Doanh nghiệp có dễ tiếp cận tín dụng?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, tính đến ngày 22/04/2014, tín dụng toàn hệ thống đối với nền kinh tế tăng 0,62% so với cuối năm 2013. Đây là tín hiệu tích cực cho tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
NHNN tiếp tục yêu cầu các TCTD giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản vay cũ về mức dưới 13%/năm. Mặt bằng lãi suất huy động VND giảm 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2013, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1% so với cuối năm 2013. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Được biết, mức lãi suất thấp nhất mà Ngân hàng OceanBank hiện đang cho vay là 6.0%/năm đối với VND và 3.0%/năm đối với USD. Mức lãi suất ưu đãi cạnh tranh này dành cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các lĩnh vực: nông nghiệp - nông thôn, kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, DN vừa và nhỏ, ứng dụng công nghệ cao.
Điều này cũng phù hợp với định hướng ưu tiên của OceanBank trong năm 2014 là tăng trưởng tín dụng kết hợp giữa cho vay phát triển kinh tế với cho vay phục vụ mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện chính sách của Chính phủ. Hay như SeaBank ưu đãi tăng trưởng tín dụng SME với mức lãi suất cho vay tối thiểu chỉ từ 8,5%/năm, HDBank với gói tín dụng 1000 tỷ dành cho KHDN lãi suất 8,5%/năm.
Lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm, song song với đó là động thái các ngân hàng tung ra hàng loạt gói giải pháp khác hỗ trợ DN. Chuyên biệt trong từng gói dịch vụ cung cấp cho DN cũng như lựa chọn những đối tượng DN trọng tâm đang là cách làm mà nhiều ngân hàng hướng tới để nâng cao uy tín, hút thêm khách hàng. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) mới đây tuyên bố, trong thời gian tới sẽ tập trung triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng trong lĩnh vực thủy sản. Điểm tập trung của nguồn vốn này là sẽ dành cho DN ngư dân vay vốn phục vụ đóng mới tàu vỏ sắt, cải hoán nâng cấp tàu cũ để vươn khơi bám biển.
Gói tín dụng trên sẽ được áp mức lãi suất ưu đãi, thấp hơn hẳn mặt bằng chung của thị trường hiện nay, với 5%/năm, và đặc biệt là thời hạn cho vay tối đa có thể lên tới 10 năm. Cùng với đó, Ngân hàng NHNN cũng xây dựng gói tín dụng quy mô tới 12.000 tỷ đồng phục vụ cho nhu cầu vay vốn tái canh cây cà phê tại Tây Nguyên.
Với các ngân hàng TMCP, đây cũng là hướng đi trọng tâm tại nhiều ngân hàng. Nếu như Techcombank thực hiện bộ giải pháp thúc đẩy kinh doanh bằng việc chỉ cần đăng ký một lần, DN có thể sử dụng trọn gói các dịch vụ tài chính đa dạng thì một ngân hàng khác là OceanBank thời gian qua cũng triển khai hàng loạt sản phẩm, dịch vụ chuyên biệt dành cho nhóm khách hàng như: Cho vay bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, cho vay DN nhỏ và hộ kinh doanh, cho vay DN xây lắp... với mức lãi suất cho vay thấp và được ưu đãi trong nhiều tháng. Đại diện ngân hàng cho biết thêm, một vấn đề OceanBank chú trong trong quá trình cung cấp sản phẩm dịch vụ là sự chủ động tiếp cận khách hàng DN và cùng DN tư vấn các hạng mục kinh doanh của DN.
Rõ ràng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, không chỉ hỗ trợ DN bằng nguồn vốn giá rẻ mà các ngân hàng còn triển khai các giải pháp tài chính hữu hiệu khác giúp tăng lợi thế cạnh tranh, giảm thiểu chi phí cho DN. Đây là những hỗ trợ mang tính thiết thực cao của ngân hàng nhằm giải tỏa bớt gánh nặng về vốn, chi phí cũng như mang lại nhiều tiện ích cho DN.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, tuy tín dụng có nhiều khởi sắc, song để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2014 ở mức 12-14% sẽ cần nhiều nỗ lực. Theo ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Tổng Giám đốc OceanBank, bên cạnh việc các TCTD đưa ra các giải pháp kích thích tăng trưởng tín dụng thông qua lãi suất cho vay, đa dạng sản phẩm và loại hình cho vay và nới rộng các điều kiện cho vay thì việc nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn là yếu tố quyết định hàng đầu nên ngoài sự vào cuộc chỉ đạo của NHNN, giải pháp của từng TCTD thì cần có sự tham gia và hỗ trợ của một số bộ, ngành khác, kể cả trong việc kích cầu đầu tư vào những công trình thiết yếu khác, qua đó làm tăng chi tiêu và nhu cầu sức mua của nền kinh tế, tạo ra vòng tuần hoàn tác động trở lại đến tăng trưởng kinh tế.
A.D