng được luật được đâu. Do vậy, cái này quy định như vậy thì chỉ chết các ngân hàng thôi, trong khi ở đời sống thực tế thì không giải quyết được gì”, đại biểu Lịch bình luận.
Do vậy, đại biểu Lịch cho rằng vấn đề lãi suất trong hợp đồng vay tài sản (Điều 483): “Điều chỉnh trần lãi suất cho vay nặng lãi từ 150% lên 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố” là không hợp lý.
Đại biểu Lịch tỏ ý không hiểu vì sao lại có con số này để xác định đối tượng cho vay nặng lãi và không hiểu đưa ra con số 150% hay 200% là cơ sở gì?
Theo đại biểu Lịch, lãi suất hình thành trên cơ sở cung cầu về tín dụng. Nói nôm na nó là cái giá của đồng tiền. Hiện nay trong Luật các TCTD đã hướng tới tự do hóa lãi suất rồi.
“Mặt khác, NHNN lâu nay cũng không có công bố lãi suất cơ bản để cơ quan hình sự căn cứ vào đó xử lý những trường hợp cho vay nặng lãi. Quốc hội cũng vì cái Bộ luật Dân sự (năm 2005) trói buộc nên Quốc hội đã ra Nghị quyết để giải tỏa vấn đề này và áp dụng lãi suất thỏa thuận. Chúng ta phải làm như vậy để chờ sửa đổi Bộ luật Dân sự. Vậy mà bây giờ dự thảo Luật Dân sự lại quay lại điều này”, đại biểu Lịch bình luận.
Đại biểu Lịch cho rằng không nên quy định như vậy. “Ai trả lời được lãi suất cơ bản là cái lãi suất gì? Vấn đề điều tiết lãi suất là vấn đề khác, còn vấn đề trị tội cho vay nặng lãi thì nên quy định bằng một cách khác. Thực sự NHNN điều hành lãi suất bằng các công cụ chứ có điều hành qua lãi suất cơ bản đâu. Hơn nữa, chúng ta đi đến nền kinh tế thị trường, thì không nên tư duy theo cách đó”, đại biểu Lịch nhận định.
Theo đại biểu Lịch, cần phải có quy định khác. “Phải xem Bộ luật Dân sự, rồi Bộ luật Hình sự của các nước người ta chống tín dụng đen, chống cho vay nặng lãi bằng kiểu gì. Phải xem động cơ bóp chẹt, ép buộc người vay trong một số tình thế để trục lợi thì chúng ta có nhiều cách để trừng trị, chứ không thể nào lại bóp méo thị trường”, đại biểu Lịch bình luận.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cũng nêu lên thực tế về hoạt động cho vay nặng lãi đang phổ biến hiện nay, đó là dịch vụ cầm đồ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội
“Hiện dịch vụ cầm đồ công bố công khai lãi suất 3%/tháng, nghĩa là 36%/năm, điều đó đã vượt 500% lãi suất tái cấp vốn, đương nhiên đã vi phạm luật dân sự, nhưng chưa có hướng giải quyết. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm để điều chỉnh hoạt động này”, đại biểu Ngân đề xuất.
Nên chống vay nặng lãi bằng lãi suất tái cấp vốn
Theo đại biểu Ngân, quy định lãi suất tại điều 483 “Trường hợp các bên có thỏa thuận lãi suất thì lãi suất các bên thỏa thuận ko được vượt quá 200% lãi suất cơ bản do NHNN công bố trừ trường hợp có luật các TCTD quy định khác” cần thay thế lãi suất cơ bản tại điểm này bằng lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố.
Giải thích về đề xuất này, đại biểu Ngân cho biết, thứ nhất, lãi suất cơ bản NHNN đã không còn công bố từ năm 2011. Trước năm 2011, NHNN có công bố lãi suất cơ bản nhưng cũng không công bố lãi suất cơ bản đối với từng loại vay tương ứng. “Thứ hai, tại khoản 1, Điều 12, Chương 3 của Luật NHNN được Quốc hội Khóa XII thông qua có hiệu lực từ 1/1/2011 có quy định như sau: “NHNN công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ chống cho vay nặng lãi”. Vì vậy, việc thay thế lãi suất cơ bản bằng lãi suất tái cấp vốn vừa phù hợp với luật hiện hành vừa phù hợp với thực tiễn phát sinh hiện nay. Tôi đã trao đổi với NHNN và NHNN đã đồng ý với ý kiến này”, đại biểu Ngân phân tích.
Đại biểu Ngân cũng góp ý với khoản 4, Điều 481 có ghi “Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền cần trả theo lãi suất cơ bản mà NHNN công bố đối với loại vay tương ứng tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian cần trả”.
Tại khoản này, đại biểu Ngân cho rằng có 2 điểm chưa hợp lý. Thứ 1, từ năm 2011 đến nay NHNN không còn công bố lãi suất cơ bản chỉ công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất bình quân liên ngân hàng.
“Vì vậy ban soạn thảo nên sử dụng lãi suất bình quân liên ngân hàng thay thế cho lãi suất cơ bản tại điểm 4, điều 481 hợp lý hơn. Các nước họ cũng sử dụng lãi suất liên ngân hàng như lãi suất Libor tại Tokyo, Libor tại Hồng Kong, Libor tại Singapore để điều chỉnh trường hợp này”, đại biểu Ngân nêu quan điểm.
Bizlive