MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư vào vàng: Nên hay không?

22-07-2015 - 09:35 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều người vẫn coi vàng là một kênh đầu tư, đầu cơ và một tài sản cần nắm giữ. Cuộc đua với giá vàng có an toàn và hiệu quả?.

TS. Vũ Đình Ánh
TS. Vũ Đình Ánh
Chuyên gia kinh tế
51 bài viết

Theo tổng hợp của trang Google Zeigeist (Zaigai) năm 2014, giá vàng là một trong 5 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng Internet ở Việt Nam. Sau nhiều quy định pháp luật được đưa ra, nhiều biện pháp xử lý chặn hiện tượng vàng hóa khá thành công thì sự quan tâm của người dân vẫn là vàng. Như vậy, nhiều người vẫn coi vàng là một kênh đầu tư, một thứ để đầu cơ và một tài sản cần nắm giữ.

Tuy nhiên, thực tế, giữ vàng đồng nghĩa với mất tiền nếu nhìn vào diễn biến thời gian qua khi giá vàng liên tục sụt giảm. Tuần trước, chỉ trong ngày 16/7, vàng đổi giá 36 lần, liên tục rớt từ mức 33,22 triệu đồng/lượng xuống còn 32,87 triệu đồng/lượng.

Chỉ so với 1 ngay trước đó, mỗi 1 lượng vàng đã mất giá gần 1 triệu đồng. Nếu so với đợt vàng đạt mức giả kỷ lục là 48 triệu đồng/ lượng vào năm 2011, những người mua vàng đã phải chịu lỗ hơn 10 triệu đồng/ lượng. Đáng nói, không phải chỉ một, hai ngày, mà nhiều tháng qua giá vàng đã liên tục tuột dốc, người nắm giữ vàng lỗ nặng.

Mới đây nhất, tờ The Wall Street Journal nhận định, vàng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn. Thông thường, khi thị trường có biến động, vàng luôn thu hút người mua vì mục đích an toàn. Giá vàng từng tăng ở mức cao kỷ lục năm 2011 trong bối cảnh bất an về cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng Euro, khi các cuộc biểu tình chống chính sách thắt lưng buộc bụng diễn ra hàng ngày tại thủ đô Athen.

Năm nay, tình trạng hỗn loạn hơn rất nhiều, Hy Lạp công bố vỡ nợ hay thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm kỷ lục, nhà đầu tư vẫn không tìm đến vàng như từng xảy ra trong các năm trước đây. Vàng thậm chí đang gần chạm mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, giảm khoảng 40% so với mức đỉnh năm 2011.

Khi vàng đã không được coi là kênh đầu tư an toàn, nếu vẫn cứ lao theo, rủi ro sẽ đến trong ngắn hạn, còn dài hạn sẽ ra sao khi nhiều người vẫn cho rằng, giữ vàng là chắc nhất?

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết: “Thứ nhất, vàng là phương tiện để tích trữ, trong bối cảnh có những biến động về kinh tế vĩ mô, vàng luôn được coi là hầm trú ẩn an toàn. Do đó, xét về mặt tích trữ trong dài hạn, vàng vẫn đóng vai trò nhất định của nó. Tuy nhiên, với vai trò là phương tiện đầu tư, công cụ đầu tư thậm chí đầu cơ không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, trong ngắn hạn, vàng không tỏ ra hấp dẫn nữa. Trong dài hạn, vấn đề hấp dẫn của vàng một mặt phụ thuộc vào chính bản thân yếu tố tác động vào thị trường vàng kể cả phía cung lẫn phía cầu. Mặt khác, phụ thuộc vào mối tương quan giữa đầu tư vào vàng và các kênh đầu tư khác. Tôi cho rằng, về dài hạn, vàng cũng sẽ giống kênh đầu tư khác, vẫn có sự hấp dẫn nhất định của nó”.

 

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: “Với đại đa số các gia đình,vàng được sử dụng với tư cách là phương tiện tích trữ nhiều hơn phương tiện đầu tư hay đầu cơ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, mở cửa kinh tế, thu nhập, tài sản tích trữ của nhiều hộ gia đình ở Việt Nam đã tăng lên do đó, vàng cũng trở thành một kênh, một phương tiện để đầu tư. Tôi đánh giá, những người đầu tư vào vàng hay đầu cơ vàng ở Việt Nam không nhiều tuy nhiên, số lượng này đang tăng lên cùng với các điều kiện khá thuận lợi để có thể đầu tư hay đầu cơ vàng. Những người này chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị.

Với diễn biến của vàng trong thời gian gần đây, số những người đầu cơ vàng sẽ giảm rất nhiều. Tính hấp dẫn đầu tư vào vàng ở Việt Nam đã, đang và sẽ giảm”.

PV

Theo VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên