Doanh nghiệp sợ “bảo lãnh của ngân hàng”
Dù có bảo lãnh của ngân hàng, người thụ hưởng (bên thứ ba) vẫn có nguy cơ không đòi được tiền trong giao dịch mua bán.
- 06-12-2012Từ vụ việc ở SeABank: Dấu hỏi về những bất cập trong quản lý nội bộ ngân hàng
- 05-12-2012“Người thứ ba” trong thương vụ SeABank - VVF
- 05-12-2012Khởi tố nguyên lãnh đạo SeABank và chuyện “pháp nhân”, “thể nhân”
Dễ “xù” trách nhiệm
Mới đây, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, điều tra sai phạm của bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Seabank trong việc ký bảo lãnh trái phiếu trị giá 150 tỷ đồng.
Trong đó, Cty tài chính cổ phần Vinaconex- Viettel (VVF) đã bị Seabank từ chối thanh toán bảo lãnh cho lô trái phiếu trị giá 150 tỷ đồng đến hạn của Cty cổ phần tập đoàn Vina Megastar.
Phía Seabank cho rằng, thư bảo lãnh do bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó tổng giám đốc (được bà Lê Thu Thủy, Tổng giám đốc ủy quyền) kí là sai quy định, vượt thẩm quyền, vượt hạn mức (tối đa không quá 30 tỷ đồng).
Vì theo quy định về phân quyền phán quyết của Seabank, chứng thư bảo lãnh trên 70 tỷ đồng phải được Hội đồng quản trị phê duyệt. Hơn nữa, hồ sơ bảo lãnh của Cty Megastar không tồn tại trong hệ thống.
Thực tế, vì 150 tỷ đồng bán trái phiếu đã bị Seabank cấn trừ các khoản nợ của công ty thành viên nên Cty Megastar không có tiền triển khai tiếp dự án cao ốc HESCO (Hà Nội). Do đó, công ty này không có nguồn thu để trả nợ trái phiếu đúng hạn.
Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo của VVF nói: “Trước khi mua trái phiếu, chúng tôi đã tìm hiểu, biết bà Giang không đủ thẩm quyền kí nhưng có Giấy ủy quyền của bà Thủy, Tổng giám đốc nên chúng tôi mới chấp nhận thư bảo lãnh này.
Thời điểm đó, được biết bà Thủy (kiêm Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Seabank) có thẩm quyền kí bảo lãnh tới 100-150 tỷ đồng”.
Theo vị lãnh đạo này, nhà đầu tư mua trái phiếu chỉ cần biết thư bảo lãnh có con dấu hội sở ngân hàng, chữ kí của người đại diện, mà không quan tâm đến quy định nội bộ trong ngân hàng. Vì ngay cả nghị quyết của Hội đồng quản trị về phân cấp, phân quyền có thể thay đổi chỉ trong vài giờ.
Theo lãnh đạo này, VVF đầu tư nhiều trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh ngân hàng, nhưng đây là lần đầu tiên bị xù tiền. Trước sự cố này, Hội đồng quản trị công ty đã hủy bỏ kế hoạch mua 150 tỷ đồng trái phiếu sắp phát hành của HUD có bảo lãnh của một ngân hàng. Và chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực khác an toàn, nhất là, dễ đòi nợ hơn.
Rủi ro từ ngân hàng
Hiện nay, nhiều ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo lãnh trong phát hành trái phiếu, thực hiện hợp đồng, thanh toán L/C, bảo lãnh dự thầu…
Tuy nhiên, ông Trịnh Hoài Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội trái phiếu Việt Nam chỉ ra 2 rủi ro từ ngân hàng bảo lãnh: Một là, ngân hàng mất khả năng thanh toán. Hai là, ngân hàng không muốn thanh toán và viện đủ lý do sai quy định, thậm chí “bới lông, tìm vết” trong văn bản để phủi trách nhiệm. Đây là rủi ro pháp lý, phải nhờ tòa án phân xử.
Trong đó, nếu bảo lãnh bị làm giả, vượt thẩm quyền thì người thụ hưởng bảo lãnh có nguy cơ không đòi được nợ. Đơn cử, tháng 8-2012, nhân viên hai Cty cổ phần Viễn thông An Đô và Chi nhánh Cty Thép Thành Đô đã vây hội sở và chi nhánh tại Hà Nội của Ngân hàng HDBank để đòi tiền bảo lãnh với tổng trị giá hơn 25 tỷ đồng.
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, ông Lê Quý Hiển, Giám đốc chi nhánh Thăng Long đã bỏ trốn sau khi ký “khống” nhiều hồ sơ bảo lãnh với tổng trị giá gần 150 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank cho biết: “Quy định của HDBank là giám đốc chi nhánh chỉ được ký bảo lãnh với mức tối đa là 2 tỷ đồng. Số tiền lớn hơn phải trình Hội đồng tín dụng, Hội đồng quản trị ngân hàng phê duyệt. Do đó, các bảo lãnh này là vượt thẩm quyền, không có hồ sơ lưu. Hai doanh nghiệp cũng không xuất trình được thư bảo lãnh gốc”.
Nhưng đại diện của Cty Thép Thành Đô cho biết: “Chúng tôi đã gửi công văn, thư bảo lãnh gốc cho HDBank, đồng thời gửi đơn khởi kiện ra tòa án. Tòa án đã thụ lý hồ sơ. Qua vụ việc này, niềm tin của chúng tôi với ngân hàng đã bị giảm sút quá nhiều. Ngân hàng ký bảo lãnh rồi dễ dàng phủi tay, bảo chúng tôi chờ công an điều tra”.
Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Cty cổ phần Thúy Đạt (Nam Định) cũng cho biết, Chi nhánh ngân hàng Techcombank Nam Định đã không thực hiện thanh toán bảo lãnh L/C cho lô bông sợi nhập khẩu trị giá gần 5 tỷ đồng.
Trước đó, công ty đã ký quỹ 15% trị giá bảo lãnh (780 triệu đồng) và nộp phí bảo lãnh hơn 7 triệu đồng. Khi hàng về, ngân hàng từ chối trả tiền cho đối tác nước ngoài với lý do “sai sót bộ chứng từ” và “chậm nộp tiền thanh toán”. Ngân hàng yêu cầu công ty nộp đủ tiền lô hàng để… chuyển hộ cho phía nước ngoài.
Trước tình trạng nhiều công ty bị “xù” bảo lãnh, ông Trịnh Hoài Giang cho rằng: “Khi ngân hàng đã ký bảo lãnh và thu phí thì phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thanh toán, dù có xảy ra các chuyện trong nội bộ của ngân hàng như vượt thẩm quyền, hạn mức, sai sót giấy tờ…
Vì đây là vấn đề thực hiện cam kết, uy tín của ngân hàng”. Để giảm thiểu rủi ro, các nhà đầu tư nên kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ bảo lãnh để tránh bị mất tiền oan.
Theo Thu Hằng
Tiền phong