Doanh thu tỷ đô, SJC lãi được bao nhiêu?
Tỷ suất lợi nhuận của hoạt động kinh doanh vàng miếng rất thấp.
- 07-03-2014Vì sao 75% doanh số của SJC bị thổi bay chỉ trong 2 năm?
- 22-07-2013Phát hiện vàng nhái SJC tinh vi
- 02-06-2013“Lựa chọn công ty SJC gia công sản xuất vàng miếng là tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và xã hội”
- 18-03-2013SJC bắt đầu gia công vàng miếng
Năm 2011, nhờ sự sôi động của thị trường vàng, Cty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC – đã đứng trong Top 10 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất Việt Nam với doanh thu đạt hơn 111.000 tỷ đồng. Nhưng kể từ mức đỉnh này, doanh thu của SJC đã giảm rất nhanh: còn 72 nghìn tỷ vào năm 2012 và chưa đến 28 nghìn tỷ (1,3 tỷ USD) vào năm 2013.
Doanh thu của SJC thậm chí còn thấp Doji Group, tập đoàn này công bố đạt hơn 35 nghìn tỷ doanh thu trong năm ngoái.
Nguyên nhân khiến doanh thu SJC lao dốc một phần là do mãi lực của thị trường giảm và việc thay đổi chính sách. Ngày 3/4/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Một trong những quy định quan trọng của Nghị định 24 là các giấy phép sản xuất vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước cấp hết hiệu lực từ ngày nghị định có hiệu lực thi hành, từ 25/5/2012. Thương hiệu vàng miếng SJC được chuyển giao về Ngân hàng Nhà nước. Từ vị thế nhà sản xuất chiếm lĩnh thị trường vàng miếng, SJC trở thành một đơn vị gia công.
150 đồng doanh thu mới được 1 đồng lãi
Mới đây, SJC đã lần đầu tiên công bố báo cáo tài chính, qua đó có được cái nhìn rõ ràng hơn về quy mô của doanh nghiệp này.
Hoạt động kinh doanh vàng miếng mang về doanh thu lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Như năm 2013, SJC chỉ đạt 181 tỷ đồng lãi gộp trên doanh thu 27,6 nghìn tỷ, tương đương với tỷ suất lợi nhuận 0,66% hay 150 đồng doanh thu mới được 1 đồng lãi. Năm 2012, con số này chỉ bằng ½, tức 300 đồng doanh thu mới được 1 đồng lãi.
Đối với Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ, tỷ suất lợi nhuận của kinh doanh vàng miếng cũng chỉ đạt 0,5%. Vì thế dù đóng góp 25% doanh thu nhưng vàng miếng chỉ đóng góp 3% lãi gộp. Lợi nhuận của PNJ chủ yếu đến từ kinh doanh vàng trang sức, lĩnh vực này có tỷ suất lợi nhuận cao hơn rất nhiều.
Hoạt động tài chính mang về một khoản lợi nhuận đáng kể cho SJC. Năm 2013, doanh thu tài chính chỉ đạt 306 tỷ so với mức 539 tỷ của năm 2012 nhưng chi phí tài chính cũng giảm tương ứng.
Năm 2013, công ty mẹ SJC đạt 191 tỷ đồng LNST, giảm 35% so với năm 2012. |
Cấu trúc tài sản đơn giản
So với PNJ, SJC nhỉnh hơn về vốn chủ sở hữu nhưng tổng tài sản nhỏ hơn. Tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2013 là 1.800 tỷ đồng, trong đó, các khoản đầu tư tài chính dài hạn chiếm 1/3 và hàng tồn kho chiếm ½ tổng tài sản. Nợ phải trả chiếm chưa đến 10% tổng nguồn vốn.
Đến cuối năm 2013, danh mục đầu tư tài chính dài hạn của SJC đạt 630 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng tài sản. Theo thông tin trên website SJC thì công ty có 6 công ty con và 6 công ty liên kết. Mặc dù mang tên SJC nhưng 2 công ty SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng lại chịu sự chi phối của Tập đoàn Doji.
Khoản đầu tư giá trị nhất của SJC là hơn 25,62 triệu cổ phiếu Eximbank, tương đương 2,07% cổ phần của ngân hàng này. SJC đầu tư vào ngân hàng này từ rất sớm. Mặc dù tỷ lệ nắm giữ không lớn nhưng đại diện của SJC luôn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank từ nhiều năm nay.
Năm 2013, Eximbank mang về cho SJC khoản cổ tức trị giá 35 tỷ đồng, tương ứng gần 1/5 lợi nhuận sau thuế.
Ngoài ra, SJC còn đầu tư tỷ lệ cổ phần nhỏ vào ngân hàng Việt Á, bảo hiểm Hùng Vương, chứng khoán SJCS…
Kiến Khang