ĐHCĐ bất thường MB: Cổ đông chất vấn về nợ liên quan STL và việc hạn chế room khối ngoại
Cổ đông có ý kiến HĐQT xem xét bỏ hạn chế room 10% cho khối ngoại để tăng cơ hội cho nhà đầu tư và giá cổ phiếu có thể đi lên. Tuy nhiên lãnh đạo MB cho biết room còn lại đang để cho đối tác chiến lược và lúc này chưa thể mở room được.
- 05-10-2015MB đề xuất miễn 20% thuế TNDN 3 năm đầu tiên sau sáp nhập với SDFC
- 05-10-2015Nhân sự của Cty Tài chính Sông Đà sẽ thế nào sau khi sáp nhập vào MB?
Sáng nay (6/10), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – MBB) tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để nhận sáp nhập Công ty tài chính Sông Đà (SDFC – SDF).
Theo báo cáo gửi tới cổ đông, việc nhận sáp nhập SDFC là theo chủ trương tái cơ cấu TCTD của Chính phủ; để hỗ trợ các cổ đông nhà nước của SDFC thoái vốn ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ; giúp MB mở rộng hoạt động trên thị trường tài chính.
Tỷ lệ hoán đổi cổ phần là 2,2:1 tức 2,2 cổ phiếu SDF đổi 1 cổ phiếu MBB. Việc sáp nhập dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2015.
Sau khi nhận sáp nhập SDFC, MB sẽ trình NHNN cho lập công ty tài chính tiêu dùng MB với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
Tên công ty tài chính dự kiến là Công ty tài chính TNHH MTV MB (M Finance). Nhân sự năm đầu tiên của công ty tài chính này là 72 người, năm thứ 2 nâng lên 90 người và năm thứ 5 lên 120 người, bên cạnh đội ngũ cộng tác viên.
Về hoạt động, hai năm đầu tiên sẽ sử dụng nguồn lực có từ MB (cơ sở vật chất, nhân sự, quan hệ đại lý…) để thâm nhập thị trường tài chính tiêu dung. Đến năm thứ 3 mới mở rộng thị phần, đa dạng hóa sản phẩm và khách hàng.
MB cũng có 8 kiến nghị đối với NHNN, trong đó đáng chú ý có việc chấp thuận cho MB được tìm kiếm đối tác chiến lược để mua cổ phần hoặc liên doanh với Công ty tài chính tiêu dùng MB sau một thời gian hoạt động với tỷ lệ nắm giữ tối đa 49% vốn điều lệ công ty tài chính.
Bên cạnh đó, MB kiến nghị NHNN cho phép trực tiếp hỗ trợ tài chính và thanh khoản cho công ty tài chính MB trong 5 năm đầu thành lập, hoặc trong trường hợp gặp khó khăn về thanh khoản.
MB cũng kiến nghị với NHNN có ý kiến với Bộ Tài chính, cơ quan thuế và các đơn vị liên quan cho MB và công ty tài chính tiêu dung MB được giãn, miễn, giảm số thuế trong 5 năm đầu sáp nhập, trong đó riêng MB được miễn 20% thuế trong 3 năm tài chính đầu tiên sau sáp nhập.
Sau khi lãnh đạo MB thông qua các tờ trình nhận sáp nhập và lập công ty tài chính tiêu dùng, đại diện NHNN là ông Hoàng Quốc Mạnh có ý kiến trước đại hội.
Theo vị đại diện NHNN, sau sáp nhập và lập công ty tài chính, hoạt động của công ty này không tránh khỏi những khó khăn. Tuy nhiên, triển vọng của lĩnh vực tài chính tiêu dùng là rất lớn.
Để hỗ trợ cho các ngân hàng trong nước, ông Mạnh cho biết, việc thành lập công ty tài chính tiêu dùng của nước ngoài ở Việt Nam sẽ hạn chế thêm vài năm nữa, công ty nào muốn có sự hiện diện ở Việt Nam thì cần tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Vì thế các NHTM trong nước cần tranh thủ cơ hội này đối với việc lập công ty tài chính
Đối với việc nhận sáp nhập và lập công ty tài chính, trước mắt là NHNN ủng hộ quan điểm của MB và sẽ sớm có chấp thuận.
Liên quan đến các đề xuất thuế, trong trách nhiệm của mình, NHNN cũng sẽ có những kiến nghị với Bộ Tài chính, cơ quan thuế để xem xét các đề xuất mà MB đưa ra.
9h50, đại hội bước vào thảo luận.
Nhóm câu hỏi qua phiếu câu hỏi
Vì sao MB lựa chọn SDFC mà không phải công ty khác, đặc biệt khi SDFC không hiệu quả? Vì sao MB không chọn ngân hàng để sáp nhập mà lại chọn công ty tài chính? Lợi ích mà SDFC mang đến cho MB như thế nào?
Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch thường trực HĐQT MB: Khoảng 3-4 năm trở lại đây, MB luôn đặt mục tiêu tìm kiếm TCTD để sáp nhập nhằm mở rộng mạng lưới, thêm khách hàng mới. Tuy nhiên trong quá trình tìm kiếm, MB đã đặt vấn đề với ít nhất 2 ngân hàng, nhưng đánh giá là chưa phù hợp.
Ban lãnh đạo cũng đã tìm ra vấn đề, TCTD lớn chưa chắc đã mạnh, việc quy mô hệ thống nhỏ có thể khắc phục bằng mạng lưới điện tử, bằng các giải pháp vi mô cho thị trường trương lai và công ty tài chính tiêu dùng giúp phục vụ các khách hàng mà MB chưa phục vụ được.
Bên cạnh đó, ĐHCĐ 2015 cho phép MB sáp nhập công ty tài chính tiêu dùng để mở rộng hoạt động trong lĩnh vực này. SDFC là đơn vị phù hợp, với vốn điều lệ 686 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 1.000 tỷ và MB nắm rõ hoạt động của SDFC vì MB là cổ đông lớn của ngân hàng. Hiện chủ tịch SDFC cũng là cán bộ của MB.
Việc sáp nhập SDFC sẽ giúp MB mở rộng hoạt động, tận dụng kinh nghiệm, có thể cung cấp dịch vụ trọn gói, tăng thu nhập…
SDFC sẽ tác động thế nào đến lợi nhuận, nợ xấu, ROE, hệ số CAR của MB năm nay và năm tới?
Ông Lưu Trung Thái: SDFC sẽ có lợi nhuận ngay năm đầu tiên nên sẽ không tác động đến lợi nhuận.
Ngoài ra, công ty tài chính tiêu dùng cũng sẽ có những đối tác chiến lược nước ngoài hỗ trợ cho hoạt động.
Sau khi nập SDFC, MB vẫn cam kết tăng trưởng 8 – 10%, các chỉ số khác cũng đảm bảo. Tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức an toàn.
Có một công ty chứng khoán đánh giá MB sẽ mất 500 tỷ khi nhận SDFC, vậy MB đánh giá thế nào?
MB đã lâp ban điều hành về sáp nhập, đánh giá rủi ro tài chính, rà soát, thuê E&Y và một công ty luật để đánh giá SDFC, tính toán đến mọi rủi ro, lợi ích thì cổ đông có thể yên tâm.
Nhóm câu hỏi trực tiếp
Lãnh đạo MB có thể cho biết các khoản nợ liên quan Sông Đà Thăng Long (STL) và Sudico có khả năng thu hồi hay không?
HĐQT có thể xem xét bỏ hạn chế room 10% cho khối ngoại hay không, để giá cổ phiếu có thể tăng lên?
Ông Lưu Trung Thái:
Liên quan đến hai khoản nợ lớn của MB là STL và Sudico. Hiện số dư liên quan Sudico là 208 tỷ đồng, tuy nhiên Sudico có phần tài sản đảm bảo khá lớn (khu đất ở Nam An Khánh).
Còn khoản vay của STL, hiện MB đã có chứng từ định giá và có khả năng giải quyết được. Hiện MB đang tìm nhà đầu tư khác thay STL để tái cơ cấu lại việc thực hiện các dự án.
Về việc hạn chế room nhà đầu tư nước ngoài ở mức 10%. HĐQT cho biết muốn giữ room còn lại cho nhà đầu tư chiến lược. Khi tìm được phương án hợp lý, nhà đầu tư hợp lý sẽ báo cáo cổ đông. Việc mở room là chưa thực hiện ngay lúc này.
- Việc phát hành 390 triệu cổ phiếu cho cổ đông lớn giá thấp hơn giá thị trường có ảnh hưởng đến cổ đông nhỏ lẻ hay không?
Ông Lưu Trung Thái: Việc phát hành giá thấp hơn giá thị trường là liên quan đến lợi ích lâu dài mà cổ đông mang đến cho MB. Vấn đề này đã báo cáo tại ĐHCĐ thường niên.
- Kế hoạch lợi nhuận 2015 – 2018 có phần dự trù liên quan NIM thu nhỏ hay không?
Dự trù tăng trưởng các năm tới còn phụ thuộc vào chính sách của NHNN. NIM giảm là xu hướng chung, lãi suất cho vay giảm nhanh hơn mức giảm huy động.
- Hết quý 3, MB đã bán nợ cho VAMC thế nào, từ nay đến cuối năm có bán nợ nữa không?
Năm nay MB đã hoàn tất kế hoạch bán nợ cho VAMC và cũng hoàn tất kế hoạch thu hồi nợ. Từ nay đến cuối năm không bán thêm nợ.
- Việc hoán đổi cổ phiếu có thiệt thòi cho cổ đông hay không? Giá cổ phiếu có bị ảnh hưởng không?
Nếu là cổ đông lớn thì tỷ lệ pha loãng mới bị ảnh hưởng nhưng không nhiều.
Giá cổ phiếu sẽ không giảm mà còn tăng lên. Hiện ở quanh mức 15.000 đồng.
- Sau khi chuyển đổi, cổ phiếu có bị chuyển nhượng hay không?
Sau khi làm việc với bên lưu ký và ủy ban chứng khoán thì chúng tôi trả lời là cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng.
- Kết quả kinh doanh quý 3 như thế nào? Dự phòng 2016 rất cao, tới 2.450 tỷ đồng trong khi nợ xấu giảm?
Trong 9 tháng đầu năm ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 2.400 tỷ đồng. Dự phòng năm sau cao là do tính cả dự phòng khoản nợ bán cho VAMC.
- Hiện nay SDFC rất xấu vì nợ xấu tới hơn 80% (khoảng hơn 500 tỷ), cơ sở nào để SDFC có thể cải thiện? Việc định giá cổ phiếu công ty tài chính là bao nhiêu? Hiện MB đang cho vay cá nhân, lập công ty tài chính sẽ hỗ trợ thế nào cho ngân hàng?
- E&Y có thể cho cổ đông biết mức định giá của đơn vị với SDFC? Căn cứ báo cáo của SDFC thì nợ xấu cao, và theo đánh giá của cổ đông thì có thể giá trị của SDFC chỉ còn 0 đồng.
- Kiến nghị của MB với NHNN về việc giảm thuế 20%, xin hỏi NHNN có khả năng cao được đáp ứng hay không?
Liên quan phần kiến nghị thuế, NHNN sẽ có ý kiến với cơ quan thuế.
Về tình hình của SDFC, MB tin tưởng hoạt động sẽ tốt và có lợi nhuận ngay năm đầu tiên. Năm sau sẽ có nhà đầu tư chiến lược vào và sẽ cùng MB hỗ trợ cho công ty tài chính...
Các câu hỏi còn lại chưa được trả lời hết. 11h00 đại hội kết thúc phần thảo luận, bước sang biểu quyết thông qua các tờ trình.
11h10, đại hội công bố kết quả biểu quyết với kết quả cổ đông đồng thuận nhận sáp nhập SDFC và lập công ty tài chính.
Trí Thức Trẻ