MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu OTC ngân hàng dễ kiếm tiền hơn trước

21-01-2014 - 11:47 AM | Tài chính - ngân hàng

Năm 2013, cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC chủ yếu giao dịch trong trạng thái tích lũy, giao dịch cả năm khá buồn tẻ.

Năm 2013 thực sự là một năm rất nóng của ngành ngân hàng khi những vụ án đình đám được đưa ra xét xử, những vụ sáp nhập, tái cơ cấu tiếp tục nở rộ, những cuộc chia tay với cổ đông lớn và sự ra đời của VAMC…

Trước những sự kiện này, biến động giao dịch của 8 Ngân hàng Thương mại cổ phần đã niêm yết có thể quan sát được, còn những ngân hàng đang giao dịch trên thị trường OTC thì sao?

Cổ phiếu OTC Ngân hàng 2013: cầu nắm giữ dài hạn

Trò chuyện với một môi giới chuyên về cổ phiếu ngân hàng, chúng tôi được biết: Năm 2013 cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC chủ yếu giao dịch trong trạng thái tích lũy, giao dịch cả năm khá là buồn tẻ. Nhưng nhìn chung năm 2013 là năm dễ kiếm tiền từ cổ phiếu ngân hàng hơn năm 2012.

“Những ngân hàng đã tái cơ cấu xong thì còn có một số lệnh mua qua bán lại chứ những ngân hàng chưa ‘chốt’ được phương án tái cơ cấu như GPbank thì thực sự im hơi lặng tiếng. Đến cả TPbank, dù được coi là đã tái cơ cấu từ năm 2012 cũng vậy”.

Cũng theo môi giới này, điểm sáng của cổ phiếu OTC ngân hàng trong năm qua là vào những tháng cuối năm, lực cầu đã xuất hiện nhiều hơn khi có các thông tin hỗ trợ như việc sáp nhập của CTCP Tài chính Dầu khí (PVFC) với Western bank, việc thoái vốn của các cổ đông lớn tại NHTMCP An Bình (ABBank), NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank) …Những thông tin này đã nâng lượng giao dịch trung bình của cổ phiếu ABBank lên 30.000 đơn vị/tháng, Techcombank khoảng 10.000 đơn vị/tháng, cổ phiếu của Ngân hàng Hàng Hải Maritime Bank cũng lên khoảng 30.000 đơn vị.

Tuy nhiên, hầu hết cổ phiếu đều nằm dưới mệnh giá, trừ cổ phiếu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV.

Lý giải về việc tăng giá của cổ phiếu BIDV, môi giới này nói: Cổ phiếu của BIDV từ xưa đã được coi là một trong những đầu tàu của thị trường chứng khoán, luôn được nhà đầu tư để ý theo dõi, nhất là khi BIDV có thông tin được niêm yết trên HOSE.

“Ngoài ra, số lượng cổ phiếu BIDV được nắm giữ bởi cổ đông nhỏ lẻ rất ít, chủ yếu là cổ đông tổ chức. Những tổ chức này hầu hết mua BIDV tại mức giá trên 18.000 đồng trong khi giá trên thị trường chỉ nằm trong khoảng14.000 – 15.000 đồng. Cả cổ đông lớn lẫn cổ đông nhỏ đều không muốn bán, chờ đợi ngày BIDV lên sàn”

Trả lời câu hỏi: Lực cầu của cổ phiếu ngân hàng trong năm qua chủ yếu đến từ đâu? Vị môi giới này cho rằng, lượng cầu lớn của cổ phiếu ngân hàng trong năm qua chủ yếu là của khách từ nước ngoài về và khách “VIP” ở các đô thị lớn – những người đã “thoát” được trong năm 2012 và quay lại thị trường.

“Trong khi các năm trước, lô lớn trong các giao dịch cổ phiếu OTC Ngân hàng chỉ tầm 3.000 – 5.000 đơn vị thì năm 2013 này đã xuất hiện những lô có khối lượng 100.000 cổ phiếu song việc giao dịch vẫn diễn ra khá dễ dàng. Điều đó cho thấy nhu cầu mua cổ phiếu Ngân hàng trong năm 2013 là để nắm giữ dài hạn chứ không phải mua bán kiếm lời” – Vị môi giới này khẳng định.

VAMC không phải là thuốc tiên

Nếu như các nhà đầu tư trên 2 sàn giao dịch chứng khoán chính thức là Hà Nội (HNX) và Tp HCM (HSX) rất quan tâm đến việc ra đời của Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu hiện nay của các tổ chức tín dụng thì thật bất ngờ, nhà đầu tư trên OTC hầu như không quan tâm, mặc dù phần lớn các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nằm trong diện bán nợ cho VAMC hiện đều giao dịch trên OTC.

Theo quan điểm nhiều nhà đầu tư trên thị trường OTC, việc thành lập VAMC chỉ là một cách xử lý hình thức, không thể giải quyết triệt để nợ xấu của các ngân hàng.

“Nợ xấu được tạo ra bởi ngân hàng sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay các dự án dài hạn. Đây chủ yếu là các dự án bất động sản của các ông chủ ngân hàng, đứng tên bởi các công ty sân sau. Bởi vậy, việc sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng hiện nay sẽ khiến cho nợ xấu cũng rơi vào một vòng luẩn quẩn không thể nào giải quyết được” – Một nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC nói.

Thậm chí, một số nhà đầu tư còn cho rằng, bằng cách nào đó, các Ngân hàng có thể lợi dụng VAMC để “giải thoát” hết những khoản nợ tồi tệ của mình và điều chỉnh lợi nhuận cho “đẹp”.

Chính vì thế, những nhà đầu tư vào cổ phiếu Ngân hàng trên thị trường OTC có những chỉ tiêu riêng để quan tâm hơn.

Kỳ vọng gì trong năm 2014?

Theo đánh giá của người trong nghề thì giao dịch của cổ phiếu OTC Ngân hàng trong năm 2014 đang tốt lên. Lực cầu sẽ đến từ nguồn thứ nhất là những “đại gia” hay cụ thể là giám đốc, phó giám đốc của các doanh nghiệp. Nguồn thứ hai là từ những doanh nghiệp đang dư tiền.

Tuy vậy, nhiều môi giới cũng bày tỏ lo lắng trước Nghị định số 222/2013/NĐ - CP quy định kể từ 1/2/2014, giao dịch chứng khoán phải thực hiện qua tài khoản ngân hàng thì "đất sống" của những giao dịch cổ phiếu Ngân hàng qua OTC sẽ hẹp hơn.


Trong năm 2013, bên cạnh cổ phiếu ngân hàng thì trên OTC cũng có những cổ phiếu khác giao dịch khá sôi động như Sabeco hồi đầu năm hay giao dịch của cổ phiếu Habeco vào những tháng cuối năm.

Ngoài ra, giao dịch tại cổ phiếu của Đường Quảng Ngãi, Phân lân Ninh Bình, Cadivi cũng không kém phần sôi động. Tuy nhiên, hầu hết các môi giới đều cho rằng họ không “kiếm ăn” được từ những mã cổ phiếu này; mà người hưởng lợi nhất là nhóm quản lý cổ đông của chính các công ty phát hành cổ phiếu do họ là những người trực tiếp thu, gom cổ phiếu từ những cổ đông nhỏ lẻ và bán kiếm lời…



Khánh Linh - Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên