MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Ngân hàng ACB: Chia cổ tức 7% bằng tiền mặt, đại diện Dragon Capital trở lại Hội đồng quản trị

22-04-2015 - 10:05 AM | Tài chính - ngân hàng

Ông Dominic Timothy Charles Scriven, Cổ đông sáng lập và Giám đốc điều hành của Dragon Capital quay trở lại Hội đồng quản trị của ACB sau khi từ nhiệm hồi 2011. Năm nay, ACB lập mới hoặc mua lại công ty tài chính cùng kế hoạch lợi nhuận ngân hàng hợp nhất hơn 1.300 tỷ đồng.

Sáng nay 22/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015.

Theo báo cáo của Hội đồng quản trị và Ban điều hành, năm 2014 tổng tài sản của ACB tăng trưởng 8%; tín dụng tăng 9% và huy động vốn tăng 12%. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt 14,1%; dự phòng tín dụng tăng 14%; tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,2% trên tổng dư nợ.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.215 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2013 và vượt 2% so với kế hoạch đề ra.

Tỷ lệ về khả năng chi trả (tỷ lệ tổng tài sản có thanh toánngay so với tổng nợ phải trả) ở mức 22%, cao hơn so với mức quy định tối thiểu 15%; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 24%; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tiền gửi khách hàng ở mức 75%.

Kế hoạch 2015, ngân hàng đặt chỉ tiêu tăng trưởng tổng tài sản, tiền gửi, cho vay đồng loạt ở mức 13%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và lợi nhuận trước thuế 1.314 tỷ đồng.

Chia cổ tức 7% bằng tiền mặt

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2014, sau khi trích lập các quỹ ACB còn lại gần 773 tỷ đồng, cộng với phần lợi nhuận các năm trước còn giữ lại chưa chia (trừ đi hơn 664 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ), ACB có tổng cộng hơn 802 tỷ đồng để chia cổ tức.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng trình phương án chia cổ tức năm 2014 là 7% bằng tiền mặt, tương đương 700 đồng/cổ phiếu. Số tiền để chia cổ tức là hơn 627 tỷ đồng. Phần còn lại ngân hàng dự kiến trích 30 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ thưởng cho nhân viên.

Như vậy cho đến thời điểm này, ACB là ngân hàng có mức chia cổ tức bằng tiền mặt cao nhất trong số các ngân hàng có hội sở tại Tp. Hồ Chí Minh.

Thành lập hoặc mua lại công ty tài chính, vốn điều lệ 500 tỷ đồng

Với lý do, ngân hàng thương mại có thể sẽ không còn được cho vay tiêu dùng, tùy theo lộ trình của NHNN và Ngân hàng thương mại được lập công ty tài chính để cho vay tiêu dùng nên ACB trình cổ đông kế hoạch lập công ty tài chính.

Mô hình công ty có thể dưới hình thức mua lại hoặc thành lập mới với các hoạt động gồm tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính, bao thanh toán. Vốn điều lệ của công ty tài chính dự kiến là 500 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng đã dự trù khá chi tiết về hoạt động của công ty tài chính trong 3 năm tới, trong đó lợi nhuận trước thuế năm đầu tiên dự kiến là 89 tỷ đồng; năm thứ 2 là 105 tỷ và năm thứ 3 là 123 tỷ đồng.

Chất vấn của cổ đông với lãnh đạo ngân hàng

Ông Trần Hùng Huy, chủ tịch ACB đã có bài phát biểu trước phần thảo luận của cổ đông.

Ông Huy nhận định, về tổng quan kinh tế 2014 khả quan hơn 2013 nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Với ngành ngân hàng, tín dụng vẫn ách tắc, xử lý tài sản còn khó…Trong bối cảnh đó ngân hàng ACB vẫn đạt được những kết quả khá lạc quan về cả điều hành lẫn quản trị. ACB sẽ không dừng lại ở những gì đã làm được mà sẽ tiếp tục phấn đấu, tạo sự khác biệt trên thị trường.

Một cổ đông đến từ Hà Nôi đặt câu hỏi với lãnh đạo ACB: Trong cơ cấu của ngân hàng có chỗ làm tốt, chỗ làm xấu, vì sao lãnh đạo ngân hàng không áp dụng chuẩn mực chung? Việc chia cổ tức lãnh đạo ngân hàng cần chia sớm cho cổ đông?

Ông Trần Hùng Huy: Lãnh đạo ngân hàng sẽ tập trung đẩy nhanh thủ tục để chi trả cổ tức cho cổ đông càng sớm càng tốt, dự kiến vào tháng 5. Về việc quản lý, điều hành thì ngân hàng cũng sẽ chấn chỉnh để hoạt động tốt hơn.

Cổ đông hỏi: Ngân hàng có thể chia sẻ kế hoạch bán nợ cho VAMC năm 2015? Tỷ lệ an toàn vốn có đảm bảo khả năng tăng trưởng hay không?

Ông Đỗ Minh Toàn: Với tình hình hiện nay chúng ta có thể tăng trưởng tín dụng 13 – 15%. Vốn chủ sở hữu cũng sẽ tăng lên nhờ nguồn lợi nhuận giữ lại.

Theo tính toán của ban điều hành, năm 2016, sau khi ACB hoàn tất gầnnhư 90% các tồn đọng của 2012 trở về trước, ngân hàng có thể đạt lợi nhuận khoảng 3.000 tỷ đồng.

Về bán nợ cho VAMC, năm 2014 nợ xấu dưới 2,2% và không thuộc diện bắt buộc phải bán nợ. Tuy nhiên để chủ động xử lý nợ, ACB đăng ký sẽ bán 1.000 tỷ đồng các khoản nợ đã được phân loại. Chủ trương của ngân hàng là xử lý tài sản đảm bảo có hiệu quả.

Cổ đông hỏi: Chi phí trên doanh thu vẫn cao, ngân hàng  sẽ xử lý như thế nào trong thời gian tới?

Ông Đỗ Minh Toàn: Ngân hàng sẽ tăng doanh thu. Sự kiện năm 2012 đã ảnh hưởng lên ngân hàng không nhỏ. Năm 2015 và 2016 kết quả sẽ khả quan hơn, khả năng sinh lời sẽ cao hơn.

Cuối quý 1/2015 Nợ xấu thế nào?

Nợ xấu của ngân hàng hiện 2,08%, số tiền tuyệt đối cũng giảm hơn. Trong quý 1 đã xử lý khá tốt nợ xấu các năm trước. Năm nay dự kiến xử lý 1.600 tỷ đồng nợ xấu. Ban điều hành đã tổ chức hoạt động xử lý nợ xấu theo quy trình, gồm trung tâm xử lý nợ xấu và AMC tổ chức công tác khởi kiện, thu hồi nợ xấu.

Tiền gửi liên ngân hàng 400 tỷ đồng và hơn 700 tỷ đồng hiện nay ra sao?

Với ACB, hai khoản tiền này theo lộ trình tái cấu trúc, cũng như đã làm việc với các ngân hàng, ACB tin tưởng sẽ thu hồi được nợ dù thủ tục chậm hơn. Hiện tài sản đảm bảo của 1 trong 2 khoản nợ này rất tốt, bằng chính tài sản đảm bảo là trụ sở của ngân hàng này.

Hiện ACB đã đàm phán với cơ quan thanh tra giám sát về các khoản tiền gửi liên ngân hàng còn tồn đọng.

Lợi nhuận của ngân hàng quý 1?

Lợi nhuận quý 1 là 359 tỷ đồng, tín dụng tăng hơn 3%, huy động vốn tăng phù hợp với tín dụng. Dự phòng rủi ro thực hiện theo lộ trình tái cấu trúc. Dự phòng dự kiến là 2.000 tỷ đồng cho nămn ay và xử lý gần như xong tồn đọng của quá khứ.

ACB có M&A ngân hàng không? ACB có mua tiếp cổ phiếu quỹ trong năm nay không?

Ông Trần Hùng Huy: Trong tương lai nếu có cơ hội sáp nhập thực sự có lợi, HĐQT sẽ nghiên cứu và trình cổ đông sau. ACB không mua cổ phiếu quỹ mà sẽ mua cổ phiếu thưởng

Bao giờ ACB trở lại như xưa?

Ông Đỗ Minh Toàn: Trong vòng 18 tháng tới

Cổ đông chiến lược nước ngoài Standard Chartered có tiếp tục gắn bó với ACB hay không?

Đại diện Standard: Chúng tôi xác định là cổ đông chiến lược gắn bó lâu dài với ngân hàng.

Cổ đông chỉ quan tâm cổ tức và giá cổ phiếu. Thời gian qua giá cổ phiếu thấp, cổ tức 7% cũng thấp. Năm 2015 cổ tức dự kiến 900 đồng/cổ phiếu cũng không cao. Kế hoạch kinh doanh và chiến lược thời gian tới (hoạt động bán lẻ) chúng ta có thế mạnh gì?

Ông Trần Hùng Huy: Cổ tức đúng là vẫn thấp, nhưng chúng tôi phải trích lập dự phòng lớn xử lý sự cố 2012. Năm 2016 hoạt động bình thường, mức cổ tức ngân hàng sẽ chia ở mức ngang bằng thị trường.

Về thế mạnh so với các ngân hàng khác, ACB có mạng lưới kênh phân phối hơn 350 chi nhánh phòng giao dịch, có đội ngũ nhân sự có kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực trong lĩnh vực này.

Ngoài ra ACB sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ nhân lực, đầu tư hệ thống công nghệ IT để bắt kịp ngay với các ứng dụng mới sao cho khách hàng có chi phí thấp nhất.

Với công nghệ mới, việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng sẽ rẻ tiền hơn. Đó là thế mạnh của ACB.

Đại diện Dragon Capital tham gia HĐQT

Đại hội cổ đông của ACB sáng nay đã thông qua việc từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Alain Xavier Cany và bầu cử bổ sung ông Dominic Timothy Charles Scriven vào HĐQT nhiệm kỳ 2013 - 2017.

Ông Dominic sinh năm 1963, từng công tác tại Ngân hàng đầu tư thuộc Citi Group; công ty quản lý quỹ Sun Hung Kai, tập đoàn Peregrine Việt Nam. Ông Dominic từng là thành viên HĐQT của ACB trong giai đoạn 2008 - 2011. Hiện tại ông là cổ đông sáng lập và giám đốc điều hành của Dragon Capital Group.

Tùng Lâm

Nguyễn Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên