MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ tức ngân hàng có vượt trần 9%?

02-02-2016 - 17:20 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2014-2015, các ngân hàng thương mại không được chia cổ tức quá mức 9%. Cổ tức cũng chỉ được phép chia sau khi đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu… Mức trần 9% liệu có được áp dụng cho cổ tức của năm 2015 trong mùa ĐHCĐ tới đây?

Kết quả kinh doanh năm 2015 của hệ thống ngân hàng đã cải thiện, lợi nhuận khả quan hơn. Nhưng ngân hàng có được chia cổ tức hay không, tỷ lệ cao hơn hay thấp hơn mức 9%… thì vẫn phải chờ ý kiến của NHNN.

“Có cổ tức là may rồi”

Ngân hàng TMCP Quân đội (mã: MBB) hiện nằm trong nhóm dẫn đầu về kết quả kinh doanh và tỷ lệ cổ tức hàng năm luôn ở mức trên hai con số. Năm 2015, MB hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 3.151 tỷ đồng và vượt 5% so với kế hoạch đề ra đầu năm.

Hiện, ngân hàng chưa tiết lộ mức cổ tức sẽ chia cho cổ đông là bao nhiêu. Được biết, tháng 9/2015, nhà băng này đã thực hiện tạm ứng đợt một cổ tức là 5% (tương ứng giá trị 597 tỷ đồng) sau khi được NHNN cho phép.

Trước đó, lợi nhuận năm 2014 của MB tăng 5%, đạt hơn 3.150 tỷ đồng và đã dành hơn 2.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro. Nhưng NHNN đã yêu cầu cắt tỷ lệ cổ tức từ 12% như đề xuất xuống còn 10% (trong đó, 7% chia bằng tiền mặt và 3% chia bằng cổ phiếu).

Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cũng vừa “khoe” lợi nhuận trước thuế năm 2015 đạt hơn 7.036 tỷ đồng, tăng tới 16% so với năm trước.

Dù lãi lớn nhưng BIDV hiện đối mặt với bài toán xử lý nợ xấu khá căng thẳng, có thể “ăn mòn” lợi nhuận kinh doanh. Vì tính đến 30/9/2015, riêng BIDV đang phải gánh tới 11.459 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 2,1% tổng dư nợ. Trong đó, nợ nhóm 5 – có nguy cơ mất vốn chiếm gần một nửa khoảng 5.178 tỷ đồng.

Với khối nợ xấu rất lớn này, BIDV sẽ phải dành phần lớn lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, vậy sẽ còn lại bao nhiêu lợi nhuận để chia cổ tức cho cổ đông? Năm 2014, ngân hàng đã cố gắng chia cổ tức là 10,2% bằng tiền mặt, ngay trước thời điểm nhận sáp nhập MHB.

Trước nhiều thách thức, nhiệm vụ nặng nề khi phải xử lý tái cơ cấu MHB, lãnh đạo BIDV chỉ dám hứa “tỷ lệ cổ tức năm 2015 sẽ lớn hơn mức 9%”.

Trong mùa ĐHCĐ năm 2015, nhiều cổ đông đã rất bức xúc khi ngân hàng đồng loạt cắt giảm cổ tức so với kế hoạch được thông qua. Như tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), dù gặp khủng hoảng khiến hoạt động kinh doanh sa sút, song năm 2014 vẫn đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.200 tỷ đồng. ACB đã dự tính trả cổ tức 9% bằng tiền mặt, nhưng NHNN chỉ duyệt chia 7%, còn 2% chuyển quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) đã rất mừng khi năm 2014, ngân hàng báo lãi trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng, nợ xấu giảm mạnh về 2%. Nhưng ngân hàng chỉ được chia cổ tức 7% bằng cổ phiếu.

Chính sách “tái đầu tư”

Năm 2015, lãnh đạo SHB cho biết sẽ cải thiện lợi nhuận để tăng cổ tức lên mức 7,5% và cố gắng chia bằng tiền mặt. Trong khi đó, hai ngân hàng VIB và LienVietPostBank cũng cắt giảm cổ tức khoảng 2-4%, xuống lần lượt ở mức là 9%, 6%.

Cổ đông của MB, BIDV, ACB vẫn còn rất may mắn, vì năm 2014, hầu hết các nhà băng đều nói “không” với cổ tức, chỉ một số ít nhà băng “hứa” sẽ chia cổ tức 5-10%. Cổ đông nhiều ngân hàng đã rất bức xúc khi nhiều năm liên tục không có cổ tức, đơn cử: Maritimebank, Techcombank, NCB, Oceanbank, GPbank…

Trong số này, dù lợi nhuận vẫn tăng đều đặn, song Techcombank đã “cắt” cổ tức suốt 3 năm liền (2012-2014). Khi một số cổ đông chất vấn gay gắt, lãnh đạo Techcombank cho biết, muốn dành toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh, bổ sung vốn. Chính sách “không cổ tức” sẽ tiếp tục được duy trì ít nhất trong 3 năm tới, tức đến năm 2018, cổ đông ngân hàng mới có hi vọng được “thu hoạch” cổ tức.

Cùng chung đề xuất tập trung vốn để tái đầu tư, nâng cao khả năng tài chính, MaritimeBank cũng xin cổ đông “khất” cổ tức năm 2014, 2015. Đến khi ngân hàng có lợi nhuận tốt hơn thì sẽ chia cổ tức, đảm bảo quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư.

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, hệ thống ngân hàng đã và đang phải “gồng mình” tái cơ cấu nên NHNN hạn chế chia cổ tức. Nhà băng nào có lãi cũng chỉ cho phép ngân hàng chia cổ tức sau khi đã thực hiện nghiêm chỉnh việc trích lập dự phòng rủi ro để có nguồn xử lý nợ xấu tích cực hơn. Nếu không, ngân hàng sẽ không được phép chia cổ tức.

Một cổ đông của ngân hàng nhận định: “Năm 2015 một số nhà băng báo lãi lớn, nợ xấu giảm mạnh, về nguyên tắc, cổ tức sẽ phải tăng theo… Song, tỷ lệ cổ tức bao nhiêu lại do HĐQT đề xuất và NHNN phê duyệt nên có lẽ cũng chỉ nhỉnh hơn một chút so với cổ tức năm trước”.

Theo Thu Hằng

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên