MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ MHB: Sáp nhập với BIDV để hình thành định chế tài chính lớn mạnh

18-04-2015 - 10:24 AM | Tài chính - ngân hàng

Lãnh đạo MHB cho biết, với nguyên tắc "giữ nguyên trạng và hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1”, việc sáp nhập dự kiến sẽ không gây xáo trộn về hoạt động kinh doanh cũng như biến động trước, trong và sau khi sáp nhập.

Ngày 17/4/2015, tại tp. Hồ Chí Minh, Ngân hàng MHB tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015.

Tham dự đại hội có Bà Đỗ Thị Nhàn -  Vụ truởng Vụ 1 Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng,  bà Nguyễn Thị Thai, đại diện Cục thanh tra giám sát Ngân hàng tp. Hồ Chí Minh,  Hội đồng Quản trị Ngân hàng MHB, Ban tổng giám đốc MHB cùng các cổ đông.

Tại đại hội, ông Huỳnh Nam Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MHB đã tóm tắt kết quả thực hiện các hoạt động kinh doanh năm 2014. Mặc dù trong năm qua đã có nhiều khó khăn thách thức do môi trường kinh tế vĩ mô còn nhiều bất ổn, Ngân hàng MHB vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu do Hội đồng Quản trị đặt ra, đồng thời vẫn bám sát định hướng của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước để góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của ngành trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, so với 2013, tổng tài sản tăng 17%, đạt 105% kế hoạch;  nguồn vốn huy động tăng 14%, đạt 109% so với kế hoạch; dư nợ tín dụng tăng 14%, tỷ lệ nợ xấu 2,72%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) 16,95%, lợi nhuận tăng 14%.

Bên cạnh đó, ông Huỳnh Nam Dũng cũng có đánh giá tổng quan về quá trình hình thành và phát triển của Ngân hàng MHB trong suốt 17 năm qua. Từ một ngân hàng quốc doanh ra đời sau, chỉ có quyết định thành lập, không có mạng lưới, thị phần, khách hàng, toàn bộ quy trình nghiệp vụ, quản lý, cơ sở vật chất, sản phẩm, dịch vụ phải xây dựng từ đầu, Ngân hàng MHB đã không ngừng nỗ lực để phát triển, tăng cường đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động kinh doanh nhằm góp phần vào việc phát triển kinh tế của cả nước.

Đến nay, MHB đã trở thành một ngân hàng thương mại hoàn chỉnh với một mạng lưới gồm 44 chi nhánh, 185 phòng giao dịch tại 35 tỉnh/thành phố trong cả nước, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (hệ thống mạng lưới chỉ đứng thứ 2 sau Ngân hàng NN&PTNT).

Cũng tại đại hội, Hội đồng Quản trị Ngân hàng MHB đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông về kế hoạch phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hoàn thiện đề án sáp nhập.

BIDV hiện có thế mạnh ở các thành phố lớn và khu công nghiệp. Còn MHB có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tại thời điểm 31/12/2014, tổng dư nợ BIDV đạt 445.693 tỷ đồng, trong đó tới 58% thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô xe máy; còn nông, lâm nghiệp và thủy sản mới chiếm 5,4%. Ngược lại, cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn của MHB chiếm gần 70% tổng dư nợ 30.605 tỷ đồng.. Ngoài ra, MHB là ngân hàng chuyên về bán lẻ, điều này sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng cho BIDV, vốn chuyên cho vay những món lớn.

Với việc sáp nhập này, Ngân hàng BIDV sau sáp nhập sẽ có lợi thế về quy mô, nâng cao năng lực tài chính, tận dụng và phát triển được nền khách hàng của 2 ngân hàng, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL, đồng thời tiếp tục hoàn thiện mạng lưới, sản phẩm để đẩy mạnh phát triển dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng của Chính phủ và NHNN.

Việc sáp nhập MHB vào BIDV là một trong những bước của lộ trình thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hang thương mại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lãnh đạo MHB cho biết, với nguyên tắc giữ nguyên trạng thái và hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1, việc sáp nhập dự kiến sẽ không gây xáo trộn về hoạt động kinh doanh cũng như biến động trước, trong và sau khi sáp nhập. Mục tiêu chính của việc sáp nhập là góp phần hình thành các định chế tài chính Việt Nam vững mạnh, có chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đủ năng lực cạnh tranh và hội nhập với các ngân hàng trong khu vực và thế giới.

 

 

Tùng Lâm

Nguyễn Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên