MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có VAMC, ngân hàng phải "gồng mình" trả nợ?

28-05-2013 - 07:38 AM | Tài chính - ngân hàng

VAMC ra đời, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sẽ được giải quyết nhanh hơn. Ngược lại, các nhà băng cũng sẽ phải "gồng mình" trả nợ cho khoản nợ xấu này.

TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ với PV Infonet về vai trò của Công ty Quản lý tài sản (VAMC).

Chính phủ vừa ban hành Nghị định thành lập VAMC, theo đó công ty này sẽ mua nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD) theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do công ty phát hành. Ngoài ra, VAMC còn mua nợ xấu của TCTD theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, việc VAMC ra đời là yêu cầu bức thiết trong điều kiện nợ xấu Việt Nam đang rất "xấu". Sau khi VAMC ra đời, nợ xấu từ các ngân hàng thương mại sẽ nhanh chóng chuyển sang công ty này, giúp làm sạch bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, đồng thời doanh nghiệp bán nợ cho VAMC sẽ được vay vốn. Tuy nhiên, TS. Doanh băn khoăn, liệu với một công ty số vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng có giải quyết được "cục nợ" cỡ 300.000 tỷ? Và xử lý trong bao lâu?

Ngoài ra, theo quy định, VAMC chỉ mua nợ của TCTD trong khung thời gian 5 năm. Nếu như sau 5 năm, VAMC không bán được khoản nợ xấu đó, thì TCTD phải mua lại hoặc có nguồn đó để xử lý. Đồng nghĩa, khi đó khoản nợ này không giải quyết được sẽ quay lại hệ thống ngân hàng và "nằm chềnh ềnh" tại đó.

"Thủ thuật làm sạch sổ sách này rất hấp dẫn, nhưng theo tôi chỉ hấp dẫn trong ngắn hạn thôi, chứ về dài hạn sẽ phản tác dụng" – ông nói.

Mặt khác, TS. Doanh cũng lưu ý, bán nợ xấu cho VAMC không có nghĩa là ngân hàng hết nghĩa vụ và trách nhiệm với khoản nợ này. Theo nghị định thành lập VAMC, mỗi năm, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu. Như thế, cùng một lúc ngân hàng sẽ phải kiếm tiền để trả gốc, lãi cho trái phiếu, vừa phải bỏ ra một khoản không nhỏ trích lập dự phòng rủi ro.

TS. Doanh cho rằng, "có VAMC không có nghĩa là các ngân hàng "phủi tay" với nợ xấu mà sẽ phải "gồng mình" trả nợ. "Là một trong những "tội đồ" gây ra nợ xấu, chuyện ngân hàng sẽ phải kéo cày trả nợ là bình thường" – ông nói.

Trước ý kiến cho rằng, việc thành lập VAMC chỉ giải quyết nợ cho các ngân hàng thương mại chứ không phải giải quyết nợ cho doanh nghiệp, TS. Lê Đăng Doanh đánh giá, đúng là ngân hàng sẽ hưởng lợi trực tiếp từ việc VAMC thành lập, do nợ đã "sạch bong" trong báo cáo tài chính. Nhưng 5 năm sau khoản nợ đó có giải quyết được dứt điểm hay không cũng là vấn đề cần tính tới.

Còn về phía doanh nghiệp, dù chỉ được hưởng những tác động "gián tiếp", nhưng đó là những tác động "rất đáng kể". Ông phân tích: VAMC ra đời đồng nghĩa tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng một cách thuận lợi hơn khi "cục nợ xấu" tại ngân hàng đã "sạch sẽ". Khi ngân hàng có khả năng thanh khoản, cho vay ra sẽ dễ dàng hơn. Tuy vậy, để vay được vốn doanh nghiệp sẽ phải trải qua một loạt rào cản về điều kiện vay chẳng dễ dàng do các nhà băng đã "cảnh giác từ bài học nhãn tiền trước đó".

Rõ ràng, VAMC giải quyết được nợ xấu cho khối ngân hàng thì đã rõ, nhưng giải quyết được nợ xấu của doanh nghiệp tới đâu thì cần phải xem xét.

Điều khiến nguyên Viện trưởng CIEM băn khoăn là dù VAMC nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhưng hiện tại VAMC mới "có mặt trên giấy", bộ máy hoạt động ra sao, ai đứng đầu, chèo lái VAMC theo hướng nào... chưa rõ. "Chưa nên vội bàn hiệu quả của VAMC, vấn đề quan trọng trước mắt ai sẽ là tổng giám đốc VAMC, công ty này sẽ hoạt động trong bộ máy ra sao? bởi sự thành bại của một doanh nghiệp quyết định phần lớn ở người đứng đầu và những con người làm ở đó. Vì thế, hãy cứ để VAMC được "đẻ" ra đã, sau một thời gian hoạt động hiệu quả ra sao sẽ rõ hết cả" – vị chuyên gia này chốt lại.

Theo báo cáo kinh tế thường niên 2013 công bố sáng 27/5, tính tới thời điểm 31/12/2012, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) là 3,57%. Tuy nhiên, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu thực tế ở mức 8,6%. Với giả định sự chênh lệch trên duy trì đến tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu thực của hệ thống ngân hàng là 9,53% với giá trị 241.000 tỷ đồng.

Mặt khác, cuối tháng 2/2013, tỷ lệ nợ xấu được công bố 6%. Với những con số nợ xấu khác nhau, nhóm nghiên cứu cho rằng, nợ xấu của hệ thống ngân hàng nằm trong khoảng 180.000 - 300.000 tỷ đồng với điều kiện việc phân loại nợ và đánh giá tài sản đảm bảo được thực hiện khá tốt.

Theo Nguyễn Hoài

hangnt

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên