MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều kiện khắt khe, ngân hàng "ngại" lên sàn

09-12-2013 - 15:59 PM | Tài chính - ngân hàng

Kế hoạch lên sàn của một số ngân hàng bị trì hoãn vì TTCK khó khăn. Nhưng thực chất, các yêu cầu khắt khe trước và sau khi niêm yết cổ phiếu khiến ngân hàng chưa mặn mà lên sàn.

Trên 2 sàn HNX và HoSE, hiện mới có 8/40 ngân hàng (là công ty đại chúng) đã niêm yết và giao dịch cổ phiếu, gồm: Vietinbank, Vietcombank, Eximbank, ACB, MB, Sacombank, SHB, Navibank (vừa xin hủy niêm yết). Các ngân hàng này đã niêm yết từ trước năm 2012 và tận dụng khá tốt nguồn vốn huy động trên thị trường chứng khoán. Nhưng thị giá của nhiều mã chứng khoán đã giảm rất thấp.

Lỡ hẹn

Năm 2011, BIDV chào bán cổ phần lần đầu tiên ra công chúng (IPO) nhưng phải hoãn lại vì thị trường chứng khoán ảm đạm, dòng tiền khó khăn, cổ phiếu rớt giá hàng loạt… Vừa qua, BIDV đã IPO thành công và quyết định nộp hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 2,8 tỷ cổ phiếu, dù điều kiện thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Kế hoạch niêm yết cổ phiếu của một số ngân hàng khác, như: Maritimebank, Techcombank, DongABank, OCB, SouthernBank… cũng đã rục rịch chuẩn bị từ lâu. Nhưng trong 2 mùa đại hội cổ đông gần đây, lãnh đạo các ngân hàng cho biết việc niêm yết phải tạm hoãn vì thời điểm không thuận lợi. Hơn nữa, ngân hàng vẫn đang tìm kiếm các cổ đông, nhà đầu tư (NĐT) chiến lược phù hợp để bán cổ phiếu.

Tuy nhiên, các NĐT, cổ đông cũng cảm thông vì hiểu rằng tình cảnh ngân hàng đang khó khăn, lợi nhuận giảm sút nên cổ phiếu cũng kém hấp dẫn. Nhất là các ngân hàng trong diện tái cơ cấu, chưa xử lý được những tồn tại về tài chính, quản trị, bộ máy nhân sự, nợ xấu… Những trở ngại này nếu không sớm giải quyết thì dù cổ phiếu có bán được và niêm yết thành công, không có gì đảm bảo cổ phiếu đó sẽ đứng vững, thanh khoản tốt để tạo ra lợi ích cho NĐT, cổ đông.

Hiện nay, còn hơn 30 ngân hàng thương mại cổ phần thuộc diện đại chúng chưa thực hiện niêm yết. Ngoài 5 ngân hàng đang chuẩn bị thủ tục niêm yết nêu trên, số ngân hàng còn lại, như: An Bình, Bắc Á, Bản Việt, GPBank, Kiên Long, HDBank, Phương Nam, Phương Đông, VIB, VPBank, Tiên Phong, PVcomBank… chưa có thông báo chính thức về kế hoạch niêm yết trên sàn.

Trong số này, Ngân hàng Tiên Phong đang tái cơ cấu theo phương án sáp nhập với tập đoàn DOJI. HDBank vừa sáp nhập với Ngân hàng Đại Á và thực hiện mua thêm một công ty tài chính nước ngoài. Còn PVcomBank đang bận rộn với kế hoạch thay đổi chiến lược kinh doanh sau khi hợp nhất (PVFC và WesternBank). Riêng trường hợp GPBank - một trong 9 ngân hàng yếu kém, có lẽ lãnh đạo ngân hàng đang trông chờ cơ hội bán cổ phần cho NĐT nước ngoài, chưa tính tới chuyện niêm yết lúc này.

Mới đây, nhiều nguồn tin cho hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang xúc tiến kế hoạch thúc đẩy nguồn hàng cho thị trường chứng khoán. Trong đó, UBCKNN đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để thúc đẩy việc chào bán chứng khoán ra công chúng ở khu vực ngân hàng thương mại cổ phần đại chúng. Trong thời gian tới, NHNN sẽ có văn bản hối thúc ngân hàng đủ điều kiện niêm yết cổ phiếu lên sàn.

"Ép trái còn xanh"

Giữa tháng 11 vừa qua, UBCKNN và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức một hội nghị lớn để tìm hướng thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) đại chúng chưa niêm yết sớm tham gia thị trường. Sự sốt ruột của UBCKNN có thể thấy là do hoạt động chào bán chứng khoán mấy năm gần đây kém sôi động, chủ yếu phát hành riêng lẻ, quy mô nhỏ… Các NĐT càng không mặn mà, ồ ạt rút khỏi thị trường vì giá cổ phiếu giảm sâu, thấp hơn nhiều lần mệnh giá, cổ tức bèo bọt… Nhiều cổ phiếu đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết khiến cổ đông hoang mang, chịu thiệt hại.

Theo ông Bùi Hoàng Hải, Vụ phó Vụ Quản lý phát hành (UBCK), DN muốn được chấp thuận chào bán chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện, như: doanh thu trên 10 tỷ đồng, có lãi vào năm đăng ký và năm liền kề, không lỗ đến năm chào bán, được Đại hội cổ đông thông qua việc chào bán chứng khoán… Một quy định mới đưa vào Luật Chứng khoán sửa đổi là tổ chức phát hành phải có cam kết đưa chứng khoán vào giao dịch, niêm yết.

Và theo Nghị định 108/2013/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành, DN huy động vốn từ công chúng sau 1 năm (bán cổ phần) phải đưa tiến hành niêm yết cổ phiếu trên 2 sàn. Nếu không niêm yết, DN sẽ bị xử phạt nặng và cổ đông có quyền xin rút vốn. Với chế tài mạnh, trong vòng 1 năm kể từ khi chào bán chứng khoán, ngân hàng buộc phải niêm yết cổ phiếu để giao dịch trên thị trường. Còn hiện tại, dù Đại hội cổ đông đã nhất trí cho niêm yết cổ phiếu nhưng HĐQT liên tục trì hoãn.

Theo quy định hiện hành, các ngân hàng niêm yết sẽ phải thực hiện chế độ công bố thông tin định kỳ (báo cáo tài chính được kiểm toán, thay đổi nhân sự, giao dịch của cổ đông lớn và cổ đông nội bộ…) một cách công khai, rõ ràng. Các điều kiện về vốn điều lệ, tổ chức Đại hội cổ đông, Nghị quyết, chức danh điều hành… tại ngân hàng niêm yết sẽ phải tuân thủ nghiêm quy định của Luật DN. Đây rõ ràng là một áp lực lớn, cũng là điều mà nhiều ngân hàng cổ phần có hoạt động không minh bạch e ngại.

"Những yêu cầu khắt khe về chào bán chứng khoán và niêm yết là nhằm "đảm bảo tính minh bạch và chứng khoán đưa ra thị trường có chất lượng", ông Hải nhấn mạnh.

Theo Thu Hằng

hangnt

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên