Đề xuất vay 30.000 tỷ đồng: “NHNN không phải là cái đuôi của ngân sách”
Nói về việc Bộ Tài chính đề xuất vay hoặc tạm ứng 30.000 tỷ đồng từ NHNN, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhấn mạnh NHNN không phải là cái đuôi của ngân sách, vì vậy cơ quan này không được in tiền để hỗ trợ.
- 28-07-2015Nghịch cảnh xử lý nợ xấu ngân hàng: “Đứng cho vay, quỳ thu nợ”
- 17-07-2015Ngân hàng thích huy động hơn cho vay
- 13-07-2015Ngân hàng sẽ rộng tay cho vay
- 04-07-2015Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bơm ròng qua OMO và tín phiếu?
- 27-05-2015Ngân hàng Nhà nước sẽ ổn định tỷ giá trong biên độ 2%
-
Nhiều khả năng tổng mức giảm giá của VND so với USD trong cả năm nay chỉ khoảng 2%
-
Việc yêu cầu báo cáo với những giao dịch có giá trị lớn sẽ giúp cơ quan Nhà nước dễ kiểm soát những giao dịch có dấu hiệu đột biến, bất thường và cũng nhằm khiến những hành vi phạm pháp sớm bị ngăn chặn từ trước khi diễn ra
Theo ông Thành, theo Luật Ngân sách, ngân sách vẫn có thể vay hoặc tạm ứng, tạm cấp NHNN khi có vấn đề phát sinh mà ngân sách chưa có sẵn tiền mặt. Việc này từ trước đến nay vẫn làm, nhưng tại sao thời điểm này lại công khai?
“Thực tế, việc này từ trước đến nay vẫn có, ví như xảy ra bão lũ trong khi ngân sách chưa kịp chuẩn bị thì vẫn phải tạm ứng, tạm cấp. Điều này trong luật vẫn cho phép. Nhưng vấn đề là Bộ tài chính vay hoặc tạm ứng số tiền này để làm gì? Việc vay hay tạm ứng này cần phải có mục đích”, ông Thành bình luận.
Ông Thành thừa nhận là ngân sách đang chịu nhiều áp lực, khó khăn. “Việc ngân sách khó khăn, ai cũng biết nhưng đã vay là phải trả và Quốc hội cần phải giám sát việc này”. Ông Thành còn nhấn mạnh trong trường hợp này NHNN không được in thêm tiền để hỗ trợ ngân sách.
Nói về đề xuất này, đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ, Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, bình luận Bộ Tài chính không huy động được vốn thì phải đi vay từ các nguồn. Thời gian gần đây, việc phát hành trái phiếu Chính phủ rất khó khăn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cũng cho rằng ngân sách đang rất eo hẹp. “Điều này có thể thấy rất rõ qua những biểu hiện gần đây của Bộ Tài chính như vài tháng trước đây đã có ý định vay ngoại tệ từ NHNN, phát hành trái phiếu 1 tỷ USD cho Vietcombank, ráo riết đòi nợ thuế bằng cách công bố danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế khủng trên cả nước. Lần này, ngân sách lại muốn vay 30.000 tỷ đồng từ NHNN”, ông Hiếu nhận định.
Theo ông Hiếu, có thể Bộ Tài chính vay NHNN khoản tiền này xuất phát từ nhu cầu đang cần vốn để trang trải cho đầu tư công. Thời gian qua, việc phát hành trái phiếu Chính phủ không được thị trường đón nhận tích cực như trước.
“Việc Chính phủ vay tiền NHNN là việc bình thường, các nước cũng vẫn làm vậy. Ngay cả các nước lớn cũng có những thời điểm mất cân bằng chi tiêu. Nhưng vấn đề là phải có kế hoạch cụ thể cho việc trả nợ, kiểm soát nợ công như thế nào”, ông Hiếu bình luận.
Ông Hiếu cho rằng, trong thời điểm nợ công đang cao, thị trường không mặn mà với trái phiếu Chính phủ trong những phiên gần đây thì một kế hoạch kiểm soát nợ công cần phải được đặt ra cụ thể.
“Vấn đề nợ công đã được Thủ tướng lưu ý, kêu gọi chỉ dừng ở 65% và sẽ rút xuống trong những năm tới. Nhưng kế hoạch cụ thể như thế nào, lộ trình năm tới sẽ giảm như thế nào? Những loại nợ nào như trung ương, địa phương, ngoại tệ, nước ngoài… sẽ giảm bao nhiêu để giảm nợ công? Tất cả những vấn đề này cần phải có giải pháp cụ thể”, ông Hiếu phân tích.
Ông Hiếu dự báo với sự mất cân đối thu chi có thể sẽ tăng trong thời gian tới khi nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng, còn nguồn thu ngày càng bị chịu sức ép giảm, nhất là nếu như trong thời gian tới giá dầu sụt giảm thì nguồn thu ngân sách sẽ bị ảnh hưởng.
Theo ông Hiếu, để giải quyết tình trạng mất cân đối thu chi ngân sách, giải pháp cho vấn đề thu ngân sách cần phải được đặt ra. Lâu nay, Chính phủ, Quốc hội chỉ mới bàn về vấn đề chi ngân sách, trong khi giải pháp cho việc thu ngân sách lại ít được bàn đến. Đây là vấn đề quan trọng và cần phải có giải pháp để cho nguồn thu ngân sách được ổn định.
BizLIVE