Để gần 40 sàn vàng hoạt động kinh doanh trái phép, trách nhiệm vẫn vòng quanh!
Ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh đến vai trò của các ngân hàng thương mại, bởi hầu hết các sàn vàng, kinh doanh vàng trên tài khoản đều đăng ký tài khoản ở các ngân hàng thương mại.
Thời gian vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an liên tiếp triệt phá các sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản trái phép.
Thực tế cho thấy, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có quy định không cho phép kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản, thế nhưng, theo tài liệu của cơ quan chức năng, vẫn có khoảng 30-40 sàn kinh doanh vàng trái phép tồn tại và thu hút đông đảo khách hàng tham gia.
Trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra như thế nào? Làm thế nào để chấm dứt triệt để hoạt động của các sàn giao dịch vàng trái phép? Chúng tôi đã có trao đổi với các chuyên gia kinh tế, tài chính và một số cơ quan chức năng về vấn đề này.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên viên tài chính - ngân hàng cho biết, trong việc để các sàn vàng hoạt động “chui”, phải nói đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng có nhiệm vụ thanh tra, kiểm soát quy định cấm của Thủ tướng Chính phủ cũng như các quy định cấm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc không cho phép kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản.
Đặc biệt, ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh đến vai trò của các ngân hàng thương mại, bởi hầu hết các sàn vàng, kinh doanh vàng trên tài khoản đều đăng ký tài khoản ở các ngân hàng thương mại.
Trong một thời gian, các công ty này đều có những giao dịch tiền rất lớn, rất nhiều như báo chí đã phản ánh về các Công ty VGX và Công ty Khải Thái. Theo quy định của NHNN thì khi thấy các giao dịch đáng ngờ, các ngân hàng phải có báo cáo lên các đơn vị nghiệp vụ chức năng để xử lý thông tin. Thế nhưng, ở đây, các đối tượng đã giao dịch nhiều tiền như thế trong một thời gian dài mà các ngân hàng thương mại không hề có động thái gì trong việc phát hiện và báo cáo “giao dịch đáng ngờ” như quy định
Khi chúng tôi đặt vấn đề về trách nhiệm quản lý, kiểm tra, thanh tra các hoạt động của các sàn giao dịch trái phép này thì hầu hết đều nhận được những câu trả lời cho rằng trách nhiệm không phải thuộc về đơn vị mình. Đại diện các đơn vị đều đưa ra rất đầy đủ các điều khoản, Nghị định quy định việc họ đã làm đúng trách nhiệm, bổn phận của mình và việc để các sàn vàng kinh doanh trái phép không thuộc trách nhiệm của họ.
Ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, theo điều 17, Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở hình thức đầu tư tài chính chưa thuộc rõ trách nhiệm của ngành Công thương.
Ông San cũng cho biết thêm: “Với trách nhiệm là cơ quan kiểm tra, giám sát thị trường, chúng tôi cũng có quan tâm về việc kiểm tra này bởi đây là hành vi trái pháp luật, mang tính chất lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm. Chúng tôi đã rà soát, đối chiếu với chức năng, quyền hạn của mình để thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và phối hợp với các cơ quan hữu quan trong công tác”.
Để chấm dứt hoạt động của các sàn giao dịch vàng trái phép
Điều quan trọng hơn, hiện nay, theo chúng tôi, là chúng ta sẽ tìm ra lời giải đáp, làm thế nào để chấm dứt hoạt động của các sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản trái phép.
Về phía NHNN, theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, tại Điều 16 và Điều 17 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Chính phủ đã phân công trách nhiệm cụ thể của các cơ quan chức năng có liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra quản lý hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và Bộ Công an.
Trong đó, Điều 17 quy định: “1. Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện chức năng quản lý, kiểm tra, thanh tra hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và việc doanh nghiệp kinh doanh vàng chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật;…5. Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc đấu tranh, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật”.
NHNN khuyến cáo các cá nhân, tổ chức phát hiện bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng nói chung cũng như tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài nói riêng, phải lập tức báo với các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Công San cho rằng, để xử lí hành vi vi phạm này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Cụ thể: về kỹ thuật công nghệ thông tin đòi hỏi sự sát sao của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao. Công tác kiểm soát, kiểm tra, xử lí thuộc trách nhiệm chính của ngành Ngân hàng bởi NHNN là cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lí, xử lí các hành vi huy động vốn kinh doanh vàng dưới hình thức mở tài khoản, đầu tư tài chính của người dân. “Chúng tôi có trách nhiệm trao đổi thông tin với các cơ quan hữu quan khi thực thi nhiệm vụ để xử lí theo thẩm quyền nếu phát hiện hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền của ngành Quản lí thị trường”- ông San cho biết.
Về việc xử lý đối với các các hoạt động kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, ông Nguyễn Ngọc Cảnh cũng cho biết, theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 7 Điều 1 Nghị định 95/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, tổ chức, cá nhân thành lập, kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và chưa được NHNN cấp phép có thể bị xử lý vi phạm hành chính như bị tịch thu tang vật hay bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị xử lý theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cũng kiến nghị, về xử lý hình sự, cần phải có những hình phạt tương đối nặng hơn đối với loại tội phạm kinh doanh trái phép, phải hình sự hóa kể cả những người tham gia chơi ở các sàn này.
Có trừng phạt nặng, có quản lý, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ thì mới hy vọng các sàn giao dịch vàng trái phép không dám hoạt động, hàng trăm, hàng triệu khách hàng không trở thành thiêu thân trong các trò kinh doanh nguy hiểm này.
>>> Nhà đầu tư rút tiền hàng loạt khỏi sàn vàng
Theo T.Hòa - P.Thủy