“Điểm yếu nhất” của người Việt với vay tín chấp
Đâu là nguyên nhân chính gây ra những vụ kiện tụng gần đây trên thị trường cho vay tín chấp của các công ty tài chính, ngân hàng?
- 06-08-2015Thống đốc nói gì về việc cho vay tín chấp chưa mạnh?
- 21-06-2015Làm nông được vay tín chấp đến 3 tỉ đồng
- 27-10-2014Vay tín chấp vào vòng luẩn quẩn
- 09-10-2014Vay tín chấp tiền tỷ, sếp ngân hàng run tay không dám ký
- 01-10-2014Vay tín chấp: Của khôn, người khó
Tại cuộc tọa đàm “Quản trị rủi ro trong vay tiêu dùng tín chấp sáng 10/9/2015” tại TP.HCM, các chuyên gia tài chính cho rằng điểm yếu nhất của người tiêu dùng Việt Nam trong thị trường tín chấp đa số là hiểu biết pháp lý yếu, ít khi chịu đọc kỹ hợp đồng, có tâm lý chỉ muốn mua hàng ngay.
Thứ hai là thủ tục văn bản pháp lý còn rườm rà, khiến người dân cảm thấy rối, nên họ ngại tiếp xúc với các công ty tài chính, ngân hàng, và cuối cùng phải tìm tới tín dụng đen.
Tại toạ đàm, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM nói: "Tín dụng đen ngoài thị trường tự do dù không được cấp phép, trá pháp luật, nhưng vẫn tồn tại và sống rất khỏe vì vẫn còn có môi trường cho nó hoạt động, đó là những tiểu thương, nông dân, muốn vay một số tìền nhỏ nhưng không muốn ra ngân hàng vì thủ tục rườm rà, thậm chí có người còn không muốn cho người khác biết mình đi vay".
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM.
Ông Minh cho biết: Hiện ở TP.HCM có đủ các loại công ty tín dụng, với khoảng 2.200 các điểm giao dịch, phong phú về sản phẩm tài chính, đội ngũ cán bộ hơn 100 ngàn người, đủ phục vụ cho 10 triệu dân thành phố. Tuy nhiên, một vài địa bàn vẫn còn bị bỏ ngỏ như các huyện vùng sâu vùng xa. Mạng lưới thẻ chưa đụng tới, mới dừng ở thị trấn, xuống tới xã chưa có. Ở đây nhu cầu vay vốn rất cao, cả vốn sản xuất và tiêu dùng.
"Những công ty tài chính phải để ý đến các cư dân vùng này và các chợ nhỏ, chợ xã, chợ khu phố… Mạnh dạn đưa đội ngũ của mình đến những vùng đó để phát triển sản phẩm của mình. Thậm chí ở đây người có tiền cũng không muốn đến ngân hàng, họ thường mua nhà hoặc chợi hụi chơi hè. Các hình thức tín chấp ngân hàng thương mại cần tập trung hỗ trợ, để cải thiện đời sống của họ”, ông Minh nêu quan điểm.
Một câu hỏi đặt ra với Ngân hàng Nhà nước là phải chăng có sự “ưu tiên” cho ngân hàng hơn các công ty tài chính, khiến cho lãi suất công ty tài chính khó vào các thị trường cho vay tín chấp?
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết: “Ngân hàng Nhà nước cũng hiểu đặc thù từng ngân hàng, công ty tài chính, đương nhiên chúng tôi phải làm mọi cách để bảo đảm cho người dân phải được vay với lãi suất thấp nhất. Công ty tài chính dù không có lợi thế về lãi suất, nhưng lại có ưu thế vì biết rõ về người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng tín chấp. Nghị định 39 cho các công ty tài chính cần phải đánh giá lại sau một năm hiệu lực, để có biện pháp thích hợp hơn”.
Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển phản biện: "Nếu chúng ta nói cho vay ngân hàng lãi suất thấp hơn là không phải, vì sản phẩm không giống nhau. Chính ngân hàng cũng phát hiện ra mảng bán lẻ và đi vào các chợ. Nhưng họ không đi sâu vào lĩnh vực này, vì không chấp nhận rủi ro. Rủi ro cao hơn thì lãi suất cũng cao hơn, đó là lĩnh vực của công ty tài chính".
Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển.
"Công ty tài chính nếu quá chặt chẽ về thủ tục, trong khi các công ty khác thoáng hơn sẽ thua trong cuộc cạnh tranh này, đó là kinh tế thị trường. Nhiệm vụ của truyền thông là kịp thời đánh giá hoạt động của các công ty tài chính, để chỉ cho người dân biết những đơn vị hoạt động không bình thường. Vấn đề không phải lãi suất rẻ hay mắc, mà số tiền chúng ta vay có hợp lý không. Phải truyền thông cho người dân biết về quản trị tiêu dùng cá nhân".
Ông nói tiếp: "Lúc nào người dân cũng muốn thủ tục nhanh, ngược lại công ty lúc nào cũng muốn an toàn. Ở Nhật, cho vay tín chấp chỉ thông qua một cái máy, một người tới chỉ cần nhập dữ liệu vào sau 15 phút sẽ được vay. Việc này cũng có thể làm được ở Việt Nam".
"Trong qua trình tiếp xúc gần gũi với người dân, tôi hỏi một số người trẻ sao không để dành tiền mua điện thoại? Họ nói nếu để tiền sẽ xài hết, không mua được điện thoại. Đó là “thuộc tính” của một số người không đủ kiên nhẫn để dành. Cho nên, vay tiêu dùng thỏa mãn những người đó. Một cặp vợ chồng trẻ để dành hoài cũng không đủ tiền mua tủ lạnh, nếu vay để sở hữu ngay là hợp lý cho gia đình họ. Hành vi tài chính cá nhân phải đáp ứng thuộc tính xã hội", ông Hiển dẫn chứng.
BizLIVE