Coi chừng kích thích nhập lậu vàng
Nhu cầu vàng nhẫn quay trở lại, có thể kích thích nhập lậu vàng khi chênh lệch với giá thế giới quá cao
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, từ ngày 10-1, mạng lưới kinh doanh vàng miếng trên cả nước bị thu hẹp từ 8.000 điểm xuống còn 2.500 điểm, làm cho hàng loạt tiệm vàng trước đây mua bán vàng miếng phải ngừng hoạt động. Để tồn tại, họ chuyển sang sản xuất, kinh doanh vàng nhẫn khiến phân khúc thị trường này nhộn nhịp hẳn lên.
Vì sợ mua vàng miếng khó khăn, nhiều người dân đã chuyển sang mua, cất trữ vàng nhẫn. Ở nhiều tiệm vàng, trên quầy kệ trước đây trưng bày vàng miếng nay đã chuyển sang vàng nhẫn, dù vàng miếng vẫn được mua ngầm, bán chui. Lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) vàng ở Hà Nội cho biết có khách hàng của ông đi vài chục cây số, mất nửa ngày trời chỉ để bán vài lượng vàng miếng… vì sợ bị phạt. Giao dịch vàng miếng quá khó khăn, người dân buộc phải chuyển sang vàng nhẫn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn.
Vàng nhẫn dễ giao dịch không kém vàng miếng
Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Kinh doanh PNJ, phân khúc vàng nhẫn có thể sẽ cạnh tranh gay gắt bởi không chỉ các thương hiệu lớn tham gia sản xuất, phân phối mà mỗi tiệm vàng, thợ kim hoàn đều có thể làm ra sản phẩm vàng nhẫn. Có điều, chất lượng, hàm lượng vàng của các tiệm sẽ khác nhau và không hoàn toàn là vàng 999,9. Việc mua bán của người dân với vàng nhẫn chủ yếu dựa vào “uy tín” của chủ tiệm vàng, thay vì thương hiệu như vàng miếng. Kết quả, người mua vàng có thể gặp rủi ro vì “mua đâu bán đó” hoặc bị ép giá khi bán ở tiệm khác, nếu chẳng may tiệm vàng cũ đóng cửa.
Đây không phải lần đầu thị trường xôn xao vì vàng nhẫn. Trước đó, hồi tháng 3-2011, sau thông tin cấm giao dịch vàng miếng, thị trường đã lên cơn “sốt” nhẫn tròn trơn. Đến nay, nhu cầu vàng nhẫn quay trở lại, tuy chưa gây ra những cơn “sóng” lớn ảnh hưởng đến thị trường hay tác động lên tỉ giá ngoại tệ nhưng việc người dân chọn vàng nhẫn có thể kích thích nhập lậu vàng, khi chênh lệch với giá thế giới quá cao.
Theo Quang Hưng
NLĐ