MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dập dình sóng ngoại tệ

16-06-2013 - 21:08 PM | Tài chính - ngân hàng

“Kinh doanh ngoại hối chỉ có lời khi nhập siêu tăng. Hiện tại thị trường nhộn nhịp một chút để tạo sóng, chứ thực tế nhu cầu ngoại tệ vẫn còn thấp”.

Trưởng phòng kinh doanh ngoại hối một ngân hàng nhận xét như vậy về sự “nhảy múa” của tỷ giá từ đầu tháng 6-2013 đến nay.

Làm giá tỷ giá liên ngân hàng?

Ngày 12-6 vừa qua là thời điểm đáng ghi nhớ của dân kinh doanh tiền tệ: lần đầu tiên sau gần một năm tỷ giá đô la Mỹ-tiền đồng trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng vượt trần. Trần là 21.036 đồng/đô la Mỹ, nhưng tỷ giá giao dịch thật lên tới 21.065 đồng. Ở đây cần phải ghi chú rõ là trên giấy tờ sổ sách, các giao dịch giữa bên mua và bên bán được ghi nhận ở mức trần để phù hợp với các qui định pháp lý, nhưng giá thực lại vượt trần do thỏa thuận của hai bên về các loại phí hoặc sự hạch toán sang tiền đồng, vào lãi suất….. 

Ngày 13-6 tỷ giá giao dịch thật tiếp tục tăng đến 21.100 đồng/đô la Mỹ và đến ngày 14-6 nó “nhảy” lên 21.145 đồng. Giá biến động, nhưng số lượng các giao dịch thành công lại khá thấp. Một số ngân hàng cho biết nhu cầu mua ngoại tệ của doanh nghiệp có tăng, nhưng không đáng kể, chủ yếu để trả nợ trước hạn, còn nhu cầu để thanh toán nhập khẩu hầu như không thay đổi, mặc dù theo Tổng cục Hải quan nhập siêu bắt đầu trở lại ở mức thấp.

Trong khi tỷ giá liên tục được điều chỉnh trên liên ngân hàng, thì tỷ giá thị trường tự do lại không “chạy”, nó tương đối ổn định xung quanh 21.250 đồng/đô la Mỹ suốt cả tuần và đến cuối tuần thậm chí còn rớt về 21.210 – 21.220 đồng. Một số ngân hàng cổ phần nâng giá niêm yết mua ngoại tệ mặt lên hơn 21.000 đồng, tỷ giá chợ đen cũng không nhúc nhích.

Lý do chính viện dẫn cho sự leo dốc của tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng là các tổ chức tín dụng tăng cường mua vào để bù đắp trạng thái. Hiện nay theo qui định trạng thái ngoại hối của các ngân hàng là 20% vốn tự có. Họ có thể để âm hoặc dương trạng thái trong phạm vi này. Trước đây nhờ tỷ giá ổn định, chênh lệch lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ cao, nên hầu hết các ngân hàng đều short (bán ra), lấy tiền đồng cho vay hoặc kinh doanh trên thị trường nội tệ liên ngân hàng. Nay cả hai cửa ấy đều không còn rộng mở. 

Thứ nhất các ngân hàng cho rằng tỷ giá có thể tăng vì không còn xuất siêu và vì vừa qua Ngân hàng Nhà nước phải chi ra khoảng 1 tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu vàng. Cơ quan quản lý đã cung cấp cho thị trường gần 30 tấn vàng thông qua đấu thầu. Thứ hai là khoảng cách chênh nhau giữa lãi suất đồng nội tệ và ngoại tệ đang co lại. Short đô la Mỹ giờ không ăn thua vì lãi suất qua đêm chỉ còn chừng 1%/năm. Có ngày nó rớt xuống dưới 1%, về mức 0,93-0,94%/năm. Chuyên viên ngoại hối của một ngân hàng tính toán đầu năm short đô la còn kiếm được khoảng 10 đồng/đô la nếu đem gửi qua đêm, nay chỉ còn khoảng 1-3 đồng.

Cho nên giới kinh doanh ngoại tệ liên ngân hàng đã và đang tự tạo sóng để có lợi nhuận. Chỉ một số thông tin không đầu không cuối kiểu như: “hôm nay ngân hàng A xin mua ngoại tệ, nhưng Sở Giao dịch NHNN chưa duyệt”, lan truyền là các bên dừng lại nghe ngóng. Thay vì chào giá mua-bán, họ canh chừng nhau, hỏi thăm tin tức. Thêm vào đó việc NHNN giữ nguyên giá niêm yết mua đô la Mỹ 20.850 đồng, và áp giá bán kịch trần 21.036 đồng càng khiến người ta băn khoăn, phải chăng tỷ giá sắp được điều chỉnh?

Bẫy giá

NHNN là người mua bán cuối cùng. Khi cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu còn yếu, thì đầu ra ngoại tệ cho các nhà xuất khẩu vẫn là NHNN. Nếu các ngân hàng mua đô la Mỹ từ doanh nghiệp xuất khẩu, FDI giá cao hơn giá mua lại của NHNN, trong trường hợp không tìm được người tiêu thụ với giá cao hơn, họ đành bán cho NHNN và chịu lỗ.

Ở vị trí bao quát, NHNN nắm khá rõ cung cầu ngoại tệ. Theo một quan chức cơ quan này, cung ngoại tệ từ đầu năm đến nay không hề giảm, kiều hối tăng, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) tăng, FDI tăng, nhập siêu chưa đến mức nghiêm trọng và cán cân tổng thể vẫn đang ở trạng thái thặng dư. Duy nhất một yếu tố đang làm nguồn cung bớt đi là sự dịch chuyển từ ngoại tệ sang nắm giữ tiền đồng của dân cư không còn mạnh mẽ như trước. Một phần vì lãi suất tiết kiệm tiền đồng giảm. Phần khác là ngoại tệ được người dân sở hữu không phải vô tận.

Một số ngân hàng đang cover trạng thái ngoại hối (mua vào), nếu chấp nhận mua ở mức giá cao hiện hành, họ có thể chịu thiệt một khi tỷ giá không biến động theo hướng đô la Mỹ lên giá so với tiền đồng. Trên thị trường quốc tế, sau một thời gian tăng giá, đồng bạc xanh đang yếu lại so với các ngoại tệ mạnh. Dòng tiền rẻ nhờ chính sách in tiền của các nước, vẫn chưa ngừng chảy vào các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam. Đặc biệt Việt Nam đang được giới đầu tư nước ngoài chú ý khi giá các tài sản đang ở vùng đáy và cơ hội cho M&A đang rất lớn.

Những chuyển động vĩ mô

Sắp tới cung ngoại tệ có thể được cải thiện khi Chính phủ ban hành nghị định thay thế Quyết định 55 về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với doanh nghiệp niêm yết và ngân hàng. Trong lĩnh vực ngân hàng, theo nguồn tin đáng tin cậy, NHNN đã trình Chính phủ một dự thảo riêng về tỷ lệ sở hữu của nước ngoài. Theo đó, nước ngoài có thể nắm giữ 30% cổ phần một ngân hàng. Trên mức này sẽ do Chính phủ xem xét phê duyệt từng trường hợp cụ thể. Đáng nói mức trên 30% có khả năng không chỉ áp dụng đối với những ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu. Nếu nước ngoài được sở hữu 51% cổ phần một số ngân hàng, một luồng gió mới sẽ thổi vào ngành tài chính.

Đối với các công ty niêm yết, một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện qui định, room cho nước ngoài có thể mở tới 60% đối với số cổ phần có quyền biểu quyết cộng thêm 10% cổ phần không có quyền biểu quyết. Một doanh nhân nước ngoài cho biết phần lớn các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đều ủng hộ phương án này. Dự thảo cuối cùng cho nghị định hiện đã được đại diện các bộ, ngành thông qua.

Chuyển động thứ hai tác động đến cung cầu ngoại tệ là việc NHNN có thể hạ thêm lãi suất để đẩy tăng trưởng tín dụng nếu chỉ số CPI nửa đầu năm dừng ở tầm 3%. Lâu nay doanh nghiệp vẫn vay đô la Mỹ để tận dụng lãi suất thấp. Nay nếu lãi suất cho vay đồng Việt Nam giảm nữa, chẳng hạn về mức 7-8%/năm (thực tế không ít doanh nghiệp loại A đã tiếp cận được mức lãi suất cho vay này), thì doanh nghiệp sẽ chuyển sang vay tiền đồng thay vì ngoại tệ. Việc dịch chuyển quan hệ vay mượn ngoại tệ sang mua bán ngoại tệ sẽ được mở rộng và áp lực cho cầu ngoại tệ sẽ bớt đi.

Một yếu tố khác là cam kết của NHNN không điều chỉnh tỷ giá quá 2-3% trong năm nay với phương châm “tỷ giá ổn định nhưng không cố định”. Trong khi một trong hai mục tiêu hàng đầu của chính sách tiền tệ là giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam (mục tiêu kia là kiềm chế lạm phát), thì trong điều kiện lãi suất tiền đồng thấp, NHNN có thể sẽ hạ trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ cho dân cư từ 2% hiện nay xuống 1,5 hoặc 1%/năm.

Hiện tượng lãi suất tiền đồng giảm, người dân chuyển sang giữ vàng, ngoại tệ cho đến thời điểm này chưa phổ biến. Huy động tiết kiệm bằng ngoại tệ vẫn tiếp tục giảm và báo cáo của NHNN cho thấy dư nợ cho vay ngoại tệ đến cuối tháng 5-2013 giảm 8,41% so với cuối năm ngoái. Sự dao động trong biên độ hẹp của tỷ giá suốt 22 tháng qua và lãi suất tiết kiệm đô la Mỹ giậm chân ở 2%/năm đã làm giảm nhiệt tình nắm giữ ngoại tệ của cả dân cư và doanh nghiệp.

Dự báo sóng trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng có thể còn dập dình từ nay đến hết tháng 6, thời điểm các ngân hàng kết thúc hoàn toàn việc huy động và cho vay bằng vàng. Khi nhu cầu mua vàng để đóng trạng thái của các ngân hàng không còn (hiện chỉ còn ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) còn âm trạng thái gần 100.000 lượng, nhưng NHNN đã có phương án xử lý riêng vấn đề của SCB vì SCB đang trong quá trình tái cơ cấu), việc chi ngoại tệ để nhập khẩu vàng của Nhà nước sẽ bớt đi. Nhu cầu vàng giảm nhiệt từ phía các ngân hàng, cũng đồng nghĩa với việc sức ép từ vàng lên tỷ giá sẽ nguội dù nhu cầu về vàng của dân cư có thể vẫn còn đó.


Thành Long

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên