Điểm yếu về tín dụng và sở hữu chéo cần xử lý
Năng lực cho vay giảm là một trong những yếu tố khiến cho tín dụng giảm mạnh.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố báo cáo đánh giá khu vực tài chính (FSA) do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thực hiện lần đầu tiên ở Việt Nam. Báo cáo đã chỉ ra nhiều điểm yếu kém của hệ thống tài chính cần xử lý như nợ xấu, tín dụng, sở hữu chéo, công tác thanh tra giám sát...
(Xem thêm: Vấn đề về nợ xấu)
Báo cáo nhận định, trong những năm gần đây kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại đã bộc lộ những dấu hiệu khó khăn về tài chính và doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sức khỏe của ngân hàng. Một số DNNN lớn đã mất khả năng thanh toán nợ trong khi hệ thống ngân hàng tích tụ lượng nợ xấu lớn còn nhiều ngân hàng nhỏ có vấn đề về khả năng thanh toán ở mức độ nghiêm trọng khiến NHNN phải can thiệp. Năng lực cho vay của hệ thống ngân hàng bị giảm là một trong những yếu tố góp phần làm cho tăng trưởng tín dụng giảm mạnh.
Số liệu cho thấy, tín dụng năm 2007 tăng 54%/năm, tương đương 20% GDP chủ yếu do luồng vốn lớn vào sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Cuối 2008 tín dụng chậm lại chỉ còn 25,4% do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Sau đó, việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ đã gây ra một đợt bùng nổ tín dụng lớn khác vào năm 2009 và 2010, dẫn đến một đợt thắt chặt chính sách, và rồi tín dụng giảm mạnh trong 2011 với mức tăng 14,3%. Đến 2012, lo ngại có thể đã thắt chặt quá mức, chính sách đã được nới lỏng, tuy nhiên lần này tín dụng không thể tăng nổi và vẫn ở mức thấp.
Một nội dung khác được đề cập trong báo cáo của IMF và WB là tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng và ngân hàng với doanh nghiệp.
Báo cáo đánh giá, hệ thống ngân hàng Việt Nam có đặc điểm là mức độ sở hữu chéo cao, bao gồm sở hữu các ngân hàng thương mại cổ phần bởi các ngân hàng khác, bởi các tập đoàn kinh tế với cấu trúc chưa hiểu rõ được. Cơ cấu cổ đông phức tạp đã gây ra những quan ngại sâu sắc về xung đột lợi ích và hoạt động cho vay bên có quan hệ/liên quan nhằm tài trợ cho các dự án thiếu minh bạch hoặc hoạt động đầu cơ ngoài ngành. Cơ cấu này cũng dẫn đến tình trạng phóng đại vốn do cho vay mua cổ phần lẫn nhau và đã tạo điều kiện lách các quy định an toàn như giới hạn tập trung tín dụng.
Các khuyến nghị được đưa ra để xử lý vấn đề là kiểm toán tài chính đặc biệt đối với các ngân hàng, làm cơ sở để tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước. Việc kiểm toán hoạt động sẽ giúp xác định được các hình thức sở hữu chéo, cho phép giám sát rủi ro hệ thống trong quá trình cải cách. Các doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng TMNN sẽ phải thoái vốn tại các ngân hàng khác, đồng thời có các biện pháp để giải phóng các DNNN ra khỏi nhiệm vụ chính sách.
Tùng Lâm