Công bố tín nhiệm NH: Thận trọng để không tạo hiệu ứng ngược
Có ý kiến đề xuất, hàng năm cần có xếp hạng các NH theo thứ tự A, B, C, tương ứng với các loại tín nhiệm của phí bảo hiểm tiền gửi (BHTG) để người dân đưa ra quyết định lựa chọn nơi gửi tiền.
Đồng thời, xem hình thức này như một đòn bẩy, tạo động lực để thúc đẩy bản thân NH nâng cao chất lượng hoạt động, cạnh tranh lành mạnh.
TS. Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đồng tình với đề xuất trên. Nhưng việc xếp hạng được thực hiện minh bạch ra sao thì cần phải thống nhất.Vì sao ông đồng tình với đề xuất tương đồng mức tín nhiệm với phí BHTG?
Cách tính mức phí phải nộp tăng theo mức độ rủi ro của TCTD sẽ khuyến khích cạnh tranh, tạo thêm động lực để các TCTD nâng cao hoạt động, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh. Và như vậy, quyền lợi người gửi tiền cũng sẽ được đảm bảo tốt hơn và gánh nặng của ngân sách Nhà nước trong việc xử lý các trường hợp đổ vỡ của các TCTD cũng được giảm bớt.
Theo tôi, mô hình BHTG chi trả với quyền hạn mở rộng hay mô hình BHTG giảm thiểu rủi ro sẽ phù hợp hơn với cơ chế phí này. Nhưng để áp dụng thu phí BHTG theo mức độ rủi ro của TCTD đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống tiêu chí để phân loại, đánh giá chất lượng hoạt động của TCTD.
Hiện hệ thống NH vẫn đang trong tiến trình xây dựng và áp dụng hiệu quả các chuẩn mực quản trị rủi ro, kiểm toán và kế toán theo thông lệ quốc tế. Mà việc định mức tín nhiệm hay rủi ro phải thực hiện một cách bài bản mới có tính thuyết phục. Vì lẽ đó, đối với TCTD cũng cần nhiều nỗ lực và cả thời gian.
Theo tôi, với việc xây dựng cơ chế phí BHTG dựa trên mức độ rủi ro của TCTD, nên chăng trước mắt BHTG thực hiện những “bài tập” mô phỏng. Sau đó, trên cơ sở thu nhận phản biện, nhất là của cơ quan liên quan và TCTD, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phí BHTG. Tiếp đến mới tiến hành thí điểm đối với một số TCTD trước khi áp dụng trên thực tế.
Đã có một số tổ chức đưa ra xếp hạng tín nhiệm NH và gặp phản ứng của các NH. Tại sao thưa ông?
Tôi được biết, vừa qua có một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN niêm yết và có cả TCTD. Nhưng việc tổ chức đó công bố kết quả tín nhiệm của TCTD vấp phải sự phản ứng bởi sự không chính xác về số liệu. Sự chính xác không phải về con số mà tổ chức xếp hạng đưa ra đánh giá hiện tại, nhưng lại phân tích từ số liệu trong quá khứ, vì vậy chưa phản ánh đúng và đầy đủ về sức khỏe tài chính của các NH nên vấp phải sự không đồng tình.
Tôi đồng tình với việc xếp hạng tín nhiệm NH bởi, ở nước nào cũng vậy, sự minh bạch vô cùng cần thiết. Nhưng vì rủi ro hệ thống NH mang tính lan truyền hệ thống nên độ minh bạch đến mức nào để tránh sự xáo động không cần thiết hoặc phản ứng thái quá của người dân. Nếu nhìn quá đi sẽ ảnh hưởng lớn, gây bất ổn vĩ mô, hệ thống tài chính NH, thậm chí là sụp đổ. Trên thế giới đã từng xảy ra.
Theo ông, khi nào thì chúng ta có thể hàng năm thực hiện xếp hạng tín nhiệm NH?
Như tôi đã nói ở trên, vẫn cần phải xếp hạng nhưng cơ quan quản lý nên nghiên cứu thực hiện việc này dưới góc độ nào đó để vừa góp một phần minh bạch thông tin với công chúng, vừa cảnh báo đồng thời tạo áp lực cạnh tranh cho các NH trong việc nâng cao chất lượng hoạt động. Nhưng mức độ công khai minh bạch thì phải tính toán cẩn thận.
Yêu cầu minh bạch đúng và đủ là cần thiết, nhưng với ai nó là câu chuyện khác. Nhất là trong bối cảnh độ nhạy rủi ro tài chính còn tương đối cao, lòng tin chưa thực sự bền vững và hệ thống NH đang trong quá trình tái cấu trúc. Nên tôi nhấn mạnh, làm thì vẫn làm nhưng để cho ai và lúc nào ra thị trường một cách đầy đủ thì phải thận trọng. Nếu không có thể sẽ gây hiệu ứng ngược.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hà Thành