MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đích đến của Thông tư 36 không phải là lượng margin mà là vấn đề sở hữu chéo

25-11-2014 - 09:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Mục tiêu của NHNN là siết chặt các hoạt động cho vay margin trên thị trường để đảm bảo an toàn tín dụng.

Xoay quanh những quy định tại Thông tư 36 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế - Tài chính (học viện Tài chính).

Những quy định trong Thông tư 36 được xem là khá mạnh tay với thị trường tài chính hiện nay, ông có nghĩ thế không?

Câu trả lời phụ thuộc vào việc 17.000 tỷ đồng margin trên thị trường hiện nay do ai cung cấp. Nếu phần lớn lượng margin này do các TCTD cung cấp, thì đó là tin xấu đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu.

Tuy nhiên, nếu phần lớn lượng margin trên thị trường hiện nay do các CTCK cung cấp trên cơ sở vốn tự có của mình, thì Thông tư 36 không gây áp lực nhiều lên thị trường.

Tất nhiên, các TCTD đang nắm giữ cổ phiếu ngân hàng ở mức cao hay đang cho vay chứng khoán với quy mô lớn hơn 5% vốn điều lệ sẽ phải chịu một số bất lợi.

Theo ông các TCTD liệu có về đúng đích là ngày 1/2/2015 như Thông tư 36 quy định không?


Điều này phụ thuộc vào xu hướng của thị trường cũng như phụ thuộc vào câu trả lời về việc ai là người đang cung cấp margin cho thị trường đã nói ở trên.

Những thông tin được công bố cho tới thời điểm hiện nay cho thấy, NHNN đã có những tính toán nhất định và đích ngắm của Thông tư 36 có lẽ không phải là lượng margin trên thị trường hiện nay, mà là vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.

Nếu mục tiêu của NHNN là siết chặt các hoạt động cho vay margin trên thị trường để đảm bảo an toàn tín dụng, NHNN đã không giảm hệ số rủi ro cho vay cổ phiếu từ 250% xuống còn 150%.

Ông có cho rằng Thông tư này sẽ giải quyết được dứt điểm vấn đề sở hữu chéo không?

Quy định về giới hạn mà các NHTM được phép mua, nắm giữ cổ phiếu của các TCTD khác là điều kiện cần để giải quyết vấn đề sở hữu chéo. Tuy nhiên, việc giải quyết dứt điểm vấn đề sở hữu chéo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Ma trận sở hữu chéo liên quan mật thiết với ma trận về lợi ích. Thêm vào đó, hệ thống NHTM rất nhạy cảm với các biện pháp mạnh. Không dễ để giải quyết vấn đề sở hữu chéo trong một sớm một chiều.  

Kiến nghị của ông đối với các chế tài đi kèm khi áp dụng Thông tư này là gì?

Các chế tài thường chỉ hiệu quả khi số lượng các vi phạm không nhiều. Lúc đó các hình phạt mới có tính răn đe cao. Còn một khi “cả làng” đều đang trong tình trạng vi phạm các quy định, sẽ rất khó để áp dụng các chế tài trên diện rộng, nhất là với lĩnh vực nhạy cảm như hoạt động ngân hàng.

Trong trường hợp này, việc khuyến khích các TCTD “hành xử đúng đắn” có thể mang lại hiệu quả cao hơn. NHNN đang khuyến khích các TCTD bán nợ xấu cho VAMC, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống còn 3%, đồng thời giảm quy mô sở hữu chéo tại các TCTD để đổi lấy cơ hội kiếm tiền trên thị trường cổ phiếu.  

Xin cảm ơn ông!

Khánh Nhi (thực hiện)

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên